(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong sắc màu văn hóa các dân tộc, mo là một niềm tự hào và là di sản thiêng liêng của người Mường. Bởi thế mà dẫu qua dâu bể thời gian, sức sống của mo Mường và câu chuyện về những con người dành trọn cuộc đời gắn bó với thanh âm từ thuở “đẻ đất, đẻ nước” vẫn lan tỏa và trường tồn.

Mo Mường - nghi lễ, tín ngưỡng của người Mường

Trong sắc màu văn hóa các dân tộc, mo là một niềm tự hào và là di sản thiêng liêng của người Mường. Bởi thế mà dẫu qua dâu bể thời gian, sức sống của mo Mường và câu chuyện về những con người dành trọn cuộc đời gắn bó với thanh âm từ thuở “đẻ đất, đẻ nước” vẫn lan tỏa và trường tồn.

Mo Mường - nghi lễ, tín ngưỡng của người MườngĐại diện các cơ quan bảo tồn di sản Trung ương và địa phương với các nghệ nhân Mo Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Những giá trị đặc sắc

Người Mường có câu tục ngữ: “Rừng yên ma, nhà lành người”. Một trong những cách để yên, để lành thì con người phải làm vía, làm mo. Nhà nghiên cứu Bùi Hồng Nhi cho biết: Mo là bài ca nghi lễ linh thiêng để đưa tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng. Mo là phương tiện để cho người sống và người chết giao tế với nhau và hiểu nhau hơn. Nghe mo những người đang sống cần phải soi mình vào đấy để sống tốt hơn, cố gắng làm điều thiện cho mình: vì mình, vì tổ tiên, vì con cháu, vì làng xóm và cộng đồng.

Mo Mường gồm mo sử thi Đẻ đất - đẻ nước (hay còn gọi là mo kể chuyện) và mo lên trời (mo dẫn đường). Vì thế, đây không phải là một bài ca bình thường mà là một tác phẩm văn học, sử học, triết học, xã hội học, phong tục học... mang đầy tính bác học. Như bộ “bách khoa thư dân gian” về dân tộc Mường, những gì có ở người Mường đều được phản ánh trong Mo Mường.

Khẳng định giá trị của Mo Mường, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân trong cuốn sách “Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong” đã tìm thấy có hơn 60 lễ thức trong một đám tang, mỗi lễ thức đề cập đến một khía cạnh có liên quan tới sự sống và sự chết. “Bao trùm lên tang lễ là tinh thần yêu thương con người của con người, động lực đưa ba thế giới cõi người, cõi trần, cõi ma kết lại với nhau, làm nên sức mạnh nội lực vượt qua mọi trở lực để thực hiện tang lễ một cách trọn vẹn”.

Mo Mường chính là linh hồn và tín ngưỡng của người Mường. Theo chia sẻ của ông Phạm Đình Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Lặc: "Người Mường không biết Mo Mường có chính xác từ khi nào. Theo cách hiểu của thế giới quan, nguồn gốc của Mo Mường là sử thi đẻ đất, trời, nước, lửa. Hiểu theo nhân sinh quan thì Mo Mường xuất hiện từ khi con người sinh ra. Mọi hoạt động sống, làm ăn, sinh hoạt, học hành, ứng xử đều được chuyển qua thầy mo để dặn lại cho các thế hệ con cháu. Mo Mường mang tính truyền miệng, được người đời trước truyền lại cho con cháu đời sau mà không theo một văn bản, văn tự nào".

Thầy mo và những trăn trở

Thanh Hóa hiện có khoảng 400.000 đồng bào Mường cư trú chủ yếu ở 11 huyện miền núi, riêng huyện Ngọc Lặc có 140.000 người. Theo thống kê cả tỉnh còn có hơn 180 thầy mo (mo có nổ).

Theo quan niệm của dân tộc Mường, ông mo là người am hiểu nhất về phong tục, tập quán, luật lệ của người Mường. Trong vòng đời của mỗi con người, luôn có ông mo đồng hành. Từ khi sinh ra cất tiếng khóc chào đời, ông mo cầu cho trẻ hay ăn, chóng lớn. Khi đau yếu, lạc vía, mo làm vía mụ sao cho trẻ được khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông minh. Tuổi trưởng thành, mo làm vía giải hạn, trừ tà ma, mo làm lễ ở đám cưới, cúng gia tiên hai họ đến đón dâu. Đến tuổi già sức cạn, mo làm lễ kéo si mong có thêm sức khỏe, minh mẫn, sống lâu để con cháu được nhờ. Và khi nhắm mắt xuôi tay về với Mường trời, ông mo chính là cầu nối giữa người sống và người chết, là người đưa hồn ma về với tổ tiên an lành, mát mẻ.

Với vai trò là người diễn xướng duy nhất trong đám ma, các ông mo không chỉ nhớ hàng vạn câu thơ trải qua đời nọ sang đời kia mà còn phải thể hiện đầy đủ từ lời mo, giọng điệu mo và cử chỉ hành động kết hợp với âm nhạc, múa, khóc... để nghi lễ tang ma vừa đậm tính nhân văn vừa mang màu sắc của sự huyền bí, linh thiêng. Mời được ông mo giỏi (mo có nổ) là mong muốn của bất cứ gia chủ nào khi nhà có sự kiện, đặc biệt là nhà có tang.

Hôm nay, thầy mo Lê Thanh Hà (sinh năm 1950, ở thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc) sau khi đón tiếp ông Nguyễn Năm Chính Diện (người xã Cẩm Châu, Cẩm Thủy) đến xin thuốc là ông lên đường đến nhà ông Lê Văn Thiều người cùng xã, ở thôn Minh Thọ để làm mo giỗ đầu.

Trang phục chỉnh tề, ông đeo túi khót vào và lên đường. Năm nay 73 tuổi, nhưng giọng mo Hà vẫn ấm và vang, ánh mắt rạng rỡ. Ông là thế hệ thứ 9 trong gia đình nhiều đời làm thầy mo. Mo Hà chia sẻ: “Sau khi đi bộ đội 13 năm 4 tháng tôi phục viên. Tiếp nối nghề của gia đình là làm thuốc cứu người, rồi đến năm 2000 tôi lần đầu tiên đi mo”.

Sau 23 năm, ông Hà đã đi mo được cho hơn 530 đám. Ông có riêng một cuốn vở ô ly để viết tên và địa chỉ từng đám mình đã đi mo. Ngoài đi mo, ông còn làm vía đặt tên, vía ốm đau, vía đi đường, mừng thọ... cho người dân trong và ngoài làng.

Mỹ Tân là xã có số lượng thầy mo lớn nhất với 7/43 mo có nổ trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. Tuy nhiên, trong số 7 người thì chỉ có 4 thầy mo thường xuyên hành nghề. Ông Bùi Văn Lanh (hay còn gọi là mo Nghiêm), sinh năm 1960, hiện đang sống tại thôn Chả Thượng, xã Mỹ Tân kể lại cho chúng tôi về những ngày theo bố đi mo. Ông là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề này.

Theo học nghề từ nhỏ, đến khi đã thông thạo, tận tường các bài mo mà tổ tiên truyền tụng qua nhiều đời bằng văn tự cổ, mo Nghiêm được làm lễ cấp sắc, chính thức trở thành thầy mo kế tục cha ông. Kể từ đó đến nay, ông đã làm gần 200 mo đám tang.

Mo Mường - nghi lễ, tín ngưỡng của người MườngÔng Lê Thanh Hà (xã Minh Sơn, Ngọc Lặc) đeo túi khót lên đường đi mo. Ảnh trong trang: C.A

So với các tỉnh, thành có đồng bào Mường sinh sống, ở địa bàn Thanh Hóa, đặc biệt là Ngọc Lặc, mo vẫn đang là một phần không thể thiếu, và hầu hết các thầy mo đều đang có học trò theo học. Thầy Nguyễn Đình Đương (thôn Yên Thắng, xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc) hiện đang có gần 100 người là học viên. Tuy nhiên, dạy mo không phải mở lớp dạy theo kiểu dân ca, chèo, quan họ... mà phải dạy theo từng ngữ cảnh, tình huống cụ thể để người học thấm nhuần từng triết lý của các bậc tiền bối.

Còn rất nhiều trăn trở, mo Nghiêm (xã Mỹ Tân) cho biết: “Mo ai, rằng hé” nghĩa là ông mo nào thì theo bài mo của người ấy. Tùy vào khả năng về tay nghề, sự hiểu biết, nhận thức về phong tục, tập quán và kiến thức xã hội cũng như học vấn mà mỗi ông mo lại có cách trình bày (thêm, bớt, lý giải). Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, sự thay đổi về lối sống, sinh hoạt của đồng bào Mường cũng là nguyên nhân để việc thực hành, gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường dần bị thu hẹp và có nguy cơ mai một”. Và để lưu giữ lại bài mo cho các thế hệ sau, mo Nghiêm hằng ngày chép lại lời mo trong một cuốn sổ.

Muốn hiểu Mo Mường thì cần phải hiểu tiếng Mường. Có một sự thật đáng buồn là không ít người do đi học, công tác xa nhà từ nhỏ nên không nói được tiếng Mường, hoặc ngại nói tiếng Mường vì sợ bạn bè trêu chọc là người dân tộc. “Nếu giới trẻ không sớm nhận thức được điều này thì rất dễ dẫn đến việc mất gốc, không hiểu hết về giá trị văn hóa Mo Mường. Vì thế, rất cần một kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị mo Mường kịp thời”, ông Phạm Đình Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Lặc khẳng định.

Theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND, ngày 18-8-2021 quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, hiện nay, hầu hết các xã, thôn trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đều tổ chức đám ma và mo chỉ gói gọn trong 24 giờ đồng hồ.

Mo là một phần đời sống tâm hồn của người Mường. Dẫu cuộc sống hiện đại với nhiều sự hội nhập và đổi thay, mo có thể rút gọn về mặt thời gian nhưng thanh âm của tiếng mo là điều không thể thiếu trong vòng đời mỗi con người. “Nếu được công nhận nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực thực hành diễn xướng thì các thầy mo sẽ phải có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp của mình và ý thức về việc bảo tồn phát huy giá trị di sản”, ông Lê Thanh Hà (mo Hà) chia sẻ.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong “Nghệ thuật diễn xướng mo của dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa” của tác giả Bùi Hồng Nhi.

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]