Ngày mới ở Na Tao
Từ trong đói ăn thiếu mặc vì ma túy và hủ tục lạc hậu, bản Na Tao, xã Pù Nhi (Mường Lát) đang đổi khác từng ngày.
Một góc bản Na Tao, xã Pù Nhi (Mường Lát).
Bản Na Tao nằm ở ngay trung tâm xã Pù Nhi, nơi giao nhau giữa Quốc lộ 15C và đường vành đai biên giới. Có giao thông thuận lợi lên biên giới, lên trung tâm huyện rồi về xuôi, nhưng khi mà những hàng quán chưa được mở mang thì tệ nạn mua bán ma túy đã bủa vây, bám chặt người dân Na Tao. Ở đây, ma túy từ các bản Cơm, Pù Ngùa (cùng xã Pù Nhi) giáp biên giới với nước bạn Lào theo xe máy, xe hàng ra Quốc lộ 15C về xuôi. Rồi ma túy từ các xã phía trên thị trấn Mường Lát theo về. Vậy nên trước năm 2019, nơi đây chìm đắm trong khổ đau với những cuộc đời gắn chặt vào cây thuốc phiện, heroin, hồng phiến.
Theo Bí thư chi bộ, trưởng bản Na Tao, từ khoảng năm 2015 đến 2021, trong bản có gần 20 đối tượng phải chấp hành án phạt tù vì ma túy, nhiều người phải đi cai nghiện bắt buộc. Và nguy hiểm hơn, trong số đó có cả những người phạm tội khi đang còn là học sinh THPT...
Không chỉ phải trả giá tội lỗi phía sau song sắt nhà tù, nhiều kẻ bán mình cho “ả phù dung” còn phải “cõng” thêm trong mình “căn bệnh thế kỷ”, như hoàn cảnh của N.V.D (sinh năm 1992). D. là con trai nối dõi trong nhà có 2 chị em, bố mất sớm. Từ ngày còn nhỏ, D. đã chơi bời lêu lổng, bỏ dở việc học hành để theo dân “anh chị” bù khú trong những cuộc chơi. Cả đời chẳng mấy khi D. nghe lời người mẹ khốn khổ của mình. Sau khi có vợ, D. có một đứa con gái khi đã là một con nghiện có “số má” trong bản.
Nhà nghèo, cơm không đủ ăn, lại phải lo tiền hút chích, chẳng mấy chốc căn nhà ấy rỗng tuếch chẳng còn một thứ gì đáng giá. Đến như cái vòng bạc của con gái đeo ở cổ, ở chân D. cũng lột ra bán. Về sau D. theo đồng bọn đi trộm cắp, nhưng nhiều lần bị dân bản đánh bầm dập mặt mày, nên vượt biên sang Lào mua ma túy về bán lấy tiền hút chích. Năm 2012, D. “nhập kho” lần đầu. Mãn hạn chưa đầy năm, D. lại vội vã vào trại lần 2 năm 2017, cũng vì ma túy. Sau hai lần lầm lỗi ấy, người dân bản những tin D. sẽ làm lại, nhưng D. tái nghiện, rồi chết vì AIDS vào năm 2021, để lại người mẹ già gầy gò cạn khô nước mắt. Còn vợ D., chẳng ai nhớ đã bế con bỏ xứ đi từ ngày tháng nào.
Ở Na Tao, số người được tha tù về chưa ấm chỗ đã phải “nhập kho” như D. chẳng phải ít. Cơm gạo, thuốc uống chữa bệnh có thể thiếu, nhưng ma túy thì phải đủ. Và dĩ nhiên, vì bố nghiện, nhiều đứa trẻ cũng phải bỏ học dở chừng.
Không chỉ ma túy, mà hủ tục trong tang ma cũng là một phần nguyên do đẩy Na Tao vào khổ đau, thiếu thốn. Khi cuộc sống bám chặt đồi nương với những bắp ngô, củ sắn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, chẳng may trong nhà có người quá cố, họ phải mổ trâu, bò, lợn gà làm ma đằng đẵng trong 4 - 5 ngày trời. Tang ma lạnh ngắt, nhưng ngày ngày người dân bản vẫn nườm nượp rượu chè no say. Rồi sau những đám ma ấy, tang chủ phải còng lưng trả nợ. Có những cặp vợ chồng vì lo đám tang cho bố mẹ mà trả nợ ròng rã 6 năm trời chưa xong.
Đến một ngày, cuộc sống ở Na Tao bắt đầu đổi khác. Đó là từ khi công an chính quy về xã. Rồi cấp ủy, chính quyền xã Pù Nhi tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Lát về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 vào đời sống. Đó như “dấu chấm hết” của nạn ma túy hoành hành, bủa vây Na Tao và những bản nghèo ở Pù Nhi đang héo hắt vì ma túy.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với mục tiêu chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, thời gian qua, Công an xã Pù Nhi đã phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung điều tra, đấu tranh triệt xóa các điểm phức tạp về ma túy trong toàn xã. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Công an xã đã cùng với Công an huyện, bộ đội biên phòng điều tra, bắt giữ 26 vụ vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy với 37 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng ở bản Na Tao. Đồng thời lập hồ sơ quản lý, đưa đi cai nghiện bắt buộc nhiều đối tượng nghiện...
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con không tái trồng cây thuốc phiện và tránh xa ma túy, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang ma, hôn nhân cận huyết thống, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, người dân Na Tao được tham gia tập huấn kiến thức, thực hiện thâm canh, trồng lúa nước hai vụ, không phá rừng lấy đất làm nương rẫy. Trên diện tích đồi hoang thuở trước, nhiều hộ gia đình đã trồng thêm cây mận, cây đào để cung ứng ra thị trường... Lúc nông nhàn, họ còn đi vào rừng tận thu lâm sản phụ về bán cho thương lái cải thiện thêm thu nhập. Và khi cuộc sống no đủ, hiểu được tác hại của ma túy, nhiều đàn ông trai tráng người Mông đã tham gia vào các mô hình tự quản về an ninh trật tự, tuyên truyền vận động người dân cùng đấu tranh, tố giác tội phạm, gìn giữ bình yên bản làng.
Người dân bản Na Tao sơ chế măng trúc để bán ra thị trường.
Ngày nay, dọc Quốc lộ 15C và đường vành đai biên giới đã có nhiều quán hàng được mở, cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật liệu xây dựng... phục vụ nhu cầu của người dân. Hệ thống đường giao thông nội bản cũng đã được bê tông kiên cố, dẫn đến những ngôi nhà tầng, nhà sàn kiên cố. Được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi số lượng lớn trâu bò, lợn gà... Như hộ gia đình ông Thao Nhe Súa (sinh năm 1962) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi hơn 10 con bò sinh sản và kết hợp chăn gà, trồng thêm các loại cây ăn quả... Ông Súa cho biết: “Trước đây vì ma túy và hủ tục lạc hậu nên bà con Na Tao khổ lắm. Chẳng ai muốn làm ăn nữa. Vì có làm ra nhiều của cải thì con nghiện trong nhà cũng mang đi bán hết. Giờ có công an chính quy, có cán bộ đi đến tận nhà dân vận động nên ma túy được dẹp bỏ. Người Mông cũng đã tổ chức đám tang theo nếp sống mới nên đỡ tốn kém lại hợp vệ sinh. Giờ dân bản mình ai cũng muốn làm giàu rồi”.
Bí thư Chi bộ, trưởng bản Na Tao Đinh Công Út cho biết, tệ nạn ma túy được xóa bỏ, những con nghiện còn lại cũng đã được quản lý chặt chẽ. Bà con bản Na Tao đã nghe theo cán bộ đấu tranh, tố giác tội phạm và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, nên đời sống đã ngày càng khá giả hơn. Trong bản đã có gần 50 hộ mở cửa hàng kinh doanh buôn bán. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Năm 2023, bản đã được Chủ tịch UBND huyện Mường Lát công nhận NTM.
Na Tao giờ đang khác. Ven Quốc lộ 15C, đường vành đai biên giới đã sôi động những quán hàng tấp nập bán buôn. Những mái nhà từng khổ đau vì ma túy và hủ tục lạc hậu, giờ đã nở nụ cười tươi của người lớn, trẻ em trong cuộc sống đủ đầy...
Bài và ảnh: Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-06-11 07:20:00
Bản tin Tài chính ngày 11/6: NHNN đề nghị Công an xử lý hành vi tung tin thất thiệt, thao túng thị trường vàng
Chủ tịch nước: Phát huy giá trị của Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Pác Bó
Bản tin Tài chính 10/6: Giá vàng có xu hướng phục hồi, đồng USD tăng mạnh
Ngày mới ở khu tái định cư bản Lở
Mường Lát khởi công xây dựng 2 dự án đầu tư về giáo dục
Đội nắng mưu sinh ven bờ biển
Bản tin Tài chính ngày 9/6: Vàng trong nước và thế giới cùng đứng giá, “nín thở” chờ báo cáo lạm phát
Yêu thương con trẻ
Công an huyện Như Thanh tăng cường kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải
Bản tin Tài chính ngày 8/6: Vàng “lao dốc”, người dân cẩn trọng trước thông tin thất thiệt