(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm quan thanh liêm dễ hay khó? Chắc chắn là không dễ dàng bởi xung quanh nhiều cám dỗ và nhiều kẻ vu vơ che mắt. Làm quan thanh liêm, những gì là được nhận và những gì là không được phép nhận? “Từ thụ yếu quy” - Một tác phẩm của Đặng Huy Trứ - là tâm huyết của một trí thức, một vị quan thanh liêm đồng hành cùng vận mệnh đất nước. Tác phẩm còn có giá trị nhắc nhở cho các thế hệ sau, khi bước vào chốn quan trường thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, tránh xa những cám dỗ, ma lực của đồng tiền bất chính.

“Từ thụ yếu quy” - Tâm huyết của vị quan thanh liêm

Làm quan thanh liêm dễ hay khó? Chắc chắn là không dễ dàng bởi xung quanh nhiều cám dỗ và nhiều kẻ vu vơ che mắt. Làm quan thanh liêm, những gì là được nhận và những gì là không được phép nhận? “Từ thụ yếu quy” - Một tác phẩm của Đặng Huy Trứ - là tâm huyết của một trí thức, một vị quan thanh liêm đồng hành cùng vận mệnh đất nước. Tác phẩm còn có giá trị nhắc nhở cho các thế hệ sau, khi bước vào chốn quan trường thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, tránh xa những cám dỗ, ma lực của đồng tiền bất chính.

Từ thụ yếu quy - Tâm huyết của vị quan thanh liêm

Đặng Huy Trứ là người làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sống giữa thế kỷ 19. Năm ông mất cũng là năm vua Tự Đức buộc lòng ký Hòa ước Giáp Tuất chịu nhượng bộ trước sức ép của súng đạn thực dân. Những năm tháng ông sống vào giữa cái khúc quanh của lịch sử đất nước, chứa đựng những thử thách sống còn không những đối với vận mệnh chung của dân tộc, sự tồn vong của triều đại mà còn với thân phận của từng kẻ sĩ như ông.

Ông quan niệm làm quan trước hết là làm nô bộc của dân, cho nước. “Không chăm sóc nổi dân thì chớ ra làm quan” - Đó là lời nhắc nhở tự thân của ông, có lẽ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Một đời làm quan của ông: dù sống trong cảnh cơm chỉ rau dưa; tường kẽ vách bung, nhà khe mái dột; hồ cháo cầm hơi qua sớm tối; vợ con hết cách chạy tây đông. Nhưng trước cám dỗ của tiền tài, của những mưu toan hối lộ ông vẫn quyết giữ một tấm lòng chẳng bụi vương. Đến khi kẻ hối lộ không được đi vu cáo, ông cũng chỉ thanh thản ứng xử: “Vu khoát kẻ kia xoay miệng lưỡi, ngang nhiên ta vẫn vững can trường”.

Sống giữa quan trường và gắn bó với đời sống cùng khổ của người dân mà Đặng Huy Trứ sớm hiểu thấu được cái tai họa tày đình của nạn tham nhũng hối lộ đang ngày đêm làm ruỗng mọt cái rường cột của bộ máy quốc gia. Nỗi bức xúc của đời sống xã hội và lương tâm của người làm quan chân chính đã thúc giục ông nung nấu tâm can viết nên tác phẩm “Từ thụ yếu quy”.

Từ kinh nghiệm làm quan và hiểu biết thực tiễn đời sống, Đặng Huy Trứ đã nhận thấy cái mối quan hệ giữa những kẻ mang thiên chức làm cha mẹ dân với những người dân được biểu hiện qua cái mối ứng xử của kẻ cho và người nhận. Cho và nhận, những giao tiếp tưởng như đời thường, đôi khi được giấu mình trong lớp vỏ tưởng như không đáng để tâm - tiền trầu thuốc như cách gọi đương thời, nhưng nó có đủ sức gặm nhấm, công phá làm ruỗng nát và sụp đổ cả một cơ chế nhà nước. Thực chất nó là một nạn tham nhũng, hối lộ - một căn bệnh gần như kinh niên và khó miễn dịch đối với mọi bộ máy quan chức nhà nước.

Cuốn sách của ông đề cập những nguyên tắc chủ yếu của việc nhận và không nhận. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra 104 trường hợp phổ biến đang diễn ra ngoài đời, mà thái độ của người làm quan dứt khoát là phải chối từ, không thể nhận. “Từ” (không thể nhận): 104 trường hợp ấy là: Sĩ tử đi thi hối lộ cầu được đỗ; quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử; quan bị cách chức hối lộ để được phục chức; địa phương hối lộ các quan đến thanh tra; đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ để cầu được che giấu; hối lộ chia nhau những thứ dôi dư trong kho; nhận hối lộ mới xét biểu dương người hiếu thuận, tiết nghĩa...

Đúng như ông nói, “Thanh” là điều quan phải thực hiện. Của cải đối với người ta như dầu mỡ đối với thực vật. Đã dây bẩn thì không thể gột sạch. “Ta đầy túi thì dân phải bán nhà. Ta có khoản đãi bạn bè thì vợ con của dân chỉ còn cháo. Nghĩ như thế há không giữ chữ Thanh Liêm hay sao”.

Có thể nhận được - “Thụ” có 5 trường hợp đó là biểu hiện mối quan hệ trong sáng giữa trò và thầy, con cái đối với cha mẹ. Theo quan điểm của ông, những phẩm chất cần có của người làm quan là: cần cù; thận trọng; công tâm; thành thực; khiêm tốn, khoan hòa; mẫn cán, giữ chữ tín...

Bộ sách “Từ thụ yếu quy” chính là lời tâm huyết, di ngôn mà tác giả muốn để lại cho con cháu đời sau với mong muốn để nếp nhà mãi mãi trong sáng. Điều đáng nói là ông dùng tâm huyết của mình, công sức của chính mình, để viết cuốn sách trên giường bệnh; bỏ tiền riêng in cuốn sách dày cả ngàn trang ở nơi đất khách quê người khi ông đi công cán ở Trung Quốc.

Dẫu thời thế khác xa, song nội dung của cuốn sách vẫn mang tính thời sự. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: nạn tham nhũng hối lộ là một kẻ thù thường trực và vô cùng hiểm độc đối với sự tồn vong của chế độ. Cuộc đấu tranh ấy vô cùng gian khổ đòi hỏi sự kiên trì, dũng cảm của nhiều thế hệ.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]