(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Để đạt lợi nhuận trước mắt, nhiều thương lái tìm đến lọ thuốc lạ có xuất xứ Trung Quốc để kích thích quả nhanh chín và rất bắt mắt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Ma trận" thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng (Kỳ 4): Trái cây tẩm hóa chất?

(VH&ĐS) Để đạt lợi nhuận trước mắt, nhiều thương lái tìm đến lọ thuốc lạ có xuất xứ Trung Quốc để kích thích quả nhanh chín và rất bắt mắt.

Quả chín sau 12 giờ tắm thuốc?

Có mặt lúc 4 giờ 30 phút tại khu vực chợ rau quả, đó cũng là lúc những chuyến hàng khắp mọi miền đổ về đây, trong đó phần lớn có xuất xứ từ các tỉnh phía Nam.

Thấy chúng tôi đang xem các mặt hàng hoa quả, một phụ nữ bán các loại quả hỏi: “Em muốn nhập hàng hay sao?” Thấy chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn vì quả còn hơi xanh chị chủ hàng cười tươi rói, chèo kéo: “Tưởng em chê gì chứ cái đó quá đơn giản. Bây giờ người ta còn chuộng quả xanh, thậm chí quả non ấy chứ. Quả ở đây đều được xử lý thuốc bảo quản, đảm bảo đẹp lâu, bền màu mà cũng lâu hỏng. Trông thì xanh thế nhưng em mang về đến nhà là quả đã lên màu chín đẹp rồi, thích nữa thì chị nói cách để cho nó chín cấp tốc là được chứ gì”.

“Là cách ủ bằng đất đèn à chị?” - chúng tôi hỏi. Chị chủ quầy đỡ lời nhanh: Bây giờ có thuốc rồi, hơi đâu mà dùng hương, đất đèn, lá xoan, chấm vôi vào cuống quả như trước kia nữa em, mất thời gian. Em cứ mua hàng đi chị hướng dẫn và mách chỗ mua cho. Nó rẻ mà hiệu quả, chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/lọ, chấm vào cuống quả là chín sau 12 tiếng đối với quả lớn như đu đủ, mít, bưởi… còn với các loại quả nhỏ như ổi, lê, chuối hay cam thì chỉ cần vài giọt cho vào chậu nước, nhúng quả vào đấy, cả tấn còn được rồi vớt ra sau 12 tiếng là chín đẹp, mà lại còn ít bị thối, đẹp màu.

Loại thuốc được nhiều người mua để ủ quả chín nhanh.

Anh Hùng, một người nhiều năm làm công nhân kéo xe hàng trong chợ cho hay: "Bọn mình cái gì ở đây chả biết, họ thường dùng 2 loại thuốc kích thích quả mau chín. Một loại nước có màu đục đục, loại màu trắng, cả hai đều to bằng ngón tay. Họ dùng xong vứt đầy vỏ ra đấy. Mà thường thì những xe chở hàng trong Nam ra đây họ chưa nhúng, khi hoa quả đến các chủ sạp hay những người bán hàng rong mới bị dùng thuốc để nhúng. Nhưng giờ nhiều người tinh vi rồi, họ cho thuốc vào những chiếc bình tưới cây, tiện lúc nào họ xịt lúc đó, quả chỉ cần tiếp xúc với nước có thuốc là chín sau vài ngày. Như vậy thì họ bán tới đâu xịt tới đó hay hơn và cũng chả ai để ý mà phát hiện".

Tò mò hỏi thêm về loại thuốc ấy, anh Hùng vô tư chỉ dẫn chúng tôi đến những cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hỏi mua loại thuốc kích thích hoa quả. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đến khu vực bán hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật trên đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa tìm mua. Tuy nhiên khi ngỏ lời mua loại thuốc để kích thích quả, nhiều chủ cửa hàng đã dò xét và từ chối thẳng thừng.

Để tiếp tục, chúng tôi có mặt tại một cửa hàng bán những thứ nói trên nằm đối diện 69 đường Lê Hoàn, chị chủ cửa hàng cảnh giác dò la: “Em ở đâu, mua làm gì? Nó độc hại vậy đừng mua, biết cách sử dụng bao giờ chưa”, “Sẽ bị bắt khi phát hiện bán vì nó là thuốc cấm, thuốc Trung Quốc”... Sau màn “thẩm tra” bà chủ vào trong nhà lấy ra một hộp thuốc, bên trong gồm 10 tuýp nhỏ giá 100.000 đồng/ hộp.

Hóa chất độc hại

Loại thuốc chúng tôi mua được có ghi chữ màu xanh của Công ty Hóa chất Phùng Xuân Quảng Tây. Thuốc không có màu, mùi ngây ngây dạng cồn. Bên trong hộp thuốc có 10 tuýp nhựa nhỏ. Đằng sau hộp thuốc hướng dẫn chi tiết cách sử dụng bằng tiếng Việt: Pha tuýp thuốc với nước loãng và nhúng quả vào đợi 2 ngày sẽ chuyển màu cho quả. Có thể xem đây là bằng chứng loại thuốc này được sản xuất cho thị trường Việt Nam.

Và trong danh mục 1.643 hoạt chất hóa học với 3.902 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BNN ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, không có tên loại thuốc này.

Hoa quả bán trên thị trường có nguy cơ bị nhiễm độc.

Cũng theo như thông tin mà chúng tôi có được thì, các loại thuốc ép quả chín nhanh thường có thành phần là ethrel, hoạt chất này cũng có trong đất đèn. Đây là loại hóa chất rất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu hoa quả bị phun hoặc nhúng loại chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, ethrel tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat - một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3- trong khi người chấm thuốc thì chỉ cốt cho quả chín mà không hề biết đến hàm lượng này.

Đối với những người bán hàng vô lương tâm thì họ không ngần ngại ngâm quả vào loại hóa chất chết người này để màu sắc tươi ngon và quan trọng hơn hết là bảo quản được rất lâu. Rõ ràng hành vi này là đi ngược với đạo đức và pháp luật, cần phải được xử lý thật nghiêm minh, bởi đầu độc người tiêu dùng bằng hóa chất đồng nghĩa với việc gián tiếp cướp đi mạng sống con người.

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]