Mong ước của nghệ nhân một đời hát tuồng
“Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy“, tôi vẫn “say” với nghệ thuật tuồng. Giá trị nghệ thuật của cha ông tự bao đời nay, trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo tồn, đồng thời góp phần quan trọng trong xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương”, đó là chia sẻ của Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Thị Đới, thôn Bèo, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc).
NNƯT Trần Thị Đới - vai Nữ chúa trong vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”. (Ảnh nhân vật cung cấp)
"Nghe tiếng trống Tuồng là lòng lại rộn ràng..."
Cách đây 10 năm, vào năm 2015, bà được phong tặng danh hiệu NNƯT. Nhớ lại cái thuở “bén duyên” với nghệ thuật tuồng, NNƯT Trần Thị Đới bồi hồi, nhớ lại: "16 tuổi, tôi gầy thó và nhỏ xíu vừa làm thư kí đội sản xuất của thôn vừa tham gia hát tuồng. Ngày ấy vất vả nhưng vui lắm. Sau khi thống nhất đất nước, đời sống kinh tế có nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, để động viên tinh thần, tôi và những người yêu tuồng trong thôn đã tập hợp nhau lại, cùng hát, biểu diễn".
Điều đặc biệt của NNƯT Trần Thị Đới là bà vừa có thể diễn kép nữ lẫn kép nam vừa làm đạo diễn. Nhắc đến bà, đến nay, nhiều người vẫn nhớ những vai diễn trong các trích đoạn: Trần Quốc Toản ra quân, Trần Bình Trọng, Trưng Nữ Vương, Lời thề trinh nữ, Chiếc bóng oan khiên...
Nhớ thời vang bóng của Câu lạc bộ (CLB) Tuồng thôn Bèo xã Vĩnh Long, NNƯT Trần Thị Đới phấn chấn: "20 năm trước, chỉ cần đi đến đầu làng đã nghe tiếng hát tuồng. 21 diễn viên nghiệp dư chúng tôi ngày ấy đã luyện tập liên tục trong 30 ngày để ra mắt vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân” đồng thời cũng là “trình làng” CLB Tuồng thôn Bèo. Khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2015, là giai đoạn mà phong trào ca hát ở các thôn, làng trong tỉnh khá phát triển, trong đó nổi bật hơn cả là thôn Bèo, xã Vĩnh Long".
Và trong bất kỳ trích đoạn nào, vở diễn nào của CLB cũng có dấu ấn của NNƯT Trần Thị Đới. Nói không ngoa, bà là nhân tố đặc biệt để làm nên thành công của trích đoạn. Năm 2005, CLB Tuồng thôn Bèo xã Vĩnh Long đã đoạt Huy chương vàng “Liên hoan Đàn hát dân ca toàn tỉnh” cho trích đoạn “Trần Bình Trọng”. Năm 2009, trích đoạn “Ngọn lửa Hồng Sơn” đoạt giải Nhất “Liên hoan nghệ thuật các làng văn hóa cấp tỉnh”; Giải Nhì “Liên hoan các CLB nghệ thuật tại Thanh Hóa” với trích đoạn “Trưng Nữ Vương”; Năm 2015, vở “Ngọn lửa Hồng Sơn” đoạt Huy chương Bạc tại “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” tại TP Đà Nẵng...
Nói về những vui buồn của nghiệp hát, NNƯT Trần Thị Đới, cho biết: “Ban đầu thành lập, CLB phải đối diện với nhiều khó khăn, đó là thiếu kinh phí hoạt động, thiếu nhạc cụ, trang phục biểu diễn và cả kỹ năng, biên đạo... Nhưng với sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, và đặc biệt là tình yêu của khán giả đối với nghệ thuật tuồng, các thành viên có thêm niềm tin, quyết tâm duy trì hoạt động CLB... Về cuộc sống của tôi, thực tế cũng rất vất vả, bận bịu khi gia đình có 5 đứa con. Tôi khi đấy vừa lo việc nhà vừa tham gia công tác tại hội LHPN và hội người cao tuổi xã, nhưng chỉ cần nghe tiếng trống tuồng là lòng lại rộn ràng, sẵn sàng gác lại tất cả mọi việc, hóa thân vào các vai diễn. Nhờ có tiếng hát, có ánh đèn sân khấu mà cuộc sống của tôi bớt áp lực hơn”.
Niềm đam mê, nhiệt huyết của NNƯT Trần Thị Đới đã truyền sang các thành viên khác trong CLB. Nhằm thu hút khán giả, nhất là lớp trẻ đến với sân khấu tuồng, bà Đới và các thành viên trong CLB Tuồng thôn Bèo vẫn tối tối tề tựu đông đủ ở đình làng, cùng hóa thân vào từng vai diễn. Nhờ đó, từ người già đến trẻ nhỏ trong thôn ai cũng thuộc một vài đoạn tuồng. Trong số đó, có một vài người trẻ tuổi cũng nhen nhóm niềm đam mê với môn nghệ thuật tuồng truyền thống.
"Mong mỏi lớn nhất, CLB sẽ vẫn được duy trì hoạt động"
Thời điểm CLB Tuồng thôn Bèo mạnh nhất là có tới 30 người nhưng đến nay, sau 20 năm thành lập, chỉ còn 18 thành viên, người lớn tuổi nhất là bà Lê Thị Tròn năm nay 80 tuổi, và người trẻ nhất cũng đã ngoài 50 tuổi. Ở tuổi 70, NNƯT Trần Thị Đới còn rất nhanh nhẹn, rất nhiệt huyết nhưng như bà tâm sự: “Tôi già rồi, nhiều lúc cũng muốn rút khỏi CLB nhưng tôi sợ, nếu mình nghỉ thì có thể sẽ kéo theo nhiều người khác, CLB lại khó duy trì...".
NNƯT Trần Thị Đới (bên trái) và bà Lê Thị Tròn, Chủ nhiệm CLB Tuồng thôn Bèo, xã Vĩnh Long. Ảnh: Kiều Huyền
Trò chuyện với NNƯT Trần Thị Đới, giúp tôi hiểu rằng, lý do để “níu chân” các nghệ sĩ nông dân lại với nghệ thuật tuồng chỉ bởi họ quá đam mê. Lâu lâu có lời mời đi biểu diễn là họ gác việc cá nhân... Trong màn đêm tĩnh lặng, giữa không gian sân khấu đơn sơ tại nhà văn hóa thôn, các nghệ sĩ không chuyên của CLB Tuồng thôn Bèo vẫn say mê, nhiệt tình, cống hiến hết mình. “Áo mão cân đai, lược giắt trâm cài”... họ quên đi sự mệt nhọc, vất vả lo toan của đời thường để hóa thân trong những vai tuồng, với tất cả sự đam mê nghệ thuật truyền thống của cha ông trao truyền qua bao thế hệ. “Tự hào lắm chứ, chúng tôi sinh ra trong một ngôi làng có lịch sử hơn 600 năm. Xuyên suốt quá trình lập làng và phát triển, tiếng hát tuồng là nguồn cổ vũ, động viên mọi người tham gia chiến đấu, sản xuất...”, NNƯT Trần Thị Đới rưng rưng nói.
Tuy nhiên, ngược với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội thì CLB Tuồng thôn Bèo lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển giao thế hệ. Những người trẻ bận bịu mưu sinh, họ không thể bỏ công việc để luyện tập mà không có bất cứ nguồn kinh phí nào. Chẳng phải nhìn đâu xa khi cuộc sống của NNƯT Trần Thị Đới cũng khá vất vả. Hiện “thu nhập” của 2 vợ chồng bà chủ yếu dựa vào số tiền trợ cấp thương binh của ông và tiền trợ cấp NNƯT của bà với tổng là 1.850.000 đồng. Nhưng như chia sẻ của NNƯT Trần Thị Đới, thì: “Dù có thế nào, tôi vẫn “say” với nghệ thuật tuồng. Giá trị nghệ thuật của cha ông tự bao đời nay, trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo tồn, đồng thời góp phần quan trọng xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương”.
Tôi thực sự vui khi NNƯT Trần Thị Đới chia sẻ thông tin bà đã làm hồ sơ đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”. “Danh hiệu nào cũng quý, nhưng quý nhất là CLB sẽ vẫn được duy trì hoạt động". NNƯT Trần Thị Đới nói. "Mong mỏi lớn nhất của tôi là CLB Tuồng thôn Bèo sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành chức năng để các thành viên có nơi giao lưu, biểu diễn và đặc biệt là phục vụ khách tham quan khi đến với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ”.
Một đời hát tuồng và đến nay bà cũng chỉ có một mong ước giữ gìn được môn nghệ thuật truyền thống này. “Từ mong ước đến thực hiện được, khó lắm thay”. Trăn trở ấy đã đi theo NNƯT Trần Thị Đới hàng chục năm nay.
KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2025-01-20 10:50:00
Người đưa ánh sáng về bản Mông
-
2025-01-13 09:27:00
Người Mông tiên phong thoát nghèo ở Pa Búa
-
2025-01-12 14:35:00
Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Thanh Hải và chuyện giữ gìn nghệ thuật truyền thống xứ Thanh
Sĩ phu Lê Trọng Nhị: Nhà canh tân trên đất Cổ Định xưa
Phạm Văn Giản - người chiến sĩ cách mạng trung kiên
Bùi Hữu Hiếu: Vị tướng xứ Thanh dưới thời Tây Sơn
Lê Lộng - võ tướng mưu trí
Ninh Quốc công Trịnh Toàn
Trưởng thôn “thắp lửa” phong trào nông thôn mới
Nguyễn Công Duẩn, khai quốc công thần nhà Lê
Nữ bí thư chi bộ nhiệt huyết, trách nhiệm
Đỗ Đại - khai quốc công thần triều Lê