Lên thăm Mường Ký
Nằm giữa những dãy núi, vùng đất Mường Ký là một thung lũng rộng lớn với những cánh đồng lúa tốt tươi. Nơi đây còn có núi đá, hang động, hang cá “kỳ bí” giữa đại ngàn, gắn liền với truyền thuyết và cả những dấu tích lịch sử...
Bên trong hang Doong - nơi Tống Duy Tân trú ẩn khi bị thực dân Pháp truy đuổi, ngày nay có miếu thờ ông.
Từ trung tâm huyện Bá Thước, di chuyển thêm khoảng 30 phút nữa là đến vùng đất Mường Ký cổ xưa - nay là xã Văn Nho và Kỳ Tân (huyện Bá Thước). Theo sách Địa chí huyện Bá Thước: “Mường Ký là một vùng đất có 3 thung lũng nằm trong lòng núi Pù Đền (Lai Ly Lai Láng) và núi Mủng Mường. Trong đó, thung lũng Văn Nho rộng hơn, thấp hơn và bằng phẳng hơn. Cánh đồng lúa Văn Nho gọi là đồng Ký, được coi là kho lương của vùng châu Quan Hóa, Lang Chánh xưa kia”.
Trong dân gian vùng đất này còn lưu truyền những câu ca đầy tự hào về sự trù phú, no đủ, như: “Còn lúa Văn Nho còn kho nước nhà”, hay “Nhất lúa đồng Ký”... “Cánh đồng Mường Ký vào mùa gặt như một nong lúa khổng lồ, vàng ươm, nằm giữa một màu xanh tươi của núi rừng. Các bản làng nhà sàn nhấp nhô, viền quanh chân núi, khói lan tỏa... trông như những bức tranh, đẹp đến nao lòng”.
Ở thời điểm hiện tại, người dân địa phương đã hoàn tất việc thu hoạch lúa vụ chiêm xuân và đang chuẩn bị bước vào vụ mùa mới. Dẫn chúng tôi đi qua cánh đồng Mường Ký, ông Hà Viết Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nho, cho biết: “Trên địa bàn xã Văn Nho hiện nay diện tích cấy lúa khoảng 200ha. Vụ lúa chiêm xuân vừa xong được mùa nên người dân rất phấn khởi. Dân số xã Văn Nho hiện nay có gần 6.000 nhân khẩu, trong đó 99% người dân là đồng bào dân tộc Thái, bản tính siêng năng, chăm chỉ việc đồng áng...".
Qua cánh đồng Mường Ký là ngọn núi Thắm (Piêng Thắm hay Piềng Thắm) nhô cao - nơi có hang cá “thần” đầu nguồn của suối Ký. "Nước từ trong hang chảy ra là nguồn tưới tiêu chủ yếu cho cánh đồng. Thế đất xòe ra như cánh gà. Một bên là bản Chiềng Ban (nay là thôn Chiềng Ấm ) một bên là bản Kẻo Hiềng". Núi Thắm là một khối đá vôi xanh tươi cây lá, nằm giữa Văn Nho và Kỳ Tân, có nhiều hang động.
Nằm giữa những dãy núi là cánh đồng Mường Ký rộng lớn.
Núi Thắm không chỉ mang vẻ đẹp thiên tạo mà còn được người dân Mường Ký xem là ngọn núi “thiêng”. Là bởi, “dưới chân núi Thắm, vách đá lô nhô, có một suối nước chảy ra từ cửa hang rộng khoảng 5m cao hơn 4m. Phía trước cách chân vách đá khoảng 20m có một đập chắn ngang, dẫn nước vào mương hai bên cánh gà, tạo thành một vùng nước tự nhiên trong mát, nổi lên một vài mỏm đá lô nhô. Trước đây bà con tự đắp bai bằng đất, mực nước thấp, mùa cạn có thể chèo bè vào hang. Bây giờ xây đập đá, nước dâng lên mấp mé vách hang. Độ sâu tăng dần từ mặt đập đi vào hang. Trước mặt đập chỉ khoảng 1m, vào đến cửa hang sâu 3, 4m”. Trong hang có đàn cá lớn vẫn được người dân thường gọi là cá “thần”. Từ xa xưa đến ngày nay, dù cuộc sống khó khăn, người dân cũng chưa từng bắt cá ở hang về ăn. Cá “thần” mang vẻ đẹp khác thường. Hình dáng gần giống cá Dốc sông nhưng vành môi đỏ, vây và đuôi vàng đậm như cá chép vàng...
Liên quan đến đàn cá lớn ở hang cá Mường Ký (còn được biết đến với tên gọi hang cá “thần” Văn Nho), trong dân gian vùng đất cổ có nhiều lưu truyền khác nhau. Có truyền thuyết kể rằng, loài cá lạ trong hang Mường Ký là do người con gái bản Chiềng Ban và những quân lính của nàng “hóa thân” mà thành - họ cũng chính là “chủ nhân” - những vị thần cai quản núi Piềng Thắm. Đi liền với truyền thuyết là chuyện kể về con cá thần “đeo vòng vàng ở mang” với những vẩy vàng lấp lánh, ai may mắn mới thấy được.
Lại có ý kiến cho rằng, loài cá “thần” do ông Hà Công Vụ - một người có công lớn trong việc gây dựng, phát triển đất Mường Ký xưa kia mang về đây thả. Nhớ ơn ông Hà Công Vụ nên người dân địa phương từ xa xưa đến nay luôn giữ gìn, bảo vệ hang cá... Dù có những chuyện kể, lý giải khác nhau song có một điều chắc chắn, núi Piềng Thắm và hang cá “thần” tại đây được người dân Mường Ký giữ gìn như báu vật.
Phía trên hang cá “thần” còn có một cửa hang - động đá mở rộng, như chiếc nhà sàn thiên tạo, thoáng mát quanh năm, người dân thường gọi là hang Dong (hay hang Doong, hang Dơi). “Đứng ở hang Doong nhìn ra cánh đồng phong quang, thu vào tầm mắt hầu hết khung cảnh bản mường. Ở vị trí này vừa giấu kín được mình, vừa quan sát được các động tĩnh bên ngoài”. Vì thế, đây cũng chính là địa điểm khi xưa các văn thân, sĩ phu yêu nước như Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Trần Xuân Soạn... trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX gặp gỡ, họp bàn việc quân cơ. Hang Doong cũng là nơi nhà yêu nước Tống Duy Tân ẩn náu khi bị thực dân Pháp truy lùng.
Và đất Mường Ký cũng chính là quê hương của Hà Văn Nho. Cùng với Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao thì Hà Văn Nho là một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương khu vực miền núi xứ Thanh. Theo sách Địa chí huyện Bá Thước: “Hà Văn Nho sinh ra trong gia đình thổ mục, là người dân tộc Thái ở Mường Ký. Ông là người thông minh, hào hiệp, nhân ái nên thời Tự Đức đã được làm Cai tổng (bao gồm các xã Văn Nho, Kỳ Tân, Thiết Kế, Thiết Ống). Nhân dân trong mường thường gọi ông với cái tên thân mật là Cai Nho”.
Khi phong trào Cần Vương diễn ra tại Thanh Hóa, Hà Văn Nho đã liên hệ với các thủ lĩnh của phong trào như Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Tống Duy Tân... và các lang đạo thổ ty có thế lực, cùng nhau tập hợp lực lượng chống thực dân Pháp. “Hà Văn Nho lấy quê hương mình làm nơi dấy nghĩa. Ông đã tập hợp quân sĩ, cả người Mường và người Thái, tự trang bị giáo mác, cung nỏ, súng... khi thì chiến đấu độc lập, lúc lại phối hợp với quân của Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước”.
Đáng tiếc, về sau do tương quan lực lượng chênh lệch, thủ lĩnh Hà Văn Nho rơi vào tay giặc Pháp. Sau những dụ dỗ, mua chuộc không được, kẻ địch đã hành hình ông trên đất Chiềng Ban (nay là thôn Chiềng Ấm) thuộc Mường Ký.
Khắc ghi công ơn của vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương trên đất Mường Ký, về sau tên ông đã được đặt cho tên xã Văn Nho - vùng đất trung tâm Mường Ký và hang cá “thần” nơi ông và các thủ lĩnh họp bàn khi xưa cũng được biết đến với tên gọi hang cá “thần” Văn Nho.
Tại hang Doong - phía trên hang cá thần, nơi Tống Duy Tân ẩn náu và họp bàn với các thủ lĩnh phong trào Cần Vương, người dân đã lập miếu thờ ông. Cách miếu thờ Tống Duy Tân khoảng 100m là miếu thờ Hà Văn Nho.
Hang cá “thần” Văn Nho trên đất Mường Ký được người dân gìn giữ như báu vật.
Đặc biệt, ở khu vực hang cá “thần” Văn Nho khi xưa còn có lễ hội Căm Mương diễn ra từ ngày 20 đến 22/8 (âm lịch). Theo các vị cao niên trong mường, nguồn gốc lễ hội Căm Mương bắt đầu từ mỹ tục cúng vía lúa của người Thái cổ, “kết hợp” với việc tưởng nhớ vua Lê Thái tổ “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Lễ hội Căm Mương cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường bình yên, người dân khỏe mạnh... “Lễ hội Căm Mương có ý nghĩa lớn trong đời sống đồng bào Thái ở Mường Ký nói chung, xã Văn Nho nói riêng, đáng tiếc, sau thời gian dài gián đoạn, việc khôi phục lễ hội truyền thống hiện nay gặp không ít khó khăn”, ông Hà Viết Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nho, cho biết.
Núi non kỳ vĩ, có hang cá thần, hang động đẹp và những dấu tích lịch sử, những giá trị văn hóa lâu đời... không gian cảnh quan tươi đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ... vùng đất cổ Mường Ký “hứa hẹn” trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nếu được quan tâm đầu tư và khai thác đúng hướng.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Địa chí huyện Bá Thước và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2024-06-03 10:44:00
Hấp dẫn Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch Thác Mây
Hải Hòa... biển gọi
Kim Sơn giàu truyền thống văn hóa
Cuối tuần về Thác Mây tắm mát, trải nghiệm ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch
Lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ
Hấp dẫn những điểm đến xanh tại Thanh Hóa
Bình yên bản Bàng
Mênh mang du ngoạn lòng hồ
Đất làng Thọ Tân
Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt dịp Hè 2024