(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù dự báo việc thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII có nhiều thuận lợi và triển vọng hoàn thành, song 3 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế gồm: GRDP bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đô thị hóa hiện là “bài toán” nan giải trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (Bài 2): Khó ở nhóm chỉ tiêu kinh tế

Mặc dù dự báo việc thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII có nhiều thuận lợi và triển vọng hoàn thành, song 3 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế gồm: GRDP bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đô thị hóa hiện là “bài toán” nan giải trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Cách xa so với kế hoạch

Năm 2018, các chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người, huy động vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đô thị hóa lần lượt ước đạt 2.035 USD, 327.849 tỷ đồng và 23,5%. Trong khi đó, kế hoạch nghị quyết đề ra đối với các chỉ tiêu trên tương ứng là 3.600 USD, 610.000 tỷ đồng và 35% đối với cả nhiệm kỳ. Điều đó cho thấy, để đạt được mức như đại hội đã nghị quyết cần có sự nỗ lực, phấn đấu rất cao.

Những năm qua, GRDP của tỉnh tăng trưởng đột phá so với các giai đoạn trước. 3 năm (2016 - 2018), GRDP ước đạt 11%, gấp 1,6 lần bình quân chung cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại chỉ tiêu này tuy còn thấp hơn kế hoạch (12%) nhưng là chỉ tiêu được xếp vào nhóm dự báo hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, dù tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra nhưng GRDP bình quân đầu người vẫn thuộc nhóm khó hoàn thành, nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế cho rằng chủ yếu là do chỉ số lạm phát, tỷ giá đồng USD/VNĐ, tỷ lệ tăng dân số tác động.

Còn đối với tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội, giai đoạn 2016 - 2018 chỉ tiêu này của tỉnh ước đạt 327.849 tỷ đồng, gấp 1,31 lần giai đoạn 2013 - 2015. Song kết quả này mới chỉ tương đương 53,7% mục tiêu nghị quyết. Trong khi đó, việc huy động vốn bước vào giai đoạn sau được đánh giá sẽ còn khó khăn hơn giai đoạn trước.

Cũng theo ý kiến một số đại biểu đưa ra trong Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 13, chỉ tiêu đô thị hóa 35% đề ra vào đầu nhiệm kỳ là có tính khả thi. Toàn tỉnh hiện có 31 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I (TP Thanh Hóa), 2 đô thị loại III, 28 đô thị loại V. Kết cấu hạ tầng các khu đô thị lớn từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Văn bản số 262/UBTVQH14-PL ngày 17/4/2018 thì khó có thể hoàn thành, do ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí mới theo quy định thì việc mở rộng địa giới các thị trấn, huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng là rất khó khăn. Bên cạnh đó, khâu yếu kém mà các đại biểu chỉ ra chính là việc phối hợp giữa cấp huyện và các ngành chức năng cấp tỉnh trong hoàn thiện, giải quyết hồ sơ còn thiếu chặt chẽ, thủ tục, quy trình còn rườm rà, thời gian giải quyết kéo dài.

KKT Nghi Sơn đang là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.

Cần quyết tâm cao trong thực hiện

Phân tích bối cảnh thực hiện nghị quyết trong giai đoạn còn lại, để hoàn thành thắng lợi những chỉ tiêu đã đề ra đặc biệt là 3 chỉ tiêu khó kể trên, nhiều phương án tăng trưởng được BCH Đảng bộ tỉnh xây dựng, nghiên cứu và đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất cao. Để GRDP bình quân đầu người đạt 3.600 USD vào năm 2020, GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 cần đạt mức 16,7%, đồng thời lạm phát giai đoạn 2019 - 2020 mỗi năm tăng khoảng 5%, tốc độ tăng tỷ giá đồng USD 1% và tốc độ tăng dân số bình quân 0,5%.

Tương tự, đối với chỉ tiêu về huy động vốn đầu tư toàn xã hội, trong 2 năm 2019 - 2020 phải huy động được 282.151 tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ 610.000 tỷ đồng.

Theo ông Lê Xuân Liêm - Bí thư Thành ủy Sầm Sơn: Để huy động vốn cho đầu tư phát triển, vấn đề mặt bằng là quan trọng, ngoài ra còn các yếu tố về cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đầy đủ các chính sách nhưng điều cần bây giờ đó là vấn đề con người, phải tạo sự chuyển biến trong ý thức, trách nhiệm, hiệu quả làm việc của cán bộ, người lao động trong các cơ quan, đơn vị.

Về tỷ lệ đô thị hóa, theo ý kiến của ông Đào Vũ Việt - Giám đốc sở Xây dựng đưa ra tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 vừa qua, phương án 35% như nghị quyết đại hội vẫn có thể hoàn thành. Khi đó, cần điều chỉnh địa giới hành chính thị trấn Lam Sơn - Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng đã được Bộ Xây dựng công nhận; dân số đô thị tăng thêm khoảng 60.000 người. Đồng thời, điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính 23 thị trấn huyện lỵ chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích gắn với đẩy mạnh phát triển đô thị. Việc thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính 23 thị trấn tăng thêm dân số đô thị khoảng 160.850 người.

Theo ông Việt, để đạt được mục tiêu trên, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, chính quyền từ tỉnh tới huyện.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 13 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cho rằng: Chỉ tiêu đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh thì chỉ đại hội mới được sửa chỉ tiêu. Vì vậy các ngành, đơn vị tiếp tục huy động sức mạnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết. Đặc biệt lưu ý đến các chỉ tiêu còn nhiều khó khăn trong thực hiện, tạo nền cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những nhiệm kỳ sau. (P.V)

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]