(vhds.baothanhhoa.vn) - Măng là sản vật gắn liền với đời sống bao đời của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quan Sơn. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), “Măng khô Nang Non” đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Cũng từ đây, măng của núi rừng Quan Sơn được tỏa đi muôn nơi và đang từng ngày khẳng định được giá trị trên thị trường nông sản.

Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan Sơn

Măng là sản vật gắn liền với đời sống bao đời của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quan Sơn. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), “Măng khô Nang Non” đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Cũng từ đây, măng của núi rừng Quan Sơn được tỏa đi muôn nơi và đang từng ngày khẳng định được giá trị trên thị trường nông sản.

Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan SơnSản phẩm măng khô Nang Non của HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư đã được đóng gói ép chân không, tránh được ẩm mốc, có nhãn mác, tem vạch, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng...

Quà của rừng...

Thị trấn Sơn Lư một ngày oi bức, bà Phạm Thị Tý cùng vài người phụ nữ Thái tay thoăn thoắt bóc, rửa, bổ những búp măng trắng ngà, bóng bẩy thành những miếng nhỏ rồi ngâm vào một bể nước lớn. Cạnh đó rộn ràng tiếng cười nói của mấy cô làm công việc luộc măng... Khoảng sân đầy nắng ở góc xa là những tấm phên phơi măng đã luộc chín. Nắng đẹp, măng chỉ cần 5 - 7 ngày là vàng ruộm, giòn, thơm. Gặp thời tiết xấu, bà con nơi đây sẽ treo măng lên gác bếp để sấy khô. Măng sấy thường có màu nâu đậm, mùi ngai ngái của khói bếp. Tuy nhiên theo bà Tý, đây là dấu hiệu của măng an toàn, không chứa chất bảo quản.

Thường, các bà, các mẹ sẽ làm 2 loại măng là măng khô lưỡi lợn và măng khô xé sợi. Măng lưỡi lợn là loại măng mà bà Tý đang làm; măng xé sợi là măng tươi sau khi luộc chín sẽ tước nhỏ thành những sợi mỏng rồi đem phơi nắng. Mỗi mẻ măng khô phải trải qua 5 - 7 ngày phơi nắng. Thông thường, cứ khoảng 18 - 20kg măng tươi sẽ thu về 1kg măng khô. “Măng khô không đơn thuần là một sản phẩm thương mại thuần túy mà nó còn chứa đựng cả nét văn hóa truyền thống, khát vọng vươn lên của đồng bào ở huyện Quan Sơn trong tiến trình phát triển” - ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, khẳng định.

Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan Sơn

Trước khi lên huyện Quan Sơn, tôi đã nghe nhiều về cây tre, cây vầu, cây luồng... - thứ cây thoát nghèo làm thay đổi cả vùng biên Quan Sơn và bây giờ thì tôi đang nhìn, chạm vào, thậm chí nếm thử mùi vị của nó. Rừng Quan Sơn có bao nhiêu loại măng: măng đắng, măng ngọt, măng tre, măng nứa, măng sặt, măng vầu..., phụ nữ vùng cao hầu như ngày nào cũng vào rừng hái măng về để chế biến thức ăn, không chỉ vì đây là thứ lộc trời luôn sẵn có mà còn bởi hương vị đặc biệt không loại rau củ nào có được. Măng rừng cũng dễ dàng kết hợp với các loại thực phẩm khác làm cho bữa ăn càng thêm phong phú. Mâm lễ cúng tổ tiên, ông bà hay thần rừng, thần suối của đồng bào đều có ít nhất một món ăn làm từ măng: măng luộc chấm muối ớt mắc khén, măng nướng cuốn lá chát, măng xào lá gừng, nộm măng,... hoặc ngâm măng chua để xào, nấu canh cá; muối măng với ớt và quả mắc mật ăn kèm với thịt, mì... Nhưng vì mùa măng tươi thật ngắn cho nên nếu muốn có măng để dùng cả năm thì đồng bào từ xa xưa đã biết cách làm măng khô, tiếng Thái gọi là “nó khô”.

...xuống phố

Toàn huyện Quan Sơn hiện có 86.033,71ha rừng các loại, với khoảng 60 triệu cây luồng, vầu, 170 triệu cây tre, nứa... Và dưới sự hướng dẫn của cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, bà con liên tục trồng, thâm canh, phục tráng cho cây luồng, nứa, vầu. Bởi vậy, năng suất, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến măng khô. Và, loại măng mà người dân thích nhất là măng bương vì mềm, giòn và không hăng, không đắng. Đây cũng là nguyên liệu chính để sản xuất măng khô Nang Non (Nàng Ngủ) - Thứ quà mang đậm nét văn hóa và hương vị của miền núi.

Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan SơnMăng khai thác là những búp măng còn non, mập mạp.

Thông thường, bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8, khi cây nứa, tre lên măng, các hộ gia đình có đồi, rừng trồng tre, nứa sẽ lên rừng khai thác măng về tự làm măng khô, hoặc bán cho các hộ khác làm măng khô. Vụ làm măng khô sẽ kết thúc vào cuối tháng 10 hằng năm. Măng khô sau đó sẽ được các thương lái bán ở chợ phiên vào dịp tết nguyên đán hoặc bán lẻ quanh năm cho khách hàng.

Nhận thấy việc sản xuất măng khô nhỏ lẻ theo phương thức hộ gia đình của người dân địa phương không đạt hiệu quả cao, số lượng ít và dễ bị các thương lái ép giá, UBND thị trấn Sơn Lư đã tập hợp các hộ có diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn thị trấn và liên kết với một số hộ dân trong huyện thành lập HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư nhằm sản xuất, chế biến nông lâm sản gắn với liên kết tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài măng khô, HTX còn sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm truyền thống như: rượu cần, thịt bò khô, gạo nếp Cay nọi...

Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan Sơn

Năm 2024, HTX có khoảng 20 thành viên và các thành viên liên kết với thu nhập bình quân đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/ tháng. Tham gia HTX, các thành viên phải tuân thủ các quy chế như: măng khai thác là những búp măng còn non, có độ mập; quá trình khai thác phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của khu rừng, không khai thác triệt để làm suy giảm nguồn nguyên liệu và ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ của rừng. Công đoạn chế biến cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhuần nhuyễn trong từng thao tác, bảo đảm kỹ thuật, thời gian ở từng khâu để mẻ măng ra lò có màu vàng đều, giòn thơm, đạt chất lượng. Được biết, vào chính vụ măng, các thành viên HTX thu hái trên diện tích khoảng 600ha rừng tại địa phương.

Hiện, sản phẩm măng khô Nang Non của HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư đã được đóng gói ép chân không, tránh được ẩm mốc, có nhãn mác, tem vạch, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng... đủ điều kiện để đưa vào các gian hàng nông sản sạch hay hệ thống siêu thị. Năm 2022, sản phẩm măng khô Nang Non đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đây, sản phẩm măng khô Nang Non được tỏa đi muôn nơi, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan Sơn

Sản phẩm đang được giới thiệu đến người tiêu dùng thông qua hội chợ kết nối cung cầu tại TP Thanh Hóa; Hội chợ Thương mại miền Tây... với giá bán lẻ từ 300 - 350 nghìn đồng/kg. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cho thấy măng khô Nang Non có mức tiêu thụ tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. “Hiện nay, HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư đã ký kết hợp đồng cung cấp măng khô Nang Non tới các đại lý thu mua trong và ngoài tỉnh, sản phẩm cũng được bán trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử như Facebook, Shopee, Tictok,...” - anh Lương Văn Bình, Giám đốc HTX cho biết.

Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan SơnMăng muối ớt.

Mỗi năm, HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thủy nông thị trấn Sơn Lư sản xuất khoảng 4,53 tấn măng khô, doanh thu trung bình đạt 1.123 triệu đồng. Định hướng đến năm 2025, HTX mở rộng quy mô lên 750ha đạt 6 tấn măng khô, đáp ứng đủ 80% nhu cầu thị trường trong huyện, 20 - 25% nhu cầu thị trường trong tỉnh và 2% nhu cầu thị trường ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn chia sẻ: “Những con số trên phần nào đã chứng minh, lợi ích từ chuỗi giá trị sản phẩm măng khô Nang Non chưa lớn nhưng đã tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều người. Việc xây dựng mô hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm măng khô Nang Non không chỉ mang lại giá trị gia tăng mà còn là giải pháp nâng cao trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong quản lý và phát triển rừng bền vững”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]