Mùi của tuổi thơ
Cánh đồng sau cơn mưa đánh thức trong tôi thứ mùi vị đã thấm vào máu thịt. Tất cả các giác quan như bừng tỉnh, mọi cảm xúc hiện dần, hiện dần, càng lúc càng rõ nét.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Thuở ấy, tôi còn là cô bé nhỏ thó in những dấu chân trần trên khắp nẻo quê. Đó là nơi gắn bó với tôi suốt những năm tháng dại khờ. Là nơi thấp thoáng tấm lưng còng của mẹ, là những bước chân chai sạn, liêu xiêu trên triền đê vào những chiều lộng gió. Là bóng mẹ tảo tần, lầm lũi bên ngọn đèn dầu. Là những đêm trắng mẹ đội đèn túc trực bên các kênh mương dẫn nước về ruộng cho kịp vụ cấy... Là chiếc áo sờn vai được ướp một mùi ngai ngái, nồng nồng mà tôi quen gọi là vị quê!
Những đứa trẻ thời ấy gắn với mùi bùn từ lúc chúng chưa kịp biết nghĩ suy. Mùi bùn quện vào từng bữa ăn, giấc ngủ, quện chặt cả tuổi thơ của chúng. Dường như chẳng cần người lớn chỉ dạy, lũ trẻ trong làng cứ thế dắt díu nhau đi chăn trâu, cắt cỏ, mò ốc, bắt cua, thả diều... sau mỗi chiều lên lớp mà chẳng hề biết mệt. Chúng trở về nhà khi ông mặt trời đã nấp sau ngọn đồi trước mặt. Trên những gương mặt đen đúa, nụ cười tươi rói lúc nào cũng được ẩn sau những lớp bùn nguệch ngoạc, lấm lem. Tiếng nói cười, reo hò của lũ trẻ như đánh thức cả một chiều quê thanh bình, yên ả.
Bao nhiêu năm xa quê, nhưng mảng thời gian ấy trong tôi vẫn luôn vẹn nguyên một thuở. Từng vùng ký ức cứ xếp chồng rồi trào dâng lên khóe mắt. Tôi nhớ những ngày thong dong trên lưng trâu, ê a những bài hát, câu thơ vừa học vội. Nhớ tiếng cười giòn tan của lũ trẻ nghèo theo những cánh diều bay vút lên, lẫn vào nền trời xanh thẳm. Nhớ những ngày rong ruổi cùng chúng trên khắp cánh đồng mà chưa khi nào biết chán. Những bước chân trần lướt nhanh qua các thửa ruộng nứt nẻ còn trơ gốc rạ, nhiều khi tóe máu mà chẳng biết đau. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi được cùng “đồng bọn” quây quần ngồi nhâm nhi củ khoai, củ sắn hay nhưng con cua, con ốc vừa mới được nướng lên trong mùi bùn đong đưa, dịu nhẹ. Có lẽ, đó là khoảnh khắc ngọt ngào nhất mà bất cứ ai khi lớn lên cũng sẽ nhớ về.
Tôi nhớ mùa lạc năm ấy, dưới cái nắng bỏng rát của dải đất miền Trung, chờ đợi một trận mưa rào mà lòng như lửa đốt. Mẹ ốm, nên sau mỗi buổi lên lớp, chị em tôi lại rồng rắn ra đồng cuốc lạc. Nhưng phần do sức yếu, phần thì ham chơi nên cả buổi chiều thu hoạch chẳng được bao nhiêu dù cho quần áo ướt nhèm, lấm lem những đất. Mẹ bảo, lạc già rồi phải thu hoạch không sẽ nảy mần hết, chứ đợi mưa thì đến bao giờ.
Nắng là vậy, nhưng khi mưa thì xối xả mặt mày. Lạc đủ ngày, đủ tháng, chỉ cần ngâm nước mưa qua ngày sẽ nhanh chóng đội đất vươn lên. Vậy là những thửa lạc chưa kịp cuốc hết, sau trận mưa đêm đã lênh láng nước. Chị em tôi lại đội áo mưa đi nhổ lạc, được quậy mình trong mùi ngai ngái, để thời gian trôi qua vẫn khiến tôi bao lần khắc khoải, chạnh lòng mỗi khi bắt gặp điều thân thương đó.
Tôi nhớ những mùa gặt. Nhớ khi các bà, các mẹ oằn mình dưới cái nắng để thu hoạch lúa, thì lũ trẻ chúng tôi lại chờ cho nước rút là be bờ, bắt cá. Không có gàu, chúng tôi ngả chiếc nón trên đầu xuống làm gàu để tát, cũng có khi mượn tạm cái chậu nhôm sau nhà của mẹ. Lũ trẻ thích thú nhìn những chú cá rô, cá giếc vội vàng chui vội xuống bùn, hay ghé mang trên những đám cỏ ven bờ khi nước cạn. Tiếng cười giòn tan của lũ trẻ nghèo vang cả cánh đồng vừa gặt khi mùi bùn như bao trọn cả không gian.
Quê tôi là vùng chiêm trũng nên chỉ cần một thời gian ngắn sau mùa gặt, cả cánh đồng đã trắng xóa nước, hoa súng bắt đầu đua nhau khoe sắc thắm. Đó cũng là lúc người dân quê tôi tranh thủ đi bắt ốc, lấy củ súng về ăn hoặc bán cho các thương lái. Lũ trẻ theo người lớn chèo thuyền ra đồng hái hoa về chơi, lấy thân cây súng tách vỏ ra để ăn sống.
Tôi nhớ những ngày tháng yên ả bên gia đình, bên ruộng đồng, bên mùi rơm rạ. Nó được pha trộn từ mùi ngai ngái của cỏ dại, của rơm rạ, mùi ẩm của nước, mùi nồng nồng của phân trâu... quyện hòa vào nhau tạo thành một mùi hăng nồng khó tả, để rồi bao nhiêu năm trôi qua, nó vẫn lẩn khuất, quẩn quanh đâu đó...
Tuổi thơ tôi cứ thế trôi dần theo những mùa mưa nắng nối tiếp nhau. Mẹ bảo, con cố gắng học thật tốt để thoát khỏi cảnh ruộng đồng lam lũ. Đừng để mùi bùn vướng vít suốt cuộc đời, khổ lắm!
Rồi những đứa trẻ ngày ấy cũng rời làng đi. Đứa đi học, đứa đi làm... Nhưng cái vị nồng hắc kia vẫn luôn làm tôi khắc khoải, để khi bất chợt thấy ruộng đồng dậy lên mùi quen thuộc ấy, lòng tôi lại rưng rưng khó tả.
Hoài Thu
{name} - {time}
-
2024-11-22 14:24:00
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7: Vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
2024-11-22 11:41:00
Đọc “Xuân chính niệm” của Trần Tất Trừ
-
2024-06-11 22:46:00
Nhớ mùa hoa trứng gà