(vhds.baothanhhoa.vn) - Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua bản Pa, xã Tam Thanh (Quan Sơn) đã thay đổi diện mạo, hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm... được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nơi đây không ngừng được nâng cao.

Ngày mới ở bản Pa

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua bản Pa, xã Tam Thanh (Quan Sơn) đã thay đổi diện mạo, hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm... được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nơi đây không ngừng được nâng cao.

Ngày mới ở bản PaTừ khi có điện lưới quốc gia, các phương tiện truyền thông như ti vi, điện thoại thông minh... được bà con mua sắm, đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt hàng ngày.

Từ trung tâm TP Thanh Hóa, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình ngược ngàn, điểm đến lần này là bản Pa. Thấp thoáng sau những rừng vầu, luồng xanh ngát là bản làng nhỏ giản dị và thanh bình với những nếp nhà sàn chạy dọc tuyến đường bê tông. Là 1 trong 2 bản biên giới đặc biệt khó khăn của xã Tam Thanh, trước đây cuộc sống bà con khó khăn, vất vả... Đặc biệt, lúc chưa có điện, đường giao thông, nhiều sản phẩm nông nghiệp của các hộ dân muốn mang bán hết sức khó khăn, sự học của con trẻ cũng bị ảnh hưởng.

Ngày mới ở bản PaMột góc bản Pa, xã Tam Thanh (Quan Sơn).

Trưởng bản Lữ Văn Tuyệt phấn khởi chia sẻ: Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt Chương trình 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM... mang lại sự “thay da đổi thịt” cho vùng đất nghèo khó này. Bản có 540 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, người dân tích cực lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Ngoài các loại cây trồng chính như: lúa, ngô, diện tích luồng, vầu, quế được mở rộng trên quy mô lớn. Trong đó, cây luồng được một số cơ sở chế biến lâm sản trong bản thu mua, nên người dân phần nào cũng yên tâm đầu ra. Năm 2022, khi điện lưới quốc gia về với bản, bà con vui mừng, phấn khởi mua sắm những vật dụng đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, nông cụ, máy móc... phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, bà con trong bản có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Cả bản có trên 108 hộ, có đến 102 hộ vay vốn, với tổng vốn vay 7 tỷ đồng. Từ một hộ điều kiện khó khăn, nhờ phát huy vốn vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đến nay gia đình anh Hà Văn Dượn, phó trưởng bản Pa trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của bản. Năm 2017, anh Hà Văn Dượn mạnh dạn vay 95 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng vầu sinh kế, xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh. Đồng thời, anh còn trồng thêm 3 sào quế, xoan, đầu tư xây dựng ao nuôi cá. Nhờ chăm sóc và đầu tư tốt, mỗi năm anh thu về từ 60 – 80 triệu đồng. Hiện gia đình anh là một trong những hộ tiêu biểu về thoát nghèo, có nguồn thu nhập, việc làm ổn định.

Không chỉ là trưởng bản nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, anh Lữ Văn Tuyệt còn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trên mảnh đất quê hương. Hiện, anh đang là chủ một cơ sở thu mua lâm sản (vầu, luồng) cho bà con ở bản Pa. Trung bình mỗi tháng gia đình anh thu nhập trên dưới 12 triệu đồng nhờ chế biến, bán ra thị trường. Theo anh Tuyệt, từ khi nhiều doanh nghiệp, thương lái tìm đến thu mua cây vầu trong bản, loại cây này trở nên có giá trị, từ đó người dân mở rộng diện tích trồng. Cây vầu là hướng mới trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Các hộ dân có thể thu về từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng từ rừng vầu mỗi năm. Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp đã giảm nhập hàng lâm sản của gia đình cũng như người dân, nguồn thu nhập vì vậy cũng ảnh hưởng đáng kể.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa), cho biết: So với trước đây, cuộc sống của bà con bản Pa có nhiều đổi khác, người dân tích cực tham gia các chương trình tập huấn, dạy nghề, trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn vay vốn, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Do đặc thù là bản vùng biên giới, trình độ dân trí còn thấp, những năm qua, để từng bước tạo lập vùng an toàn không tội phạm, tệ nạn xã hội, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con chung tay bảo vệ biên giới, phát hiện đấu tranh, tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, duy trì xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới... Nhờ vậy, nhiều năm qua, bản Pa chưa phát hiện các loại đối tượng buôn bán ma túy, vũ khí, vượt biên trái phép nào, an ninh trật tự được giữ vững, người dân yên tâm lao động phát triển kinh tế...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]