Mỉm cười... sống đẹp
Mang nỗi đau cơ thể không trọn vẹn, song vượt lên số phận bất hạnh, nhiều người khuyết tật vẫn “mỉm cười” để sống một cuộc đời ý nghĩa, tạo nên những câu chuyện “sống đẹp” lan tỏa trong cộng đồng.
Dù bị khiếm thị, anh Lê Trọng Tuấn vẫn sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ.
Anh Lê Trọng Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù TP Sầm Sơn, nhớ lại: “Tôi vốn cũng có đôi mắt sáng như mọi người, lên 6 tuổi mắt bỗng mờ đi, dù được bố mẹ chạy chữa nhiều nơi nhưng thị lực không được cải thiện. Cứ như vậy, mỗi ngày trôi qua, trước mắt tôi chỉ còn bóng tối”. Sau nỗi đau bất ngờ, Lê Trọng Tuấn đối diện thực tại, bắt đầu từ việc học chữ nổi (Braille).
“Và bước ngoặt cuộc đời tôi là thời điểm hơn 15 năm về trước. Tôi tình cờ biết đến một trung tâm tin học dành cho người khiếm thị nên đăng ký học... Với người khiếm thị nói chung và với cá nhân tôi, công nghệ thông tin đã “mở” ra nhiều điều hữu ích”, anh Lê Trọng Tuấn chia sẻ.
Như để minh chứng lời nói của mình, anh Lê Trọng Tuấn nhanh chóng mở máy tính, truy cập mạng internet tra cứu thông tin, đọc báo... động tác nhanh nhẹn, thuần thục. Nhìn cách anh sử dụng các thiết bị công nghệ, ít ai nghĩ rằng anh bị khiếm thị.
Với những nỗ lực không ngừng, cô gái Phạm Thị Thắm đã trở thành nhà thiết kế thời trang, dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
Là Chủ tịch Hội Người mù TP Sầm Sơn, anh Lê Trọng Tuấn còn hỗ trợ nhiều hội viên học nghề, tạo thu nhập. Anh cho biết: Thành phố du lịch Sầm Sơn mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách về tắm mát, nghỉ dưỡng. Khách du lịch có nhu cầu tẩm quất cũng rất nhiều. Vì thế, cùng với việc động viên các hội viên học nghề tẩm quất, Hội Người mù TP Sầm Sơn còn đấu mối với các khách sạn, nhà nghỉ phục vụ tẩm quất khi khách có nhu cầu. Điều đáng mừng, những năm qua dịch vụ tẩm quất của Hội Người mù TP Sầm Sơn đã được nhiều người dân, du khách biết đến. Vào những tháng cao điểm có thể mang lại thu nhập lên đến 10 triệu đồng/người/tháng”.
Không chỉ vượt lên nghịch cảnh bản thân, làm kinh tế giỏi, anh Lê Trọng Tuấn còn khiến người xung quanh cảm phục bởi mối lương duyên với người vợ của mình. Anh kể: “Tôi và vợ mình quen nhau qua mạng internet, ban đầu chỉ trò chuyện cho vui. Rồi nói chuyện nhiều thấy hợp, tình cảm nảy sinh lúc nào không hay. Khi xác định tình cảm của mình, tôi quyết định vào TP Hồ Chí Minh gặp cô ấy... Cứ như vậy chúng tôi yêu nhau, rồi quyết định nên duyên vợ chồng. Hơn 10 năm bên nhau, tôi vẫn luôn cảm ơn cuộc đời vì đã cho mình có một gia đình hạnh phúc”.
Chia sẻ về những điều đã trải qua, anh Lê Trọng Tuấn tâm tình: “Mất đi ánh sáng thật đáng sợ nhưng đáng sợ hơn là con người ta chấp nhận sự “u tối” từ trong suy nghĩ. Không ai có thể giúp người khuyết tật tốt hơn chính họ. Khi người ta chấp nhận thực tại, không oán trách, không sợ hãi thì sẽ đủ sức để vượt lên nỗi đau của chính mình”.
Nhắc đến tấm gương người khuyết tật vượt lên số phận, nhiều người hẳn không còn xa lạ với tấm gương cô giáo không tay Lê Thị Thắm. Vậy nhưng, còn có một cô Thắm khác ở xứ Thanh - cô gái Phạm Thị Thắm ở phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) vượt lên nghịch cảnh bằng nỗ lực phi thường của bản thân.
Với những nỗ lực không ngừng, cô gái Phạm Thị Thắm đã trở thành nhà thiết kế thời trang, dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
Cũng như anh Lê Trọng Tuấn, Phạm Thị Thắm chào đời với cơ thể khỏe mạnh. Vậy nhưng bất hạnh ập đến khi Thắm lên 9 tuổi. Sau một cơn sốt bất ngờ, đôi chân của Thắm đã không thể cử động. Bác sĩ chẩn đoán Thắm bị “viêm tủy cắt ngang” khiến hai chân bị liệt hoàn toàn.
Ròng rã những năm tháng sau đó, Thắm được gia đình dốc sức chạy chữa nhưng đều vô vọng. Cô bé Thắm buộc phải chấp nhận số phận bất hạnh. Đôi chân dần teo, Thắm phải “làm bạn” với xe lăn, nạng gỗ.
Vậy nhưng, số phận bất hạnh dù có thể “cướp” đi đôi chân khỏe mạnh của Thắm song không thể làm mất ý chí, khát vọng sống của cô gái trẻ.
Cô Thắm yêu thích thời trang, ước mơ tạo nên những bộ trang phục thật đẹp. Vì đôi chân không thể cử động, Thắm lựa chọn trở thành nhà thiết kế. Bằng việc thiết kế các mẫu thời trang và cắt các “mẫu rập” để bán cho các xưởng may. Điều đáng nói, khách hàng của Thắm có ở khắp mọi miền đất nước. Thắm dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ...
“Em không còn nhớ nhiều về những tháng ngày bất hạnh đã qua. Cô Thắm của những khóc lóc vật vã, oán trách, giận hờn “ngày hôm qua” đã thay đổi rồi. Bây giờ, Thắm đã có công việc, có thu nhập ổn định, có những người bạn và cả những “chuyến đi”, em thậm chí còn không có thời gian để buồn, để dằn vặt, khổ sở nữa. Thực sự, rất khó để nói hết những khó khăn, vất vả mà bản thân đã phải vượt qua. Nhưng nếu không có những nỗ lực của bản thân, có lẽ không thể có một cô Thắm bây giờ. Hiện tại, em hài lòng với cuộc sống của mình” - Phạm Thị Thắm chia sẻ.
Nhìn nụ cười tỏa rạng trên gương mặt của Phạm Thị Thắm, tôi cảm nhận được khát vọng sống căng tràn của cô gái bị khuyết tật vận động. Và đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể quên chia sẻ về động lực vượt lên số phận bất hạnh của Thắm: “Điều khiến em không ngừng cố gắng mỗi ngày chỉ đơn giản là em không muốn trở thành gánh nặng cho những người yêu thương mình. Khuyết tật rất đau đớn. Nhưng nếu chấp nhận mình là người khuyết tật và rồi không làm gì để thay đổi số phận thì còn đáng sợ hơn. Cuộc sống khi đó, sẽ thực sự là những tháng ngày “sống mòn” buồn tẻ”.
Bà Trịnh Thị Tiếp, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 217.000 người khuyết tật, ở nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm của cộng đồng dành cho người khuyết tật thì bản thân mỗi người khuyết tật cũng đã, đang nỗ lực để vươn lên. Trong đó, nhiều người khuyết tật như Lê Trọng Tuấn, Phạm Thị Thắm, Lê Thị Thắm, Nguyễn Thị Thu Hiền... với nghị lực phi thường đã vượt lên chính mình, tạo nên những câu chuyện “sống đẹp” lan tỏa đến cộng đồng".
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2023-12-09 08:36:00
Thường Xuân tổ chức phiên giao dịch việc làm cho 400 người lao động
Đừng vì “yêu sớm” mà lỡ dở tương lai
Trả lại không gian thoáng đãng cho biển Hải Tiến
Cẩn trọng với “sữa cỏ”, “sữa nhái” kém chất lượng
Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống thiên tai cho người dân vùng biển
Đưa pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân
Mùa vàng ở bản Son
Ngày Tình nguyện viên Quốc tế - 38 năm ra đời và trưởng thành
Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế