Mỗi người dân là một “đại sứ du lịch”
Những năm gần đây, Thanh Hóa đã trở thành điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn trong mắt bạn bè, du khách quốc tế, lượng khách đến và tổng thu du lịch cũng tăng “đột biến”. Có được kết quả này, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, khai thác có hiệu quả các yếu tố tài nguyên, bản sắc văn hóa, thì không thể không nhắc đến vai trò của người dân - những “đại sứ du lịch” thân thiện, hiếu khách.
Du khách đến tham quan, trải nghiệm tại bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa).
Tìm đến bản Bút - điểm du lịch cộng đồng của người Thái ở xã Nam Xuân (Quan Hóa), cũng là lúc trời đã quá trưa, lại thêm cơn mưa nặng hạt đổ xuống nên chúng tôi khá loay hoay để tìm được đường vào một số homestay trong bản. May sao, gặp được một số người dân trong bản vừa đi làm nương về. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về homestay trong bản, bà Vi Thị Vân đã chỉ dẫn tường tận từ đường đi cũng như các hoạt động du lịch tại bản Bút.
Bà Vân cho biết: Không chỉ tôi, mà nhiều người dân trong bản đều có thể trở thành “hướng dẫn viên du lịch” để hướng dẫn cho du khách khi đến bản Bút tham quan, trải nghiệm. Bởi, thời gian qua, người dân trong bản được tham gia các lớp tập huấn về văn hóa ứng xử du lịch, nghiệp vụ nấu ăn để phục vụ du khách. Chúng tôi rất vui mừng khi được giới thiệu nét văn hóa của đồng bào, những cảnh đẹp của địa phương để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Trưởng bản Bút Hà Công Chức cũng khẳng định: Sở dĩ bản Bút thu hút được đông du khách đến tham quan, trải nghiệm trong thời gian qua vì không chỉ có phong cảnh nguyên sơ, trữ tình, mà còn nhờ vào bà con dân bản chung tay với chính quyền địa phương xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, mến khách. Đến nay, các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở đây còn được gìn giữ tương đối nguyên vẹn, như các làn điệu dân ca, dân vũ, nhà sàn, các món ẩm thực mang đậm hương vị núi rừng...
Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút, xã Nam Xuân, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Để bà con làm du lịch chuyên nghiệp hơn, huyện đã tổ chức cho những hộ làm du lịch đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh phía Bắc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, luôn có thái độ cởi mở, tôn trọng giúp đỡ khách du lịch... Cũng nhờ việc thực hiện văn hóa, văn minh trong du lịch mà bản Bút ngày càng thu hút được đông du khách đến tham quan, khám phá.
Những năm gần đây, TP Sầm Sơn là địa điểm du lịch được đông đảo du khách tin tưởng, lựa chọn cho những kỳ nghỉ dưỡng vào dịp hè, cảm nhận của nhiều du khách thì Sầm Sơn không chỉ là điểm đến, mà còn lắng đọng nhiều dấu ấn đặc biệt. Bà Minh Phương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đến với Sầm Sơn, được trực tiếp trải nghiệm các dịch vụ, tôi khá ấn tượng với sự thân thiện, nhiệt tình của người dân - những “đại sứ du lịch” ở đây. Giá cả các dịch vụ lưu trú, ăn uống được niêm yết công khai, không có tình trạng “chặt chém”, đội ngũ phục vụ du lịch cũng rất lịch sự, chu đáo nên tôi rất hài lòng.
Trong những năm qua, cùng với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất du lịch hiện đại, TP Sầm Sơn còn chú trọng công tác quản lý Nhà nước về du lịch, nhất là việc thực hiện văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch tạo nên hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền để các cấp, ngành, người dân, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch nắm bắt và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở lưu trú phải tuân thủ các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch, như phải có biển hiệu rõ ràng, nghiêm cấm việc ép buộc khách ăn, nghỉ, chuyển khách, bán khách, lấy lại phòng trước thời gian thỏa thuận... Đối với người dân cũng phải ứng xử văn minh, nói lời hay với du khách; các hoạt động buôn bán phải niêm yết, công khai giá cả, dịch vụ và bán đúng quy định. Cũng nhờ đó, các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã đi vào nền nếp, và Sầm Sơn trở thành “địa điểm” du lịch hấp dẫn, thu hút lượng khách lớn cả trong nước và quốc tế.
Để tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thanh Hóa trở thành điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông qua việc mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu rằng mỗi cá nhân là một “đại sứ du lịch”, tự tin, am hiểu về lịch sử, văn hóa, nắm rõ các điểm đến du lịch để quảng bá, giới thiệu cho du khách. Cùng với đó, là nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo môi trường du lịch, phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh...
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-12-03 08:17:00
Festival Hoa Đà Lạt 2024 khơi nguồn cảm xúc từ không gian nghệ thuật khác biệt
-
2024-11-30 13:32:00
Trải nghiệm cảm giác mạnh ở Xứ Thanh
-
2024-08-09 14:14:00
Đất cổ Kẻ Lao
[WOW! THANH HOÁ] Bí ẩn ngôi đền thờ pho tượng bán thân trên dãy núi Trường Lệ
Mù Cang Chải lọt tốp 25 điểm đến mang vẻ đẹp siêu thực đáng kinh ngạc
Có một Pù Luông bình yên ở Lang Chánh
Lâm Phú, điểm du lịch tiềm năng
Điểm dã ngoại, check-in “hot” ở Hậu Lộc
Về thăm Kẻ Ngói
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 51% trong 7 tháng năm 2024
Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở thác Cánh
Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 7 tháng năm 2024