Nga Sơn nâng cao chất lượng xử lý rác thải sinh hoạt
Mỗi ngày trên địa bàn huyện Nga Sơn phát sinh khoảng 70 đến 85 tấn rác thải sinh hoạt (RTSH). Lượng rác thải này được Công ty CP Vệ sinh môi trường Nga Sơn thu gom xử lý bằng công nghệ men vi sinh kết hợp sàng phân loại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công nhân Công ty CP Vệ sinh môi trường Nga Sơn phân loại xử lý rác thải.
Những năm trước, việc thu gom, vận chuyển RTSH trên địa bàn huyện Nga Sơn do Công ty CP Vệ sinh môi trường Nga Sơn trực tiếp ký hợp đồng với 24 xã, thị trấn. Doanh nghiệp này trực tiếp thu gom RTSH từ các xã, thị trấn, sau đó đưa về các bãi tập kết rác của huyện để chôn lấp. Vì vậy, xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân xung quanh khu vực.
Trước thực trạng đó, huyện Nga Sơn đã yêu cầu yêu cầu doanh nghiệp có phương án xử lý, kiểm soát chặt chẽ nước thải, khí thải phát sinh có thể gây ô nhiễm. Tháng 12/2021, công ty đưa công nghệ xử lý rác thải bằng men vi sinh kết hợp sàng phân loại vào hoạt động tại khu xử lý ở xã Nga Văn với diện tích 3ha, công suất xử lý 50 - 60 tấn rác/ngày.
Hệ thống xử lý RTSH này được thực hiện qua 3 công đoạn chính. Rác thải sau khi thu gom, tập kết được công nhân phân loại sơ bộ, tách các chất thải rắn, sau đó sử dụng các thiết bị chuyên dụng để san phẳng thuận lợi cho công đoạn ủ men vi sinh, đảm bảo rác được tiếp xúc với vi sinh. Lúc này chế phẩm vi sinh được hòa tan trong nước, phun đều vào rác theo từng lớp. Rác được đánh đống ủ khoảng 30 ngày, trọng lượng rác giảm khoảng 30 - 35%, thể tích đống rác giảm khoảng 35 - 40%. Rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải, được tách thành 3 loại: mùn hữu cơ; rác thải vô cơ, nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế.
Ông Vũ Minh Hải, quản lý khu xử lý, thu gom rác thải này, cho biết: “Trung bình 1 tấn rác sau phân loại thu được 200 - 300kg mùn hữu cơ để sản xuất phân bón; 100 - 150kg nilon và nhựa; 100 - 150kg rác hữu cơ không thể tái chế phải đốt; 100 - 150kg rác thải vô cơ làm vật liệu san lấp. Ưu điểm của công nghệ này là hạn chế phát sinh mùi hôi thối của rác và nước rỉ rác, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến môi trường. Công nghệ này không chỉ giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường tại bãi tập kết, chôn lấp, xử lý rác thải mà còn đem lại lợi ích kép khi biến rác thành tài nguyên”.
Hiện nay, mỗi ngày Công ty CP Vệ sinh môi trường Nga Sơn đã phải điều động 7 xe chuyên dụng để thu gom RTSH. Đối với các xã được thu gom 2 ngày mỗi lần, riêng thị trấn Nga Sơn thực hiện thu gom hằng ngày.
Để nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện các dự án xử lý rác thải, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nga Sơn đã tham mưu với UBND huyện lập dự án, hỗ trợ kinh phí giải phóng 2 bãi rác tồn đọng trên địa bàn để lấy mặt bằng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xử lý rác thải. Huyện xác định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND xã, thị trấn trong công tác quản lý môi trường trên địa bàn, đặc biệt là thu gom, xử lý rác thải.
Ông Nguyễn Phú Nguyện, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nga Sơn, cho biết: “Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy công nghệ xử lý RTSH của Công ty CP Vệ sinh môi trường Nga Sơn đã giải quyết được cơ bản vấn đề rác thải tồn đọng bấy lâu nay tại 2 bãi rác trên địa bàn huyện. Kết quả thu gom, xử lý RTSH trên địa bàn huyện năm 2023 đạt 90,4%”.
Bài và ảnh: Minh Khanh
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-05-12 14:47:00
Mở đường vào bản
Chuyện ở làng nghề chế tác đá Minh Tân
Nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn
Giữ vững an ninh vùng biên giới Quan Hóa
Nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Trung cấp Nghề miền núi Thanh Hóa
“Ngôi nhà xanh” ở Thọ Xuân
Ứng xử nơi xứ đồng
[Góc nhìn]: Làm gì với mùa hè?
Kết nối cung cầu, nâng tầm giá trị nông sản Việt
Vinh danh 2 nhà khoa học có công lớn trong việc tạo ra kho hạt giống toàn cầu