(vhds.baothanhhoa.vn) - Dẫu vẫn còn những tiếng thở dài, vẫn còn đó dằng dặc những khó khăn nhưng dường như tôi đã cảm nhận được ở nơi đây - tiếng tình yêu của đại ngàn. Là tình người nơi đất khó, niềm tin nơi đất khó. No ấm. Vẫn biết hai từ ấy chưa được trọn vẹn theo đúng nghĩa nhưng tôi tin, yêu thương đang dần làm ấm lại những phận người...

Nắng ấm đại ngàn: No ấm!

Dẫu vẫn còn những tiếng thở dài, vẫn còn đó dằng dặc những khó khăn nhưng dường như tôi đã cảm nhận được ở nơi đây - tiếng tình yêu của đại ngàn. Là tình người nơi đất khó, niềm tin nơi đất khó. No ấm. Vẫn biết hai từ ấy chưa được trọn vẹn theo đúng nghĩa nhưng tôi tin, yêu thương đang dần làm ấm lại những phận người...

Nắng ấm đại ngàn: No ấm!Thào A Thái. (Ảnh nhân vật cung cấp)

"Đất là của mình, rừng là của mình..."

Cùng kiểm lâm địa bàn và một số bà con tham gia tuần tra rừng vầu ở khu Dự án 147, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Xuân Sơn (xã Sơn Điện, Quan Sơn) Lương Văn Kiêm nhẩm tính, vầu còn khoảng 2, 3 năm nữa thì người dân trong bản sẽ thu hoạch. Từ khi bà con đồng thuận trồng cây vầu xen cây lát, cây xoan mới đó mà đã 4 năm. Cũng tại đây, trên mảnh đất này, Lương Văn Kiêm đã có bao kỷ niệm với người dân Xuân Sơn, buồn vui tất thảy đều có.

Cũng như nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quan Sơn, năm 2010, xã Sơn Điện thực hiện Dự án trồng rừng 147 của Thủ tướng Chính phủ. Mục đích dự án nhằm chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc. Lúc bấy giờ, cây lát, cây xoan được lựa chọn để thực hiện dự án. Tuy nhiên, vận động bà con thực hiện chủ trương là cả vấn đề. Phần lớn cho rằng, nếu sau này trồng thành rừng, Nhà nước sẽ thu hồi cả rừng, cả đất. Trưởng bản Lương Văn Kiêm lúc đó hãy còn trẻ, mới 25 tuổi (năm 2017, Lương Văn Kiêm mới được bầu bí thư chi bộ kiêm trưởng bản - PV).

Với tinh thần trách nhiệm cao, Lương Văn Kiêm đã tổ chức nhiều cuộc họp, phân tích, giải thích để người dân nắm rõ chủ trương, lợi ích. Trước cuộc họp, anh nói với bà con: “Chúng ta phải tin tưởng ở cấp trên. Trồng rừng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đất là của mình, rừng là của mình, sổ đỏ là của mình nên không ai lừa được cả”. “Mưa dầm, thấm sâu”, đến cuộc họp thứ 5, việc trồng rừng đã nhận được sự thống nhất của các hộ dân trong bản.

Dù vậy, vẫn còn cái khó khi tổ chức bốc thăm. Trước khi bốc thăm, trưởng bản Lương Văn Kiêm quán triệt: “Bốc thăm cũng giống như gieo duyên, ai bốc thăm ở đâu nhận ở đấy”. Quán triệt như vậy nhưng phần lớn bà con không thực hiện được. Có nhiều hộ chê đất xấu, không muốn nhận. Cũng có hộ, sau khi biết kết quả, đòi trả lại, khóc hu hu ngay trên rừng. Lương Văn Kiêm trầm ngâm, nói: “Ngày ấy thật khó khăn với chúng tôi. Vì việc tập thể nên không thể buông bỏ. Nhưng nếu chỉ cần tôi cho bốc thăm lại 1 hộ thì các hộ khác sẽ làm theo và như vậy việc trồng rừng khó thành. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục động viên bằng cách, hộ nào nhận đất xấu sẽ tăng diện tích và đồng thời sẽ ưu tiên ở một khu khác ...”. Còn kiểm lâm địa bàn Nguyễn Văn Lam, người đồng hành cùng trưởng bản Lương Văn Kiêm trong việc tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng ngày ấy vẫn không quên cuộc hành trình khó nhọc nhưng cũng đầy tự hào này. Anh kể: “Thời điểm đấy, có thước đẹp đâu, chỉ đo bằng cây nứa, cây vầu. Đường cũng có đâu, khu đấy trước thường chăn thả trâu bò, nên anh em cứ theo lối bò mà đi, vắt bám vào người vẫn đi. Nắng tháng 5, một, hai giờ chiều chúng tôi vẫn đang trên đồi. Rất vất vả”.

Thành công của cuộc vận động trồng rừng cách đây đã hơn 10 năm, giờ nhắc lại, với bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lương Văn Kiêm như còn nguyên cảm xúc, tất nhiên trong đó cũng không ít nỗi niềm. Vì sau 10 năm trồng cây lát, cây xoan theo Dự án 147, cuối cùng không cho kết quả như mong đợi. Cây chậm lớn, hiệu quả thấp, theo đó giấc mơ nâng cao thu nhập cho người dân cũng bất thành.

Chuyển sang trồng cây vầu. Đó là suy nghĩ của bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lương Văn Kiêm ngay từ khi cây lát, cây xoan mới sang tuổi thứ 6. Nhận thấy 2 loại cây này khó mang lại giá trị kinh tế cao trên đất rừng Xuân Sơn, anh đã biến suy nghĩ thành hành động. Lương Văn Kiêm đã vận động bà con trồng cây vầu, một loại cây cho hiệu quả cũng khá cao lúc bấy giờ. Vào năm 2016, cây vầu đã được trồng với tổng diện tích 90ha tại các khu Pom Pại, Bỏng Khung và khu cây Bưởi, mở ra nhiều hy vọng cho người dân trong bản. Hiện, 3 khu này, vầu đã được khai thác, cho giá trị cao hơn cây luồng. Ở thời điểm hiện tại, nếu luồng chỉ 75 nghìn đồng/tạ thì cây vầu là 150 nghìn đồng/tạ. Đây được xem là tín hiệu tốt để mở đường tương lai cho cây vầu khi sau 1 thập kỷ trồng lát, xoan theo Dự án 147.

Năm 2020, tức tròn 10 năm trồng xoan, trồng lát. Hiệu quả kém, cây lấy gỗ phải nhường chỗ đứng cho cây vầu. Tại hội nghị chi bộ bản Xuân Sơn, bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lương Văn Kiêm nhận định: “Cây luồng là chủ lực của địa phương. Sau cây luồng chỉ có cây vầu cho hiệu quả kinh tế cao”.

Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ cây vầu, nghị quyết về phát triển cây vầu được đưa ra. Bà con trong bản đồng tình, nhất trí cao với chủ trương. Tuy nhiên, trước mắt, chưa thay thế hoàn toàn cây vầu mà trồng xen vầu với cây xoan, cây lát trên diện tích hơn 300ha tại khu Dự án 147. Dự tính 6, 7 năm sau, cây vầu sẽ là cây chủ lực tại khu này.

Lương Văn Kiêm năm nay 39 tuổi. 14 năm về trước, anh đã được bầu trưởng bản. Ở nơi đặc biệt khó khăn này, mong muốn của anh: “Ngoài phát triển kinh tế, bà con trong bản phải thấy được sức mạnh của tình đoàn kết để cùng vượt khó khăn, phải nhận thức sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”.

Chỉ 2, 3 năm nữa rừng vầu sẽ thu hoạch, đời sống người dân rồi sẽ khá hơn. Thành quả có công lớn của Lương Văn Kiêm, người đảng viên gương mẫu trên mảnh đất nghèo Xuân Sơn.

Góp thêm phần nhỏ, hỗ trợ bà con

6 giờ sáng, Sùng A Chua, một trong những hộ nghèo của bản Tà Cóm (xã Trung Lý, Mường Lát) lại đi chăn bò trên đồi. Nhà Sùng A Chua có 5 con bò nhưng năm ngoái đã bán 1 con để trang trải cuộc sống. Ngoài con bò là tài sản lớn nhất thì gia đình Sùng A Chua chả còn gì đáng giá. Nhà đẹp Sùng A Chua không có, thậm chí đã ọp ẹp. Sùng A Chua có 5 người con. Cũng như nhiều hộ trong bản, thu nhập của gia đình Sùng A Chua chủ yếu dựa vào cây sắn, cây luồng... Nói chuyện con bò, Sùng A Chua bỗng phấn chấn: “Bò Thào A Thái cho đấy. Cũng may có con bò, cuộc sống đỡ khó hơn. Gia đình cũng đang cố gắng lên cận nghèo, chắc khoảng 1, 2 năm nữa thôi".

Và không chỉ Sùng A Chua, còn 2 hộ khác trong bản Tà Cóm cũng được Thào A Thái tặng bò là Sùng A Tủa và Thào A Ga. Chuyện xảy ra cách đây 7 năm, vào năm 2017. Sau 7 năm, từ 1 con bò được tặng thì đến nay, mỗi hộ gia đình có từ 4 - 5 con. Trong câu chuyện phát triển kinh tế, người có uy tín của bản Tà Cóm là Thào A Thái lại được nhắc đến như một “người hùng”.

Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Mường Lát vẫn là một huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo cao. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn khoảng 36,96% (giảm 5,33% so với năm 2021). Trong công tác giảm nghèo, huyện đánh giá cao vai trò của các già làng, bí thư chi bộ, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng... Họ là những người đã góp phần giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo vơi bớt khó khăn, chủ động vươn lên thoát nghèo” (Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát)

Thời điểm của năm 2017-2018, bản Tà Cóm đang còn rất nhiều người nghiện ma túy. Phần lớn, cái nghèo cũng từ ma túy mà ra. Hiện ở Tà Cóm có 90% là hộ nghèo. Trước cái khó, cái nghèo của bà con, Thào A Thái đã chọn 3 hộ nghèo nhất trong bản để trao tặng bò. Sau đó, anh lên báo cáo xã về vấn đề này. Thào A Thái nhớ lại: “Lần đó, lên xã, tôi nói với lãnh đạo, Nhà nước thì rất quan tâm, cũng đã hỗ trợ cho dân rồi nhưng hãy cho tôi cùng Đảng, Nhà nước, góp thêm phần nhỏ để hỗ trợ bà con. Được xã đồng ý, tôi về trao bò cho dân. Trước khi tặng bò, tôi dặn bà con, nếu không may bò chết thì thôi nhưng bán bò để nghiện ngập, tôi sẽ thu lại. Cũng phải động viên mà, cho bà con cố gắng...”.

Về phần Thào A Thái, anh là người làm kinh tế giỏi nhất ở Tà Cóm. Cách đây 9 năm, vào năm 2015, Thào A Thái bắt tay làm kinh tế, phát triển mô hình trang trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Hiện, trang trại có hơn 60 con. Bên cạnh đó, Thào A Thái còn thu mua sắn, nan thanh cho bà con trong xã Trung Lý. Thào A Thái bảo, khả năng làm được gì cho người dân, anh sẵn sàng làm. Đảng viên gương mẫu đi đầu. Anh nói: “Ở mảnh đất nghèo, bà con khổ nhiều rồi nên cố gắng đừng nghèo tình cảm, tôi vẫn dặn lòng như thế”.

Tôi trò chuyện với trưởng bản Tà Cóm, ông Thào A Sự với giọng trầm buồn nhưng cách nói chuyện của ông thì lấp lánh sự lạc quan, tin tưởng. Cũng phải thôi, bao đau thương, mất mát đã đến với bản nghèo Tà Cóm. Nhưng như Thào A Sự chia sẻ, bà con đang dần thay đổi nhận thức, đang cố gắng vượt qua khó khăn, dựng lại tinh thần... Và trong đó, ít nhất Tà Cóm đã có một người như Thào A Thái, đấy là niềm tin, “người hùng” của bản.

***

Ở nơi đấy, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng những người con của Đảng vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm là “việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ cũng đem cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”. Nắng đang dần ấm trên đại ngàn.

Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]