(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở phía Tây - Bắc huyện Hà Trung, giáp Ninh Bình, xã Hà Long (Hà Trung) vẫn được biết đến là đất quý hương - nơi phát tích vương triều Nguyễn. Nơi đây còn có không gian cảnh quan diễm tình, cùng với đó là những di tích tâm linh gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Một vùng danh thắng đền Nước, hồ Bến Quân

Nằm ở phía Tây - Bắc huyện Hà Trung, giáp Ninh Bình, xã Hà Long (Hà Trung) vẫn được biết đến là đất quý hương - nơi phát tích vương triều Nguyễn. Nơi đây còn có không gian cảnh quan diễm tình, cùng với đó là những di tích tâm linh gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Một vùng danh thắng đền Nước, hồ Bến QuânDựa lưng vào núi Rồng, đền Rồng - đền Nước tọa lạc trong không gian cảnh quan hữu tình.

Linh thiêng đền Rồng - đền Nước

Ở phía bên kia Dốc Xây, nơi nhiều người vẫn tưởng đã là địa phận tỉnh Ninh Bình, lại có một quần thể di tích lịch sử đền Rồng - đền Nước thuộc làng Nghĩa Đụng, xã Hà Long. Nghĩa Động (Đụng) cũng là ngôi làng cổ có đa phần người Mường sinh sống.

Đền Rồng - đền Nước tọa lạc nơi “cửa ngõ” phía Bắc của xứ Thanh, cách trung tâm xã Hà Long khoảng 15 km. Nơi đây có núi non trùng điệp, suối khe cẩm tú, có lẽ bởi vậy mà người xưa khi nhắc đến di tích đã không tiếc lời ngợi ca đây là danh thắng cõi trời Nam. Nói về lịch sử khởi dựng đền Rồng - đền Nước, ông Bùi Văn Kình, phó trưởng tiểu ban quản lý di tích, cho biết: Theo sử liệu và các cụ cao niên trong làng kể lại, lịch sử khởi dựng đền Rồng - đền Nước gắn liền với quá trình người Mường từ Hòa Bình vào đất Tống Sơn lập ra làng Nghĩa Động. Khoảng đầu thế kỷ 15, làng Nghĩa Động ngày nay vẫn là một vùng hoang vu rậm rạp, rừng thiêng nước độc. Người Mường khi đến đây đã cùng nhau khai hoang lập làng, săn bắn, làm nương để mưu sinh… Dọc theo suối Khe Năn, người Mường lại lên tận cửa hang để “dẫn” nước về làng. Tổ tiên xưa tin rằng, để việc vào rừng săn thú được bình an, lên khe suối xin được nước ngọt mát lành, mùa màng tốt tươi là do có sự phù trợ của thần Rừng, thần Nước. Bởi vậy, người Mường ở Nghĩa Động vô cùng tôn kính thần Rừng, thần Nước, họ tin rằng sự thành tâm của con người sẽ được các vị thần thấu tỏ. Thuở ban đầu, người xưa cắm các que (hương) vào kẽ đá để bày tỏ lòng kính ngưỡng đến thần Rừng (Chúa Thượng Ngàn) và thần Nước (Mẫu Thoải).

Đến thời Lê Trung hưng, cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Tứ phủ) của người Việt, thì đền Rồng - đền Nước chính thức được các triều đại phong kiến ban sắc phong xây dựng. Ngày nay, ngoài thờ Chúa Thượng Ngàn và Mẫu Thoải thì di tích đền Rồng - đền Nước còn thờ Đệ nhất thánh Mẫu Liễu Hạnh và phối thờ các vị thần thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Lý giải cho tên gọi đền Rồng, ông Bùi Văn Kình cũng cho rằng: Có thể, do ngôi đền dựa lưng vào núi Rồng (đối diện với núi Rồng là núi Phượng) nên người xưa đã lấy tên núi đặt cho tên đền.

Cách đền Rồng khoảng 500m, theo con đường men suối Khe Năn với cảnh quan hai bên bờ suối vô cùng diễm lệ, du khách sẽ “bắt gặp” đền Nước - nơi thờ Mẫu Thoải. Tại đây, còn có hang nước dưới chân núi Rồng, chảy quanh năm không cạn. Nước suối trong xanh nhìn sâu tận đáy, xung quanh núi non điệp trùng, cây cối xanh tươi mát mẻ, chim chóc hoan ca, cảm giác như ta đang lạc vào chốn tiên cảnh. Từ trong hang nước, từng đàn cá bơi ra tung tăng. Người dân địa phương tin rằng, đây là loài cá thần trời ban, vì thế vẫn thường gọi là hang cá thần.

Hàng năm, vào ngày 24-2 (âm lịch), lễ hội truyền thống tại di tích đền Rồng - đền Nước thu hút đông đảo người dân, du khách xa gần về đây dâng hương, vãn cảnh. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống như đánh cồng chiêng, hát chầu văn và đặc biệt là rước kiệu từ đền Rồng đến đền Nước để “xin” nước về đền Rồng thờ quanh năm. Người dân địa phương tin rằng, việc “xin” nước về thờ tại đền Rồng sẽ mang lại may mắn, bình an cho dân làng. Bên cạnh lễ hội lớn diễn ra vào tháng 2, người dân Nghĩa Đụng bao đời nay cũng không quên lễ kỷ niệm ngày người xưa khơi nguồn dẫn nước từ hang suối Khe Năn về trung tâm làng (tháng 4 âm lịch).

Làm công tác quản lý tại di tích đền Rồng - đền Nước, cũng là người con của làng Nghĩa Đụng, ông Bùi Văn Kình tự hào: “Di tích và lễ hội tại đền Rồng - đền Nước là di sản văn hóa mà cha ông xưa trong hành trình khai hoang lập làng, dựng xây cuộc sống đã để lại cho hậu thế hôm nay, đó là những di sản quý giá mang đậm nét đẹp văn hóa Mường cổ xưa, góp phần làm “dầy” và phong phú hơn cho “bức tranh” văn hóa của dân tộc Việt. Đền Rồng - đền Nước đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.

Hồ Bến Quân - nơi dừng chân của vua Quang Trung

Nằm giữa một vùng cảnh quan núi non bao quanh, “trước mặt” là ruộng đồng thơm ngát, nếu như ví thiên nhiên đất quý hương Gia Miêu như một bức tranh thì hồ Bến Quân chính là nét “chấm” ấn tượng điểm tô cho bức tranh sơn thủy thêm hữu tình.

Một vùng danh thắng đền Nước, hồ Bến QuânDi tích hồ Bến Quân với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, năm xưa là nơi dừng chân của vua Quang Trung và quân sĩ trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh.

Với địa hình tự nhiên cao dốc, không bao giờ bị ngập úng, song đồng đất xã Hà Long khi xưa thường xuyên xảy ra hạn hán, bởi vậy mỗi năm chỉ cấy được một vụ mùa. Dù dùng nhiều biện pháp khắc phục hạn, đào mương khơi nước… song vẫn không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Đầu năm 1970, với quyết tâm chặn dòng nước phục vụ sản xuất, công trình xây dựng đập Bến Quân (hồ Bến Quân) trên thượng nguồn sông Long Khê đã được triển khai xây dựng và đến năm 1972 thì hoàn thành.

“Sông Long Khê còn gọi là Khe Rồng, nhánh 1 bắt nguồn từ Khe Cái, chảy qua Trũng Nhỏ, Bến Màu; nhánh 2 bắt nguồn từ giếng nước Mọc, chảy qua Đá Lát. Hai nhánh chảy xuống hợp lại thành hồ Bến Quân” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Long).

Từ hồ nước tự nhiên, trữ lượng nước không lớn, với bàn tay, khối óc, sức lực và khát vọng của bao người, công trình đập nước hồ Bến Quân sau khi xây dựng thành công đã giúp nước “dâng” lên, nâng trữ lượng nước chứa lên 2 triệu m3, đảm bảo tưới tiêu cho dân sinh và sản xuất của cả vùng đất quý hương rộng lớn.

Không chỉ là hồ chứa nước với cảnh quan tươi đẹp, hồ Bến Quân còn là địa điểm lịch sử. Năm xưa, vua Quang Trung trên đường dẫn binh ra Bắc đại phá quân Thanh, khi qua xã Hà Long, đến khu vực hồ Bến Quân đã dừng lại để hội quân, chỉnh đốn binh mã. Cũng từ đây, nơi nước mênh mông, núi non, mây trời một màu xanh tươi mát, hậu thế đã gọi tên là hồ Bến Quân.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long, cho biết: “Xã Hà Long bao đời nay vẫn được biết đến là vùng đất quý, nơi phát tích vương triều Nguyễn. Địa bàn xã tương đối rộng với nhiều loại địa hình khác nhau, lại có nhiều điểm di tích nổi tiếng (lăng miếu Triệu Tường; đình Gia Miêu…), danh thắng giàu giá trị, nơi đây hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách về tham quan, trải nghiệm, khám phá vùng đất quý hương”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]