(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhằm thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, khâu tích tụ ruộng đất được xác định là bước đi có tính quyết định. Tuy nhiên, cho đến nay công tác này vẫn gặp phải nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tích tụ ruộng đất: Còn nhiều khó khăn

(VH&ĐS) Nhằm thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, khâu tích tụ ruộng đất được xác định là bước đi có tính quyết định. Tuy nhiên, cho đến nay công tác này vẫn gặp phải nhiều khó khăn.

Tích tụ ruộng đất - điều kiện cần của nền sản xuất nông nghiệp lớn

Thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí lao động và hình thành sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tăng hiệu quả kinh tế... là những lợi ích to lớn có khả năng thu được sau khi quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra thuận lợi. Ngày 3/9/1998 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Chỉ thị số 13 về thực hiện cuộc vận động đổi điền, dồn thửa. Tính đến nay đã 17 năm, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã bắt tay vào thực hiện và thu về kết quả nhất định.

Theo thống kê, có 393 xã, thị trấn tập trung ở khu vực đồng bằng thực hiện công tác tích tụ ruộng đất; diện tích bình quân một thửa tăng từ 330m2 lên 1.000m2; từ trên 10 thửa/hộ giảm xuống còn 3 thửa/hộ, có nơi chỉ còn 1 thửa/hộ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 14/27 đơn vị cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp với tổng diện tích đạt 6.578 ha; trong đó chủ yếu là hình thức thuê quyền sử dụng đất, còn lại là chuyển nhượng quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Thông qua công tác này, tình trạng ruộng đất manh mún dần được khắc phục, hiệu quả canh tác cũng có sự tăng trưởng dễ nhận thấy. Đây cũng là điều kiện cần để có được một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại.

Công tác tích tụ ruộng đất còn gặp nhiều khó khăn ở các địa phương.

Kết quả còn hạn chế

Tuy nhiên với hơn 6.000 ha đất được tích tụ như trên mới chỉ chiếm khoảng 3% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Ghi nhận ý kiến từ cơ sở cho thấy, công tác tích tụ ruộng đất tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản mà hầu hết các huyện đều gặp phải đó là khó khăn từ khâu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trao đổi với Trưởng phòng Nông nghiệp một số huyện như Yên Định, Triệu Sơn, Lang Chánh... được biết, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay tại các địa phương còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dường như cũng chưa đủ hấp dẫn đối với một lĩnh vực nhiều rủi ro và quay vòng vốn chậm như nông nghiệp. Chính vì vậy, theo thống kê, số doanh nghiệp tham gia vào công tác tích tụ ruộng đất mới chỉ dừng ở con số 29 doanh nghiệp; ngoài ra có thêm 11 HTX, 1.529 hộ gia đình và cá nhân. Sau tích tụ ruộng đất, khi có doanh nghiệp tham gia, lĩnh vực trồng trọt đạt mức bình quân 27 ha/doanh nghiệp; chăn nuôi đạt bình quân 12 ha/doanh nghiệp; thủy sản bình quân 31 ha/doanh nghiệp. Đối với giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân, mức bình quân đạt thấp hơn nhiều, ví dụ trong trồng trọt chỉ đạt 2,3 ha/hộ, chăn nuôi 1,3 ha/hộ, thủy sản 3 ha/hộ... Trên thực tế, việc giao đất nông nghiệp cho các hộ được thực hiện trên cơ sở diện tích đất mà các hộ được giao khoán trước đây nên về cơ bản vẫn nhỏ hẹp và manh mún.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Các chuyên gia kinh tế cho rằng quá trình tích tụ ruộng đất hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Khó khăn đó không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa mà hầu hết các địa phương đều vướng phải. Trước tiên, nói đến các thủ tục liên quan đến đất đai vẫn còn khá phức tạp vì thế không đủ sức hút đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau đổi điền dồn thửa vẫn chưa thực hiện xong, gây khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, cho thuê...

Sau tích tụ, việc đầu tư vào nông nghiệp cũng ít được quan tâm do đây là lĩnh vực rủi ro cao, quay vòng vốn chậm, bài toán đầu ra chưa được giải quyết hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật cần thiết cho sản xuất quy mô lớn chưa đáp ứng đủ. Nguồn nhân lực lao động trong nông nghiệp thiếu và yếu, khó có thể vận hành một nền nông nghiệp lớn và hiện đại.

Theo ông Mai Nhữ Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Ðể tháo gỡ những khó khăn trong tích tụ ruộng đất trong bối cảnh hiện nay cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch. Đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí, KH-KT cho các vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức của người dân nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn...

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]