(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bài trừ hủ tục đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn các huyện miền núi. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nếp sống văn minh hiện hữu trong đời sống người dân miền núi

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bài trừ hủ tục đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn các huyện miền núi. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nếp sống văn minh hiện hữu trong đời sống người dân miền núiLễ hội Đền Phố Cát, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) được tổ chức theo nếp sống văn minh.

Dạo quanh các thôn trên địa bàn xã Xuân Thái (Như Thanh), chúng tôi ấn tượng với những con đường bê tông sáng, xanh, sạch, đẹp. Hai bên đường trồng nhiều loại cây xanh, cây hoa rực rỡ sắc màu. Ông Lê Trung Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Trên địa bàn xã có 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống với những nét văn hóa riêng. Những năm gần đây, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) gắn với phát triển du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực phối hợp cùng ban công tác mặt trận ở các thôn đẩy mạnh tuyên truyền theo hình thức “đi từng ngõ gõ từng nhà”, để bà con tích cực hưởng ứng phong trào, tập trung xóa bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà. Đồng thời, quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Nhờ đó, đến nay toàn xã đã có 10/10 thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 76%; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của xã đều phát triển mạnh. Các tuyến đường ở các thôn đều được bê tông hoá sạch đẹp, các tập quán lạc hậu được đẩy lùi, nếp sống văn minh đã hiện hữu trong đời sống người dân, góp phần từng bước đưa địa phương trở thành “miền quê đáng sống”.

Cùng với xã Xuân Thái, thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn minh tại các địa phương trên địa bàn huyện Như Thanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong việc cưới, tang, lễ hội. Các đám cưới đều thực hiện theo nếp sống văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm. Hình thức tổ chức lễ cưới trang trọng, các nghi thức diễn ra ngắn gọn, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc. Các đám tang đều thực hiện theo nếp sống mới, xóa bỏ được các tập tục lạc hậu. Việc tổ chức lễ hội đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương. Ngoài phần lễ, phần hội diễn ra với các hoạt động văn hóa lành mạnh như biểu diễn văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian...

Để có được những đổi thay trên, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân nhân, gắn việc thực hiện nếp sống văn minh với thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Khuyến khích Nhân dân đăng ký và giữ vững, phát huy các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đồng thời, mở rộng hình thức biểu dương, khen thưởng nhằm khuyến khích các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng thực hiện phong trào và đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đến việc phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện quy ước, hương ước để nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa...

Thời gian qua, huyện Thạch Thành cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phong phú, đổi mới, sáng tạo phát huy tính tiên phong gương mẫu, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên trong quá trình triển khai, vận động người thân, gia đình, Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước thôn, khu phố. Đồng thời, vận động Nhân dân nghiêm túc thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng gia đình hòa thuận, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. Từ đó, việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở huyện ngày càng đi vào chiều sâu. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn huyện đạt 87%, tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 80%.

Hiện nay, việc xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn các huyện miền núi đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, huy động được các lực lượng xã hội, mọi tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị tích cực tham gia. Trên cơ sở kế thừa, có chọn lọc nội dung, hình thức xây dựng, các bản hương ước, quy ước trước đây, các thôn, bản, khu dân cư ở khu vực miền núi đã vận dụng sáng tạo, xây dựng các bản hương ước, quy ước mới có nội dung cũng như bố cục phù hợp với đặc trưng vùng miền, phong tục tập quán, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư để các thành viên trong cộng đồng tự giác, tự nguyện thực hiện. Từ đó, đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]