(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã từ lâu, người hâm mộ mỹ thuật Thanh Hóa mới được chiêm ngưỡng một triển lãm mỹ thuật có chất lượng chuyên môn cao trong một không gian trưng bày hoành tráng đến vậy. Triển lãm “Non nước xứ Thanh” quy tụ 183 tác phẩm của 110 tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Một cuộc triển lãm quy tụ nhiều họa sĩ xứ Thanh

Đã từ lâu, người hâm mộ mỹ thuật Thanh Hóa mới được chiêm ngưỡng một triển lãm mỹ thuật có chất lượng chuyên môn cao trong một không gian trưng bày hoành tráng đến vậy. Triển lãm “Non nước xứ Thanh” quy tụ 183 tác phẩm của 110 tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Một cuộc triển lãm quy tụ nhiều họa sĩ xứ ThanhHọa sĩ Bùi Thị Ngoan bên bức tranh đạt giải B “Tình Yêu - Cái chết - Sự sống”.

Theo đánh giá của họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh, Trưởng ban Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh: Với quy mô triển lãm cấp tỉnh thì đây là cuộc hội tụ cả về chất lượng và số lượng. Lần đầu tiên một cuộc triển lãm quy tụ được 65 họa sĩ trong tỉnh và 45 họa sĩ đến từ 14 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, dù là chủ đề mang tính địa phương nhưng “Non nước xứ Thanh” đã tạo được cảm hứng cho các nghệ sĩ...

Ngay sau lễ khai mạc tối 22/12, vào sáng 23/12, cả đoàn họa sĩ Thái Bình đã cùng nhau đến làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) để vẽ trực họa. Họa sĩ Hoàng Trung Dũng cho biết: Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi trực họa ở một địa điểm của xứ Thanh. Trước đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều chuyến đi, có thể là nhóm nhỏ, cũng có thể là một nhóm khá đông đến các địa danh như Thành Nhà Hồ, Hà Trung, Bỉm Sơn, Bá Thước... Xứ Thanh chính là miền đất địa linh nhân kiệt, là sự khơi nguồn cảm hứng của chúng tôi. Ngoài ra, một số họa sĩ khác dẫu không có điều kiện đi thực tế nhưng bằng nhiều kênh khác nhau, có thể thông qua thơ ca, hò vè, họ đã có những cảm nhận khác nhau về xứ Thanh.

Không chỉ có các họa sĩ ngoại tỉnh, đây là lần đầu tiên có một triển lãm quy tụ được các thế hệ họa sĩ trong tỉnh. Đó là sự góp mặt của các họa sĩ gạo cội như Xuân Quảng, Đỗ Chung, Nguyễn Thanh Sơn... là các họa sĩ đang khẳng định được tên tuổi của mình như Nguyễn Hoàng Linh, Phạm Thắng, Lê Hải Anh, Hoàng Ngọc Dũng, Bùi Thị Ngoan... và những gương mặt 9X, rất trẻ nhiều tiềm năng. Đó là Nguyễn Dung, sinh năm 1991, một nữ họa sĩ đam mê tìm tòi để có những ý tưởng mới lạ. Là Nguyễn Văn Chuyên, tốt nghiệp đồ họa của Đại học Mỹ thuật công nghiệp và Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh có ít nhất 4 lần được giới thiệu tham dự giải thưởng văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong đó có 2 lần đạt giải tác giả trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam thông qua triển lãm mỹ thuật khu vực. Là cô sinh viên Sư phạm mỹ thuật năm thứ 3, Đại học Văn hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Phạm Hồng Vân, rất đam mê vẽ và đang chuẩn bị cho triển lãm mỹ thuật khu vực sắp tới.

Một cuộc triển lãm quy tụ nhiều họa sĩ xứ ThanhNhiều người háo hức khi đến với triển lãm “Non nước xứ Thanh”.

Đây cũng là triển lãm đa dạng về thể loại và chất liệu. Nếu tranh đề tài phong cảnh có vẻ phù hợp với chất liệu acrylic trên toan khi giúp họa sĩ vẽ nhanh, ghi lại kịp thời cảm xúc; thì tranh sơn dầu có chiều sâu của màu, yêu cầu phải công phu về thời gian và kỹ thuật. Riêng chất liệu lụa dường như là sự lựa chọn của khá nhiều nữ họa sĩ trẻ. Phải chăng nó phù hợp với phái yếu bởi sự mơ màng sâu lắng, đằm thắm... Điêu khắc và sắp đặt tuy không có nhiều tác phẩm nhưng với sự đầu tư, tìm tòi đổi mới của các họa sĩ đã làm sinh động thêm cho không gian trưng bày. Đặc biệt, trong xu thế mới của hội họa đương đại, tranh đồ họa được khá nhiều họa sĩ lựa chọn. Vẻ đẹp dung dị của loại hình đồ họa mang tính dân gian đậm nét góp thêm một sự xao động trong không gian triển lãm.

Họa sĩ Bùi Thị Ngoan vốn là nữ tác giả có nhiều ý tưởng. “Tình yêu - Cái chết - Sự sống” được xây dựng với nhiều kỹ thuật đồ họa (in lưới, in đá và độc bản), kết hợp các vật liệu tự nhiên như cánh cửa gỗ cũ đã bỏ đi, vải lụa hoa văn nổi... tất cả đóng kín trong khung hộp để khẳng định vòng tuần hoàn của đời người. Chính cái quy luật ấy đã đem lại nguồn cảm xúc, sáng tạo bất tận với các nghệ sĩ nói chung và họa sĩ Bùi Thị Ngoan nói riêng. Đó là Tình yêu của một người mẹ dành cho con qua hình ảnh những bông hoa hồng được che chở, nuôi dưỡng từ trong trứng nước. Là Sự sống đem lại cảm nhận về sự giao thoa giữa trời đất, cỏ cây hoa lá được nuôi dưỡng từ tình yêu bất tận tạo thành... Và Cái chết thật đẹp, thật ý nghĩa và nhân văn... Tác giả tinh tế khi tạo hình một bộ xương cá lại biết bơi trong sự ấm áp của ánh sáng, tình yêu... Có lẽ vì thế mà “Tình Yêu - Cái chết - Sự sống” đã để lại cho người xem một ấn tượng đẹp cả về hình thức và ý nghĩa cuộc sống!

Hay như tác phẩm đạt giải A, “Ngọn sao khuê” dù cách thể hiện không mới nhưng lần đầu tiên những người yêu mỹ thuật Thanh Hóa được trải nghiệm một thể loại tổng hợp sắp đặt khác lạ. Tác phẩm là sự pha trộn của các loại chất liệu nhưng cơ bản vẫn là kỹ thuật đồ họa quen thuộc – mộc bản và khắc cao su. Ngay tại triển lãm đã có người băn khoăn về hình ảnh Khổng Tử và Nguyễn Trãi trong tác phẩm nhưng tôi nghĩ rằng trong hành trình dài của lịch sử luôn có sự ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa, các trường phái tư tưởng. Ấn tượng chính là hình ảnh, dải lụa được nối dài lên cao như muốn biểu hiện rằng cái quá khứ xa xôi của một thời đại lịch sử có thể vẫn đang hiện hữu, cũng có thể tan biến trong hư vô, khiến người xem phải đặt câu hỏi và suy tư về những điều ẩn giấu trong tác phẩm mà tác giả muốn nói.

Có những đề tài tưởng cũ như chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, đề tài lịch sử, song qua cái nhìn của các họa sĩ trẻ đã được thể hiện với cảm xúc ào ạt, tươi mới. Bên cạnh đó, khá nhiều bức tranh dẫu có trùng nhau về phong cảnh và con người một vùng đất nhưng lại được thể hiện với những phong cách, bút pháp và màu sắc khác nhau. Vì thế vẫn tạo được cảm xúc riêng với người xem.

Một cuộc triển lãm quy tụ nhiều họa sĩ xứ ThanhTác phẩm Ngọn sao khuê (chất liệu mộc bản và khắc cao su) của họa sĩ Nguyễn Dung (CLB họa sĩ trẻ Lam Sơn, Thanh Hóa).

Nói về những điều đáng tiếc trong triển lãm “Non nước xứ Thanh”, họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: Bên cạnh nhiều tác phẩm chất lượng cao vẫn còn không ít tác phẩm khá dễ dãi, mang tính chất “trả bài”. Nhưng đáng tiếc hơn cả là một vài địa phương có tiềm lực về sáng tác đã không tham gia được. Thừa Thiên Huế là ví dụ. Nếu có tranh của các họa sĩ Thừa Thiên Huế, chắc chắn chất lượng của triển lãm sẽ cao hơn nữa.

Sẽ là không phải khi áp đặt cái nhìn của cá nhân nào đó trong việc thưởng thức nghệ thuật. Nhưng quả thật, nếu có những đầu tư, trăn trở, có thông điệp và ý tứ sâu sắc hơn nữa; làm mới hơn, mạnh mẽ hơn, yêu thương hơn thì chắc chắn đây là triển lãm rất ấn tượng.

Song với mục đích mang lại cho công chúng yêu mỹ thuật cả nước hướng về xứ Thanh, mến yêu và trân trọng con người Thanh Hóa hơn, hiểu về vùng đất này hơn, kết nối tình yêu, niềm hạnh phúc của bạn bè mọi miền, tôi nghĩ triển lãm đã thật sự thành công.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]