(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp. Song hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế cả về số lượng và quy mô, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (Bài 1): Vì sao vẫn khó?

Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp. Song hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế cả về số lượng và quy mô, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Thời hạn thuê đất ngắn, trong khi nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng quay vòng vốn chậm, lại gặp khó khăn thị trường... là những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp phải.

Vẫn những vướng mắc đã cũ

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện chỉ có 755 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chiếm 6,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Năm 2016, huyện Lang Chánh đã thu hút được 4 doanh nghiệp đầu tư vào phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp theo chuỗi. Dự kiến đầu năm 2018, các dự án sẽ đi vào hoạt động, với tổng quy mô mỗi lứa 100 nghìn con lợn thương phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do bất lợi về thời tiết, tiến độ triển khai các dự án mới đạt khoảng 50%. Và ngoài các dự án này, đến nay huyện Lang Chánh cũng chưa thu hút thêm được doanh nghiệp nào đầu tư vào nông nghiệp.

Huyện Thọ Xuân hiện có 92 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 18,5% số doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất với quy mô lớn, như: Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Happy Frarm đầu tư liên kết chăn nuôi gà lông màu thương phẩm, với quy mô 30.000 con/lứa tại các xã: Xuân Thành, Xuân Thắng, Xuân Tân, Xuân Vinh; Công ty CP Nông sản Phú Gia đầu tư chăn nuôi trang trại gà tập trung, quy trình khép kín tại xã Xuân Phú, quy mô chăn nuôi khoảng 44.000 con/năm; Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước đầu tư sản xuất giống cây gai xanh tại xã Thọ Diên... Huyện Thọ Xuân đang tích cực thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung vào các giải pháp: Tích tụ đất đai, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn gặp những khó khăn.

Cuối năm 2017, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Alaka đầu tư trên 8 tỷ đồng cho 2,2 ha nhà lưới tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân. Ưu thế của sản xuất trong nhà lưới là ít phụ thuộc vào thời tiết, dễ luân canh tăng vụ với nhiều cây trồng có giá trị, nên thu nhập có thể gấp 7-10 lần so với sản xuất đại trà. Tuy nhiên, để mở rộng mô hình, doanh nghiệp này vẫn còn băn khoăn vì theo tính toán, thời gian khấu hao hệ thống nhà lưới này là 14 năm, trong khi đó, hợp đồng thuê đất với xã chỉ 5 năm.

Anh Phạm Văn Trọng - Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Alaka, cho biết: “Vốn đầu tư bỏ ra lớn, trong khi thuê đất ngắn hạn thời gian lấy khấu hao rất khó cho doanh nghiệp, công ty rất mong muốn được thuê đất dài hạn hơn”.

Mong muốn của doanh nghiệp là thế, tuy nhiên theo quy định với cấp xã, thời gian cho dân thuê đất chỉ 5 năm nên rất khó với địa phương đáp ứng mong muốn cho doanh nghiệp thuê dài hạn.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại huyện Thọ Xuân.

Nhiều “điểm nghẽn” làm hạn chế đầu tư

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đều hướng đến sự đầu tư sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, chú trọng đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nhiều doanh nghiệp đang có hướng đầu tư các nhà sơ chế cho sản phẩm nhằm bảo đảm chất lượng sau thu hoạch. Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian thành lập không lâu, nên nguồn vốn hạn chế, vì vậy quy mô đầu tư vẫn còn nhỏ, lẻ, việc tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu là thị trường nội tỉnh.

Thực tế cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa hấp dẫn các doanh nghiệp do không thu được lợi nhuận nhanh, quay vòng vốn chậm, việc đầu tư luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, giá cả, thị trường. Thêm vào đó, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn yếu kém, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, làm hạn chế sức cạnh tranh và thu hút đầu tư; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn trong việc đầu tư vào nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa cũng đang khuyến khích các địa phương phát triển, nâng cao các hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh việc thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới, các nhóm hộ để liên kết, bắt tay với doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm theo yêu cầu của thị trường.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]