“Lúm” trong “Tay vơ chẳng tày miệng lúm” nghĩa là gì?
Tục ngữ Việt Nam có câu “Tay vơ chẳng tày miệng lúm”. Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) thu thập và giải nghĩa như sau:
“Tay vơ chẳng tày miệng lúm: Tay dù giỏi thu vén (đến mấy chăng nữa vẫn chẳng kiếm được nhiều của) bằng những kẻ má lúm đồng tiền. Hay dùng để chỉ rõ lợi thế của nhan sắc so với tài thu vén trong việc kiếm tiền”.
Tuy nhiên, cách giải thích này sai hoàn toàn. Vì nếu hiểu theo nghĩa mà soạn giả giảng thì phải chữa câu tục ngữ thành “Tay vơ chẳng tày má lúm” mới đúng. Còn ở đây, dân gian đang nói “miệng lúm”, sao lại hiểu thành “má lúm đồng tiền”?
Thực ra, “lúm” (tiếng Nghệ) hay “lốm” (tiếng Thanh Hóa) chỉ kiểu ăn bỏ cả vào mồm nhai nuốt một cách gọn lỏn (hàm ý chê). Tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt (phổ thông) chúng tôi có trong tay đều không thấy ghi nhận từ “lúm”. Tuy nhiên, Từ điển tiếng Nghệ (Trần Hữu Thung - Thái Kim Đỉnh) đã thu thập và giải thích như sau: “lúm: lúm hay lủm - ăn (nói vui - châm biếm). Vd - Hắn lúm sạch trơn”.
Lại nói về “lúm” = “lủm” mà Từ điển tiếng Nghệ ghi nhận. Tuy các cuốn từ điển tiếng Việt mà chúng tôi có trong tay không ghi nhận “lúm”, nhưng với “lủm” thì có tới 8 cuốn (từ cổ chí kim) thu thập và giải nghĩa. Sau đây, xin dẫn 4 cuốn từ điển đại diện cho 4 thời kỳ lịch sử, ở cả hai miền Nam - Bắc, trích lần lượt như sau:
- Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của -1895): “lủm. n: ăn gọn, nuốt cái một. lủm đi (id); lủm phứt (id); Bốc lủm: Ăn như Chà-và, và bốc và lủm; Lủm lảm (lổm lảm) bộ háu ăn”.
- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức -1931): “lủm: bỏ gọn vào mồm mà ăn <> Bỏ lủm cái kẹo vào mồm”.
- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức - 1974): “lủm • đt. Thảy vào miệng ăn gọn - gàng: Bốc lủm, lủm một miếng. • (R) Ăn, sống: Làm không đủ lủm • (lóng) Ăn tươi, vồ, thắng cách dễ - dàng: Bộ mầy không đủ cho nó lủm đâu. • dt. Miếng, dung - lượng của miệng: Không đủ một lủm”.
- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex, 2017): “lủm • đg. [kng] ăn gọn cả miếng. lủm cả miếng bánh ngon ơ ~ “Mụ mần chi rứa cho mất công. Quan với các thầy chia nhau lủm hết từ đời mô rồi.” (Bùi Hiển ). Đn: lẻm”.
Như vậy, “lúm” trong câu “Tay vơ chẳng tày miệng lúm” đồng nghĩa với “lủm” nghĩa là ăn gọn, nuốt gọn. Câu này ám chỉ kẻ làm ra thì ít mà ăn tiêu thì nhiều; các dị bản đồng nghĩa: “Bóc ngắn cắn dài”, “Làm không đủ lủm”; “Làm gang, ăn sải”...
Chỉ vì không hiểu “lúm” là gì, soạn giả Từ điển tục ngữ Việt đã suy diễn: “tay vơ” (quơ, cào, dùa, lấy bừa, cốt cho được nhiều) thành “tay vơ” (“giỏi thu vén”); biến “lúm” (động từ) thành “lúm” (tính từ) rồi giảng sai luôn nghĩa của câu tục ngữ: kẻ “làm ít ăn nhiều” bỗng chốc hóa thành cô gái “nhan sắc” có lợi thế “má lúm đồng tiền” duyên dáng nào đó.
Hoàng Tuấn Công (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-23 09:09:00
Lần đầu trưng bày bức chân dung quý hiếm của danh họa Caravaggio
-
2024-11-23 08:52:00
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì tương lai bền vững
-
2024-07-29 15:12:00
Phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm”
Tạo sự lan tỏa về ngày hội lớn của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
“Râu tôm nấu với ruột bầu”,...
Những di vật ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng
Việt Nam - điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới
Việt Nam giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Xiếc Thế giới “IDOL”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người soi đường cho văn nghệ sỹ
Bay cao những cánh diều
Như Xuân bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Văn hóa bản địa - “chìa khóa” thúc đẩy du lịch bền vững (Bài cuối): “Điểm nghẽn” cần “khơi thông”