Mường Lát sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 11
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 11), đến nay huyện Mường Lát đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Bà con bản Suối Lóng, xã Tam Chung (Mường Lát) thu hoạch sắn. Ảnh: Hoàng Lan
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết 11 đề ra, trong thời gian qua, ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở đã tập trung quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết 11, Chương trình hành động của UBND tỉnh đến các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân trong huyện, từ đó tạo sự đồng thuận trong tổ chức và triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất hàng hóa; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, phó mặc cho tự nhiên, số phận của một bộ phận người dân.
Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của người dân, Nghị quyết 11 đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là phân chia 8 xã, thị trấn của huyện Mường Lát thành 4 khu vực để định hướng phát triển kinh tế. Theo đó, khu vực 1 (gồm 3 xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung), tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Khu vực 2 (gồm 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh), xây dựng thành nơi sản xuất nông nghiệp tập trung, chú trọng phát triển vùng trồng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Khu vực 3 (gồm 2 xã Pù Nhi và Nhi Sơn), tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao theo quy trình sản xuất sạch, an toàn, gắn với thị trường tiêu thụ. Khu vực 4 (thị trấn Mường Lát), tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng thành trung tâm giao thương hàng hóa, đầu mối của các hoạt động dịch vụ, thương mại của huyện Mường Lát với các địa phương trong tỉnh...
Mô hình trồng cây ăn quả ở thị trấn Mường Lát.
Xã Mường Chanh có trên 800 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Khơ Mú, Kinh, Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 90% dân số. Trong năm 2023, xã đã có trên 380 hộ thoát nghèo, trong đó có 99 hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đầu năm 2023 từ hơn 64% đến nay giảm xuống còn 18%. Đây là một trong những chuyển biến mạnh mẽ sau một năm thực hiện Nghị quyết 11, giúp xã Mường Chanh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí về XDNTM ở xã vùng biên giới.
Trước đây, gia đình chị Lô Thị Lom, ở bản Na Hin, xã Mường Chanh thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống hết sức khó khăn. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5, gia đình chị đã biết cách chăn nuôi và đưa cây trồng phù hợp vào sản xuất để tăng thu nhập. Đến nay, gia đình chị Lom đã vươn lên thoát nghèo.
Đối với gia đình chị Sung Thị Lâu ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được địa phương hỗ trợ một con bò sinh sản để tạo sinh kế cho gia đình; chị Lâu đăng ký tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND xã Pù Nhi tổ chức. Được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, chị đã mạnh dạn mua giống lúa lai, giống cây ăn quả và mua thêm gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình chị Lâu đã phát triển được 1 ha xoan, 6 sào lúa và 1 ha mía; đàn bò 12 con, hơn 200 con gà; tổng thu nhập hằng năm đạt khoảng 120 triệu đồng.
Bản Suối Lóng, xã Tam Chung có trên 100 hộ dân là đồng bào Mông. Được chính quyền và ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động nên tất cả các hộ dân trong bản đều trồng sắn. Năm nay sắn được mùa, năng suất cao, giá thu mua lại ổn định, từ đó đời sống của nhiều gia đình được cải thiện nên bà con rất phấn khởi.
Đồng chí Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: "Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 11, đã có những chuyển biến nhất định, trong đó phải kể đến Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, đến nay, tiêu chí bình quân đạt 9,29 tiêu chí/xã. Ngoài ra nhiều lĩnh vực cũng đạt kết quả tích cực, nổi bật là sản lượng lương thực có hạt vượt 9,72% kế hoạch đề ra; thu ngân sách Nhà nước vượt 26,81% kế hoạch; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt 53,6% kế hoạch; chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được duy trì và phát triển".
Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song những kết quả sau hơn một năm thực hiện, Nghị quyết 11 đã như một làn gió mới, góp phần mang ấm no đến với đồng bào, nhất là các bản làng vùng cao biên giới.
Bài và ảnh: Hoàng Lan
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-01-07 10:22:00
Phường Thiệu Dương ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường
Gian nan đường vào bản Giá
Trao tặng 24 “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” trong năm 2023
Chủ động nguồn hàng phục vụ người dân miền núi trong dịp Tết
Ga Thanh Hóa triển khai các phương án phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Những người đưa báo Đảng ở vùng cao
Điện sáng biên cương
Chuyện thực tập của sinh viên trường y
Tuổi trẻ xứ Thanh với phong trào xây dựng nông thôn mới
Điểm sáng Yên Khương