(vhds.baothanhhoa.vn) - Hai từ “mũ mãng” và “mũ mão” đều được Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học - Hoàng Văn Hành chủ biên - NXB Giáo Dục - 1995) thu thập giải nghĩa:

“Mũ mãng” và“mũ mão”

Hai từ “mũ mãng” và “mũ mão” đều được Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học - Hoàng Văn Hành chủ biên - NXB Giáo Dục - 1995) thu thập giải nghĩa:

“Mũ mãng” và“mũ mão”

-“mũ mãng dt. 1. (id.). Mũ áo của quan lại. Cân đai mũ mãng. 2. (kgn.). Mũ, coi như một thứ không thể thiếu trong trang phục (nói khái quát). Mũ mãng chỉnh tề”.

- “mũ mão dt (id). Như mũ mãng”.

Thực ra đây là những từ ghép đẳng lập (lịch đại), trong đó “mãng” và “mão” đều là những yếu tố gốc Hán chỉ trang phục, áo mũ.

Với mũ mãng, thì mãng 蟒 là cách gọi tắt của hai chữ mãng bào 蟒袍, một loại áo lễ có thêu hình con rắn. Mũ mãng là mũ, áo mũ nói chung:

- Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên - Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã - 1993) giảng “mãng” với hai nghĩa: “1. con rắn lớn; “Nhĩ Nhã Thích ngư”: 1. mãng, vương xà; Quách Phác chú: “mãng là rắn cực lớn, nên gọi vương xà”; 2. mãng là gọi tắt của mãng bào [nguyên văn: 蟒: 1.巨蛇 “爾雅‧釋魚”: “蟒, 王蛇.” 郭璞 注: “蟒, 蛇最大者,故曰王蛇; 2.蟒袍的簡稱].

Theo đây, mãng trong mũ mãng chính là nghĩa 2 của mục từ mãng mà Hán ngữ đại từ điển đã giảng. Vậy, mãng bào 蟒袍 là gì?

- Hán ngữ đại từ điển giải thích mãng bào là: “lễ phục của quan viên thời cổ có thêu hình con rắn lớn, nên gọi là mãng bào. Mãng bào cũng là tên một loại mãng phục hoa nổi danh, mà vợ của các vị quan viên từ ngũ phẩm trở lên hay mặc”. [nguyên văn 蟒袍: 古代官員的禮服.上繡蟒形, 故稱. 又名花衣, 蟒服. 婦女受有封誥的,也可以穿].

Với mũ mão, đây cũng là từ ghép đẳng lập, trong đó mão chính là chữ mạo 帽 trong Hán tự, chuyên chỉ loại mũ mềm hình tròn, may bằng vải thời xưa, sau chỉ mũ nói chung, như “Vua phong Quốc trạng rỡ ràng/Sẵn sàng áo mão, thẻ vàng trao tay”.

Mũ mão chỉ mũ hoặc trang phục quần áo nói chung (về mặt trưng diện), đồng nghĩa với mũ mãng, mũ áo, áo mão, khăn áo... Thế nên, ta có thể nói mũ mão chỉnh tề; mũ mãng chỉnh tề; áo mão chỉnh tề, mũ áo chính tề, khăn áo chỉnh tề...; hay nói: mũ mãng cân đai, mũ mão cân đai, mũ áo cân đai...

Như vậy, trong tiếng Việt, mãng và mão không có khả năng độc lập như một từ trong hành chức, nên người ta lầm tưởng chúng chỉ là yếu tố láy âm của mũ. Kỳ thực mãng và mão là những yếu tố gốc Hán, có nghĩa rất rõ ràng, cụ thể như đã phân tích ở trên.

Hoàng Trinh Sơn (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]