(vhds.baothanhhoa.vn) - Nối dài lịch sử giữa quá khứ và hiện tại, phát huy truyền thống cách mạng, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ xã Quảng Phú (Thọ Xuân) luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, tập hợp các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, sáng tạo bứt phá trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương...

Mạch nguồn nội lực để Quảng Phú bứt phá trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương

Nối dài lịch sử giữa quá khứ và hiện tại, phát huy truyền thống cách mạng, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ xã Quảng Phú (Thọ Xuân) luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, tập hợp các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, sáng tạo bứt phá trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương...

Mạch nguồn nội lực để Quảng Phú bứt phá trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hươngMột góc trung tâm xã Quảng Phú hôm nay. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thọ Xuân)

Ngược dòng lịch sử

Quảng Phú - nơi có bề dày văn hóa và truyền thống chống giặc ngoại xâm. Trong suốt tiến trình hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người dân xã Quảng Phú đã chung sức, đồng lòng, dũng cảm trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, trù phú. Đây là những phẩm chất “nội sinh” dệt nên những giá trị quý báu, để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Phú phát huy trong sự nghiệp đổi mới.

Xã Quảng Phú dưới triều Nguyễn là đất của Tổng An Trường, Tổng Phủ Hà, huyện Thuỵ Nguyên và Tổng Khoái Lạc, huyện Yên Định. Năm 1900, phần đất miền núi của Tổng Quảng Thi và Tổng An Trường được tách ra để thành lập huyện Ngọc Lặc. Phần đất còn lại của 2 tổng được gộp lại để thành lập Tổng Quảng Yên.

Phần đất thuộc Tổng Quảng Yên trên địa giới của xã Quảng Phú ngày nay được thành lập vào cuối năm 1919. Đây là mảnh đất nằm trong “tiền tứ Yên, hậu ngũ Phúc” (tứ Yên gồm Yên Lạc, Yên Trung, Yên Trường, Yên Lãng; ngũ Phúc gồm Phúc Bồi, Phúc Cương, Phúc Sơn, Phúc Lâm, Phúc Địa). Chữ Yên, chữ Phúc hàm ý vùng đất này là một vùng đất yên ổn, thịnh vượng.

Ngày 22-7-1930 chi bộ đảng Thọ Xuân được thành lập. Từ đây, phong trào cách mạng ở Thọ Xuân nói chung và Quảng Phú nói riêng đã bước sang một trang sử mới. Các tổ chức cách mạng và phong trào đấu tranh quần chúng được phát triển rộng khắp. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, cùng với cả nước, Nhân dân Quảng Phú bước vào thời kỳ xây dựng, củng cố chính quyền, chống thù trong giặc ngoài.

Tháng 7-1947, thực hiện chủ trương của Ủy ban Hành chính huyện Thọ Xuân, hợp nhất 2 xã Quảng Phú và Chỉ Tín (là xã Xuân Tín ngày nay) lấy tên là Quảng Phú, đồng thời làng Bao trước đây thuộc huyện Yên Định cũng được sáp nhập về Thọ Xuân, trực thuộc xã Quảng Phú.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang thời kỳ phản công trên khắp mặt trận và ngày một gay go, ác liệt. Để huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến và phù hợp với sự quản lý hành chính xã hội, xã Quảng Phú được chia tách thành 2 xã: xã Xuân Tín và xã Quảng Phú.

Ngay sau khi thành lập xã Quảng Phú mới, ngày 3-10-1953, Chi bộ xã Quảng Phú đầu tiên được thành lập gồm 3 đảng viên là Đinh Văn Vy, Đinh Văn Ân và Đinh Văn Vóc. Đồng chí Đinh Văn Vy được bầu giữ chức Bí thư chi bộ. Chi bộ xã sau khi thành lập đã kịp thời lãnh đạo Nhân dân trong xã đoàn kết lương, giáo, tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

Trải qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã cùng huyện, tỉnh thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc; động viên hàng chục ngàn người con ưu tú tham gia bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. 32 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1953-1985), Đảng bộ và Nhân dân xã đã động viên hàng chục nghìn lượt người tham gia kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Hàng nghìn người con Quảng Phú đã chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường.

Khơi nguồn nội lực

Truyền thống cách mạng luôn là mạch nguồn nội lực của sự đoàn kết, sáng tạo trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương. Nhìn lại chặng đường 70 năm thành lập, xây dựng và phát triển, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ xã Quảng Phú vẫn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, tập hợp được mọi thành phần, tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Bùi Minh Ngọc cho biết: Trong các nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, Đảng bộ xã; cấp ủy, chính quyền địa phương đã bám sát thực hiện các chủ trương của Đảng với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, được các ngành và huyện đánh giá cao. Đặc biệt, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Đảng bộ xã đã phát huy sức mạnh đoàn kết, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Năm 2018, Quảng Phú đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Hiện xã đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí nhằm tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Cùng với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết vừa qua, Đảng bộ xã đã phát huy tiềm năng, thế mạnh đoàn kết thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đối với sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng chủ lực cơ bản bảo đảm diện tích và có năng suất, sản lượng cao. Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt diện tích 80 ha. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung 32,1 ha, đạt 71,2%. Xã cũng xây dựng được 1 sản phẩm OCOP 3 sao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đã đạt 44,6 triệu đồng/người/năm (mục tiêu đến năm 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên).

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ được quan tâm phát triển, toàn xã có 15 doanh nghiệp được thành lập, đạt 65,2%. Tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 15%, đạt 100% kế hoạch. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ. Hàng loạt công trình được xây dựng như: nâng cấp, cứng hóa toàn bộ 14 km đê 2 bên bờ sông Cầu Chày; xây dựng đập Hồ Mọ; các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn; cứng hóa đường giao thông nông thôn. Đến nay, 90% đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục được chú trọng, trong đó các trường mầm non, tiểu học được đầu tư cơ sở vật chất và được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng dạy và học từng bước có sự chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng dân số bình quân 0,9% (chỉ tiêu dưới 0,91%). Hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 14 hộ, đạt 175%.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Duy Tình nhấn mạnh: Những thành tựu đạt được không chỉ là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của Nhân dân trong xã; là ý thức trách nhiệm và sự kiên trì, quyết liệt theo đuổi những mục tiêu đã lựa chọn của nhiều thế hệ lãnh đạo xã; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, mà còn là sự kết tinh truyền thống hào hùng của ông cha được hun đúc qua những thăng trầm của lịch sử. Đó cũng là tiền đề vững chắc để Đảng bộ xã quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, nghị quyết đại hội Đảng bộ xã đề ra.

Bài và ảnh: Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]