Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy
Trong bài “Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy” (Bài 2) trên chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra bốn từ ghép bị xem là từ láy là: bại hoại, bạn bè, bay bướm, bảo ban. Trong chuyên mục này, chúng tôi tiếp tục phân tích một số từ ghép mà nhóm biên soạn Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên - NXB Khoa học Xã hội - 2011) đã thu thập và giải nghĩa. (Phần sau gạch đầu dòng để trong ngoặc kép là nguyên văn của từ điển; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi).
1- “BỘP CHỘP tt. (Tính người) chưa cân nhắc kĩ, đã vội nói, vội làm. Ăn nói bộp chộp. Tính tình bộp chộp”.
Thực ra bộp chộp là từ ghép đẳng lập (xét trên cái nhìn đồng đại):
- Bộp nghĩa là thẳng, ngay, trực diện. Ví dụ “nói bộp vào mặt”, nghĩa là nói thẳng, nói ngay, nói trực diện vào mặt, không kiêng tránh.
- Chộp chỉ động tác vồ, nắm bắt nhanh, ngay tức thì, không do dự. Chúng tôi đã từng lưu ý rằng, nhiều từ sau khi hợp nghĩa để tạo nên từ ghép đẳng lập sẽ không còn mang nghĩa riêng biệt như khi độc lập trong hành chức nữa. Bởi thế, bộp chộp mang nghĩa khái quát: lời nói (bộp) hoặc hành động (chộp) hấp tấp, không suy nghĩ cân nhắc, không thận trọng.
Như vậy, bộp chộp là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
Vì chộp đồng nghĩa với vồ, nên vồ vập được Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng là: “Niềm-nở, đon-đả, vồn-vã, săn-đón, vui-vẻ: Vồ-vập người sang. • Chụp-giựt, làm tươm-tướp: Thấy lợi lớn thì vồ-vập”.
Đến đây chúng ta cần dành cho “vồ vập” vài dòng, vì đây cũng là từ được Từ điển từ láy tiếng Việt (sách đã dẫn) thu thập và giải nghĩa.
Thực ra, vồ vập cũng là từ ghép đẳng lập: vồ nghĩa là chộp, ôm, giành lấy một cách rất nhanh; còn vập ngoài nghĩa là đụng phải, va vào (ở thế bị động, ví dụ: bị ngã vập mặt xuống đất; vập đầu vào cây cột), còn có nghĩa là đập, đánh ụp xuống thật mạnh (ở thế chủ động, như: Vập mạnh cái rá vo gạo xuống cho sạch những hạt bám vào kẽ nan). Cả hai động tác vồ và vập đều nhanh, mạnh. Bởi thế khi hợp nghĩa, vồ vập có nghĩa là vội vàng đón nhận, tỏ ra niềm nở, ân cần một cách quá mức.
2 -“BÙ XÙ tt. (Lông tóc) dài, rậm và rối bù lên do không được chải chuốt. Tóc tai bù xù. Cái đầu bù xù như tổ quạ”.
Bù xù cũng là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại]: bù nghĩa là lông tóc xù lên, dựng lên, nhiều đến mức rối mù, như Đầu bù tóc rối; Công việc bù đầu; “Mái tóc rậm bù lên, tưởng như từng sợi tóc cũng đang suy nghĩ với ông” (Ma Văn Kháng); xù nghĩa là bù lên, dựng lên, như tóc xù; lông xù; Tóc xù lên như lông nhím; “Nó lấy lược chải lại cái đầu rẽ giữa cho tóc đỡ xù và đường ngôi thật thẳng” (Nguyễn Đình Lạp).
Như vậy, sự độc lập trong hành chức của bù và xù cho thấy bù xù là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
3 -“BỦN RỦN tt. ở trạng thái cơ thể như bị rã rời ra, không còn sức để cử động nữa do quá mệt mỏi hoặc hoặc quá sợ hãi. Sợ quá chân tay bủn rủn. Leo hết con dốc dài bủn rủn cả người”.
Bủn rủn là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: bủn có nghĩa là mủn, ở tình trạng bở nát, dễ dàng vụn ra, do mưa nắng lâu ngày dẫn đến mục mại (như Một lớp lá dày đã bủn ra dưới tán rừng ẩm ướt.); rủn cũng có nghĩa là mềm, rục, rã rời ra (như Bị cảm lạnh, người rủn hết cả tay chân). Bởi bủn và rủn có nghĩa đẳng lập như vậy, nên khi hợp lại, bủn rủn mới có nghĩa là “ở trạng thái cơ thể như bị rã rời ra...”:
4 -“BUNG BÉT tt. Bung ra đến mức làm đảo lộn, lung tung lên. Làm công việc bung bét cả lên. “Chúng ta phải làm bung bét lên một trận” (TĐHai)”.
Bung bét là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: bung nghĩa là tung ra, bắn ra, bật bung ra ngoài (như Ngô rang nổ bung ra tứ phía; Lò xo bung lên); bét là tình trạng hư hỏng, nhão nát, loe nhoe hết cả (như nát bét), chính là tình trạng mà Từ điển từ láy tiếng Việt mô tả là “làm đảo lộn, lung tung”:
Như vậy, những phân tích, chứng minh trên đây đã cho thấy, cả 4 từ thuộc vần B mà Từ điển từ láy tiếng Việt thu thập và giải nghĩa: bộp chộp, bù xù, bủn rủn, bung bét, đều là từ ghép đẳng lập chứ không phải từ láy.
Hoàng Tuấn Công (CTV)
- 2024-11-19 16:00:00
UNESCO nâng mức bảo vệ cấp cao nhất cho 34 di sản văn hóa ở Liban
- 2024-11-19 15:17:00
Người thầy vĩ đại truyền cảm hứng sống tốt đẹp
- 2024-11-18 14:10:00
Báo Trung Quốc ca ngợi nét đẹp văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật múa rối nước
120 tác phẩm mới tham gia Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
Á hậu Bùi Khánh Linh chính thức lên đường tham dự Miss Intercontinental 2024
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
31 thủ tục hành chính lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử
Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các Dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam 2024
Khi âm nhạc xóa nhòa khoảng cách, kết nối trái tim và tình yêu thương
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc Việt Nam
Từ “ẩm thấp” đến “ẩm ương”