(vhds.baothanhhoa.vn) - Phát triển các mô hình giảm nghèo là giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Nhận thức được vấn đề này, nhiều huyện miền núi đã thực hiện có hiệu quả các mô hình giảm nghèo và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm nghèo bền vững: Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả

Phát triển các mô hình giảm nghèo là giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Nhận thức được vấn đề này, nhiều huyện miền núi đã thực hiện có hiệu quả các mô hình giảm nghèo và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn lồng ghép phát triển sản xuất của các Chương trình 30a và 135 của Chính phủ, huyện Lang Chánh đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế góp phần quan trọng công tác xóa nghèo bền vững. Trong số đó,nổi lên là mô hình trồng cây vầu tại 3 xã: Yên Khương, Yên Thắng, Lâm Phú. Hiện nay, huyện đã trồng lại được khoảng 90 ha rừng vầu. Mô hình trồng vầu mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân, giá khai thác là 170.000 đồng/tạ. Bình quân một gia đình 2 người có thể khai thác 2 - 3 tạ/ngày, thu nhập 600.000 - 700.000 đồng.

Là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, tuy vậy, Yên Khương đã xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo, trong đó có mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu với quy mô ban đầu 21 ha và có 25 hộ dân tham gia, đến nay địa phương đã trồng được 215,4 ha.

Ông Hà Văn Quỳnh - thôn Chí Lý, xã Yên Khương cho biết: Năm 2015, gia đình quyết định chuyển đổi từ cây keo sang trồng vầu với diện tích 4 ha. Nhờ trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây vầu phát triển tốt. Hiện gia đình tôi đang chặt tỉa cây và đem bán cho các công ty lâm sản, ngoài ra, gia đình còn kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/năm.

Theo ông Lò Văn Quyền - Chủ tịch UBND xã Yên Khương: Mô hình trồng cây vầu của xã đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo đến nay của địa phương giảm xuống 16,3%.

Trao đổi với chúng tôi bà Lê Hải Hưng - Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Lang Chánh cho biết: Những năm qua, cùng với các chương trình, chính sách hỗ trợ của cấp trên, huyện cũng đã tập trung nguồn lực của địa phương để tổ chức thực hiện các mô hình trình diễn, mô hình giảm nghèo như: Chăn nuôi, trồng rừng, phát triển sản phẩm có lợi thế, đặc biệt là mô hình trồng cây vầu... Những mô hình này đã được triển khai nhân rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, các chương trình giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh cũng tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, dịch vụ phát triển sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm rõ rệt, đến nay chỉ còn 9,69%. Cái được lớn nhất trong việc triển khai các mô hình giảm nghèo đó là nhận thức của con người được nâng lên, họ đã biết vượt lên khó khăn để giảm nghèo cho chính gia đình mình.

Tại huyện Cẩm Thủy, công tác giảm nghèo được xây dựng bằng nhiều mô hình như: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia trại, trồng khoai mán... Trong số đó, mô hình chăn nuôi dê ở xã Cẩm Yên đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của huyện.

Để mô hình triển khai có hiệu quả, xã Cẩm Yên đã lựa chọn các hộ tham gia phải tự nguyện và có đơn đề nghị được chăn nuôi dê theo dự án. Qua quá trình rà soát, 30 hộ nghèo thuộc 6 thôn trên địa bàn xã tham gia dự án, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93,33%. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 7 triệu đồng (5 triệu đồng mua con giống, 2 triệu xây chuồng trại). Đến nay, đàn dê trong xã đạt tới gần 900 con, tăng 300 con so với cùng kỳ năm 2011, trong khi đó chưa tính đến số lượng dê bán hàng năm. 30 hộ tham gia dự án, đã có 17 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo không tái nghèo.

Trao đổi với chúng tôi ông Lê Xuân Sáu - Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy khẳng định: Mô hình chăn nuôi dê sinh sản góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của xã. Và cái được lớn nhất trong quá trình triển khai mô hình đó là giúp các hộ nghèo thay đổi nhận thức trong cách làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

Thực tế cho thấy chăn nuôi, trồng trọt, vườn ao chuồng, vườn ao chuồng rừng... là những hướng xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, thiết nghĩ các huyện miền núi cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp về nhận thức, thể chế, chính sách, công tác tổ chức thực hiện và nguồn lực; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, giúp đồng bào các dân tộc miền Tây Thanh Hóa vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hải Anh


Hải Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]