Sao lại gọi là “khóc như ri”?
...“Khóc như ri” trước tiên phải được hiểu là tiếng khóc của nhiều người cùng lúc, với những âm thanh, cung bậc cao thấp khác nhau, hòa lẫn với nhau, tạo nên một thứ thanh âm bi thương, thống thiết.
Một trăm đứa khóc như ri,
Không bằng một đứa nó đi giật lùi
(Ca dao)
Thành ngữ “khóc như ri” được nhiều cuốn từ điển tiếng Việt thu thập và giải nghĩa:
- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “khóc như ri • đt. Khóc nhiều, tiếng nhỏ mà đều”.
- Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân): “khóc như ri • ng. Khóc lâu và thảm thiết <>Mấy ngày liền chị ấy khóc như ri”.
- Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên): “khóc như ri • Khóc la ầm ĩ, nhiều tiếng khóc cùng òa lên một lúc: Họ đổ ra các khe cửa nhòm ngó hỏi nhau, bàn tán, quát tháo, van lạy, chửi rủa và òa lên khóc như ri”.
- Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “khóc như ri • Khóc râm ran, nhiều tiếng khóc cùng một lúc (thường nói về trẻ con khóc)”.
Theo như trên thì tất cả các cuốn từ điển đều không đề cập gì đến nghĩa đen câu thành ngữ; mặt khác, về nghĩa bóng cũng không có sự thống nhất về cách hiểu.
Vậy tại sao lại gọi là “Khóc như ri”?
“Ri” trong câu “Khóc như ri” chính là tên một loài chim nhỏ, cỡ bằng chim sẻ. Chim ri có tập tính đi kiếm ăn theo bầy (Dương cung rắp bắn phượng hoàng/ Chẳng may lại phải một đàn chim ri - Ca dao), và loài chim này được dân gian đặt theo tiếng kêu của chúng. Bầy chim ri di chuyển trên bầu trời như một đám mây đen, liên tục co giãn, biến hình, vừa bay vừa kêu hót; khi đáp xuống thì cả bầy phủ đen cả cành cây, ngọn cỏ, trong khi vẫn không ngừng cất tiếng ri...íc, ri...íc..., ríc...rii, ríc...ri...ri, keéc... vang vọng một vùng. Tiếng “ri...íc” nghe cao và thanh, hòa cùng tiếng “ri...i, keéc...” ở cung bậc thấp và rè tựa như tiếng khóc “hi hi” chen lẫn với giọng khàn đặc của một đám người đang kêu la, than khóc trước một sự kiện bi thương nào đó.
Từ nghĩa đen đã phân tích trên đây, chúng ta thấy từ điển của Lê Văn Đức giảng “Khóc như ri” là “Khóc nhiều, tiếng nhỏ mà đều”, là không chính xác, vì “khóc nhiều” không có nghĩa là “nhiều người cùng khóc”, và tiếng của bầy chim ri có các cung bậc cao thấp, chứ không phải “nhỏ mà đều”. Từ điển của GS Nguyễn Lân giảng “khóc lâu và thảm thiết”, thì lại càng hỏng, bởi một người nào đó dù có “khóc lâu và thảm thiết” đến mấy cũng chỉ có thể gọi là “khóc nỉ non”, “khóc tỉ tê”,... chứ không thể nào gọi là “khóc như ri” được.
Như vậy, “Khóc như ri” trước tiên phải được hiểu là tiếng khóc của nhiều người cùng lúc, với những âm thanh, cung bậc cao thấp khác nhau, hòa lẫn với nhau, tạo nên một thứ thanh âm bi thương, thống thiết. Trong số các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, thì Từ điển thành ngữ tục ngữ - ca dao của Việt Chương, tuy không nói gì đến nghĩa đen, nhưng cách giảng nghĩa bóng là khá chính xác: “Thành ngữ “khóc như ri” nói đến tiếng khóc của nhiều người cùng hòa quyện với nhau nghe vang động một vùng. Đây là tiếng khóc tang ma, hay tiếng khóc của một nhóm đông người có cùng chung một nỗi khổ nào đó”. Chính câu ca “Một trăm đứa khóc như ri, không bằng một đứa nó đi giật lùi”, đã cho thấy điều này.
Mẫn Nông (CTV)
- 2024-10-11 08:59:00
Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt 2 cuốn sách ảnh về đất nước và Bác Hồ
- 2024-10-11 07:25:00
Bếp ấm của mẹ
- 2024-08-16 15:07:00
Siêu nhạc hội 8Wonder và Lễ hội mùa Thu quốc tế lần đầu tiên đến Hà Nội
Bộ VHTTDL khởi động Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam năm 2024
9 quốc gia tham dự Liên hoan Múa quốc tế - 2024 tại Việt Nam
Bộ VHTTDL đề nghị xử lý người tung tin cháo lươn là di sản văn hóa phi vật thể
Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị đình làng ở Hậu Lộc
Phong tục cúng Rằm tháng 7 - lễ Vu Lan như thế nào?
Lùi thời gian, Mr World 2024 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11
Hiểu đúng về bản sắc văn hóa
Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
“Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia