(vhds.baothanhhoa.vn) - Tục ngữ Việt Nam có câu Cháy nhà ra mặt chuột (dị bản Cháy nhà mới ra mặt chuột).

“Mặt chuột” HAY “Mạch chuột”?

Tục ngữ Việt Nam có câu Cháy nhà ra mặt chuột (dị bản Cháy nhà mới ra mặt chuột).

“Mặt chuột” HAY “Mạch chuột”?

Trong thực tế còn có một “dị bản” nữa là Cháy nhà ra mạch chuột. Một số cuốn từ điển không chỉ ghi nhận, mà còn xem “mạch chuột” là bản chính. Ví dụ Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào), mục “Cháy nhà ra mặt chuột” hướng dẫn xem “Cháy nhà ra mạch chuột”, và chú giải “mạch” là “đường hầm dẫn đến hang ổ”, rồi giảng: “Nhân biến cố đặc biệt mới phát hiện ra tung tích của kẻ phá hoại, bộc lộ rõ bộ mặt thật của kẻ xấu”.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, bản “mạch chuột” chỉ là “ngụy bản”, chứ không phải là một dị bản với đầy đủ cơ sở nghĩa đen và nghĩa bóng.

Chuột nhà có chuột nhắt và chuột lỗ. Về tập tính, chuột nhắt sinh sống theo bầy. Vì sức vóc bé nhỏ, nên chúng không đào hang, mà mượn nơi kẽ tủ, giá sách, mái tranh, mái kè,... để ẩn náu và làm tổ (thế nên có câu Chuột bầy/đàn đào không nên lỗ là vậy).

Loại to khỏe như chuột cống, vì không dễ ẩn nấp ở xó xỉnh, chúng phải đào hang làm sào huyệt, nên còn gọi là chuột lỗ. Khi đào hang, bao giờ chuột lỗ cũng trổ ra nhiều ngách với nhiều cửa thông nhau, phòng khi có biến. Bởi thế dân gian có câu Chuột già có ba cái hang để nói lên sự tinh quái của chúng.

Dân gian có câu “Lấm lét như chuột ngày”. Cả chuột nhắt lẫn chuột lỗ đều có chung một tập tính là hoạt động vào ban đêm, hoặc khi vắng vẻ. Chúng “xuất quỉ nhập thần”, “lai vô ảnh, khứ vô hình”.

Từ những phân tích trên đây, xét về nghĩa đen:

1.Cháy nhà ra mặt chuột: Chuột là thủ phạm giấu mặt. Thông thường, con người chỉ nhìn thấy những thiệt hại do chuột gây ra, chứ ít khi nhìn thấy bóng dáng của nó. Chuột ở tất cả mọi nơi trong nhà, nhưng lại giống như không có mặt trong nhà. Chỉ đến khi chẳng may căn nhà bốc cháy rừng rực, thì chuột nhắt hay chuột lỗ, chuột nhỏ hay chuột to, dù ẩn nấp, trốn kỹ trong hang hốc, gầm giường, xó tủ, mái tranh mái kè đến bao nhiêu cũng đều xuất đầu lộ diện, chạy túa ra hết. Đó chính là “Cháy nhà ra mặt chuột”.

2.Cháy nhà ra mạch chuột: Thực ra, gọi đường hầm, hang ổ chuột dưới lòng đất là “mạch chuột”, cũng chỉ là cách gọi gượng ép nhằm thay thế cho “mặt chuột” mà thôi. Mặt khác, với “mạch chuột” dù có xảy ra cháy nhà cũng rất khó để biết được tường tận cái đường đi hang ổ chuột ở dưới lòng đất nó như thế nào, bởi cái “mạch” này đâu có chân để mà “ra”? Thậm chí khi chưa cháy nhà, người ta còn nhìn thấy sờ sờ cửa hang chuột, nhưng một khi nhà đã cháy thì các hang hốc không những không phát lộ, không “ra mạch” được, mà còn bị phủ lên bởi một lớp tro than, khói bụi của hàng trăm cấu kiện, đồ đạc bị cháy của căn nhà.

Về nghĩa bóng, “ra mặt chuột” ở đây có nghĩa là những con chuột - thủ phạm âm thầm phá hại đã bị lộ diện - lộ mặt, không thể ẩn náu, che giấu được nữa. Trong khi “ra mạch chuột” cùng lắm cũng chỉ có nghĩa là lộ ra hang hốc, sào huyệt - nguyên nhân của sự gây hại chứ chưa phải là chân tướng, mặt mũi kẻ thủ phạm - điều mà dân gian muốn nói. Và “mạch chuột” ấy có thể chỉ là những cái hang bỏ hoang từ đời nảo đời nào!

Xét về mặt văn bản học, thì “Cháy nhà ra mặt chuột”, là một câu tục ngữ rất xưa, được nhiều thư tịch cổ ghi nhận. Theo khảo sát và thống kê của sách Kho tàng tục ngữ người Việt (Nguyễn Xuân Kính chủ biên), thì bản “Cháy nhà ra mặt chuột” được các sách sau đây thu thập: Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn (Huình Tịnh Paulus Của); Câu cửa miệng (Nhàn Vân Đình); Nam âm sự loại; Nam ngạn chích cẩm (Phạm Quang Sán); Ngạn ngữ phong dao (Nguyễn Can Mộng); Tục ngữ phong dao (Nguyễn Văn Ngọc) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (Vũ Ngọc Phan),... Trong khi câu “Cháy nhà ra mạch chuột” chỉ thấy xuất hiện sớm nhất trong cuốn Tục ngữ Việt Nam của nhóm Chu Xuân Diên (1975), sau đó là một vài cuốn như Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (nhóm Vũ Dung), Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) mới xuất bản gần đây.

Như vậy, về mặt nghĩa đen, “Cháy nhà ra mạch chuột” là một “đúc kết” hoàn toàn không có cơ sở thực tế. Bởi vậy, đây chỉ là một “ngụy bản” vốn sinh ra từ sự “siêu chỉnh” của một cá nhân nào đó, theo kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”, thành “Dâu ông nọ chăm tằm bà kia”, chứ không phải là sản phẩm của dân gian.

Hoàng Trinh Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]