(vhds.baothanhhoa.vn) - Với các chính sách, chế độ và các dự án ưu tiên, được triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp sát thực đã giúp hộ nghèo ở các xã khó khăn, đặc biệt các xã bãi ngang ven biển từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn

Với các chính sách, chế độ và các dự án ưu tiên, được triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp sát thực đã giúp hộ nghèo ở các xã khó khăn, đặc biệt các xã bãi ngang ven biển từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...

Tại các xã bãi ngang ven biển của huyện Nga Sơn, nhiều dự án phát triển sản xuất cũng đã được thực hiện, theo đó nhiều hộ nghèo đã có điều kiện để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Chỉ tính trong năm 2018, 3 xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy đã được hỗ trợ 300 triệu đồng/xã từ Dự án phát triển sản xuất và hỗ trợ trực tiếp cho 1.561 khẩu nghèo tại 3 xã này với số tiền gần 125 triệu đồng.

Qua công tác tuyên truyền, người dân hiểu biết hơn và nắm rõ các chủ trương chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước về chính sách giảm nghèo đồng thời cũng giúp người dân biết được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong công tác tham gia giám sát các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn, tự tổ chức tăng gia sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình để thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện Nga Sơn còn 1.348 hộ nghèo chiếm 3,37% (giảm 1,46%).

Dù đã có những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo nhưng đối với 1 số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của Nga Sơn vẫn còn gặp những khó khăn như xã Nga Thủy là ví dụ. Từ năm 2015 trở về trước, xã Nga Thủy có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất của huyện Nga Sơn. Thời điểm của năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 21,50% nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo ở xã này chỉ còn 4,94%. Nhiều chính sách giảm nghèo đã đến được với người dân và thực sự làm thay đổi cuộc sống của họ. Nhưng theo như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nga Thủy thì xã đã phải từ chối 1 số chương trình hỗ trợ dành cho các hộ nghèo. Chuyện thật như đùa bởi càng có nhiều chương trình, dự án đồng nghĩa với việc các hộ nghèo sẽ được tiếp cận và có điều kiện để thoát nghèo. Tuy nhiên, việc từ chối cũng có những căn nguyên khi việc hỗ trợ con giống mà chủ yếu ở đây là con bò thì chỉ có khoảng 50% số hộ duy trì tốt con giống được hỗ trợ, còn lại hoặc bò ốm, chết hoặc bị bán đi. Năm 2019 này, xã đang có dự kiến hỗ trợ con giống cho 13 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo và có khả năng những con số được hỗ trợ này còn tăng lên vì trong năm nay Nga Thủy có 2 chương trình hỗ trợ cho người nghèo nhưng xã chỉ xin nhận một chương trình. Ông chủ tịch cho hay: Quan điểm của xã rất rõ ràng, không dùng thì trả lại cho nhà nước, không thể cho sai đối tượng. Khi hiệu quả không cao thì cũng không nên nhận.

Câu chuyện giảm nghèo ở Hoằng Châu (Hoằng Hóa) lại cũng bắt đầu từ những dự án, chương trình hỗ trợ người nghèo. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) là 16,7%. Vào cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo ở xã này giảm xuống chỉ còn 3,89%, đã góp phần nâng thu nhập bình quân toàn xã lên 41,7 triệu đồng/người/năm. Có thể khẳng định, trong 3 năm từ 2017 đến 2019, Hoằng Châu đã có những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo và có những hiệu quả rõ rệt.

Với Hoằng Châu, từ các chính sách giảm nghèo, xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, mô hình trồng mộc nhĩ, nấm linh chi, măng tây... Hiện xã đang có gần 500 ha nuôi trồng thủy sản chủ yếu là tôm sú và cua. Ông Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu cho biết: Vài năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao nhưng trong 3 năm trở lại đây, người nghèo được tiếp cận với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước để có điều kiện phát triển kinh tế. Riêng đối với địa phương thì trích quỹ ngân sách để hỗ trợ tiền giống cho các hộ nghèo... Tuy nhiên, trong công tác giảm nghèo quan trọng vẫn là chủ động của người dân. Xã đã rà soát hộ nghèo rất cẩn thận để tránh để xảy ra tình trạng nghèo ảo, không nghèo nhưng tìm mọi cách để nghèo.

Việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã trở thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đặc biệt, với các xã bãi ngang ven biển đều có các chính sách, chế độ và các dự án ưu tiên đã cải thiện đáng kể điều kiện đi lại, học hành, khám chữa bệnh của nhân dân. Trong năm 2018, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các xã bãi ngang của Hoằng Hóa đã được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 6 tỷ đồng và hơn 3 nghìn hộ nghèo ở các xã này đã được hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg với kinh phí gần 250 triệu đồng.

Tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững là vấn đề luôn được các địa phương quan tâm đặc biệt là ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Câu chuyện giảm nghèo ở các xã này rõ ràng là có hiệu quả nhưng vẫn còn những hạn chế như việc triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn chậm, hiệu quả chưa cao, vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chịu khó làm ăn, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo... Chính vì vậy cần tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đối với việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững; trực tiếp giúp đỡ từng hộ nghèo khắc phục các nguyên nhân nghèo và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho từng hộ...

Thụy Du


Thụy Du

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]