(vhds.baothanhhoa.vn) - Không biết từ bao giờ, vàng mã đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mọi gia đình mà không ít các phật tử khi tới chùa vẫn có thói quen rải và đốt vàng mã thật nhiều để gặp may mắn, cầu an. Đến nay, chưa một ai có thể khẳng định, tục đốt vàng mã là tín ngưỡng hay mê tín, nên nghề làm vàng mã vẫn tồn tại và phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề làm vàng mã và tục đốt vàng mã

Không biết từ bao giờ, vàng mã đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mọi gia đình mà không ít các phật tử khi tới chùa vẫn có thói quen rải và đốt vàng mã thật nhiều để gặp may mắn, cầu an. Đến nay, chưa một ai có thể khẳng định, tục đốt vàng mã là tín ngưỡng hay mê tín, nên nghề làm vàng mã vẫn tồn tại và phát triển.

Sự thật thì tục đốt vàng mã ăn sâu bén rễ vào tiềm thức các thế hệ người dân Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tục đốt vàng mã là kết quả của sự biến thoái từ tục chia của cho người chết, đã có từ thời đồ đồng, cách ngày nay hơn hai nghìn năm. Việc phát hiện nền văn minh Đông Sơn là bằng chứng khoa học về sự ra đời của nhà nước Văn Lang, do các vua Hùng cai quản, với các công cụ sản xuất bằng đồng, đưa sức sản xuất phát triển. Con người có ý thức về sự sống và cái chết của bản thân, chăm lo cho sự tồn tại ở thế gian, cũng cần phải chăm lo cho vong linh người chết. Những cuộc khai quật khảo cổ với quy mô lớn ở làng Đông Sơn - nơi lần đầu tiên phát hiện ra nền văn hóa nổi tiếng này đã phát lộ những tầng văn hóa tương ứng với từng thời kỳ phát triển xã hội của con người Đông Sơn, với sự diễn biến về tập tục mai táng và các hình thức chia của cho người chết.

Tác giả Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục có viết: “Tục đốt vàng mã do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế. Đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Lê Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đến đời Đường Túc Tôn có ông Vương Dữ làm quan Tù tế xứ giữ riêng về việc tế tự, dùng toàn bằng tiền giấy, mũ giấy mà cúng lấp quỷ thần”. Đặc biệt, Phan Kế Bính còn cụ thể hơn về “Ngày tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) mua đồ vàng mã, áo mũ cúng cấp, dùng các giường Vu Lan bằng tre có 3 chân rồi treo tiền của đồ bằng vàng mã lên trên giường mà đốt”.

Đi cùng với tục đốt vàng mã, nghề vàng mã cũng trải qua sự phân chia cung - cầu. Xã hội phân hóa giàu nghèo, vong linh người chết cũng chịu số phận giàu nghèo khác nhau. Nhà giàu chôn nhiều đồ tùy táng, đồ minh khí, người nghèo thì chôn ít, và các đồ chôn theo cũng ít giá trị. Đến thời kỳ chế độ phong kiến, phát triển lên đỉnh cao, dẫn đến sự thay đổi thế giới quan, con người khám phá ra những quy luật về thế giới tự nhiên và trở nên khôn ngoan hơn. Vua chúa chết đi thường chôn theo vàng bạc rất nhiều, thậm chí là chôn theo người hầu, thê thiếp. Nhưng sau một thời gian, các vua quan nhận ra, người đâu, tiền vàng đâu mà chôn nhiều thế, và nếu có chôn rồi cũng bị lấy cắp. Vì thế họ mới nghĩ ra phương pháp thế bằng giấy, in thủ công.

Một cơ sở sản xuất hàng mã ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.

Sự tích của Thái Mạc và Huệ Nương, đã cho thấy sự thăng trầm của nghề làm vàng mã. Họ là hai vợ chồng chuyên nghề bán vàng mã, nhưng vì hàng ế quá, họ mới nghĩ ra kế giả chết. Đến ngày thứ 3 khi chuẩn bị đưa đi chôn, Thái Mạc mời dân làng sang chứng kiến, Huệ Nương mở nắp quan tài ra đứng lên và nói: Dương thế đồng tiền quan trọng như thế nào thì dưới cõi âm cũng quan trọng như thế. Nhờ có chồng đốt tiền vàng mà tôi sống lại. Nhiều người dân thấy thế, cho rằng đó là sự thật và tranh nhau mua mong rằng nếu có ai trong gia đình chết thì mình có thể giúp họ sống lại nhờ đốt thật nhiều vàng mã.

Nói đến nghề làm vàng mã, ở vùng miền nào trên dải đất hình chữ S này cũng có. Tại Hà Nội có nguyên cả phố Hàng Mã chuyên bày bán các mặt hàng dành cho người cõi âm. Ở Thanh Hóa, thực tế trong sử sách không ghi có làng nào chuyên làm vàng mã. Tuy vậy, ở ngay trên địa bàn TP Thanh Hóa, làng Mật Sơn, phường Đông Vệ, đã xuất hiện nghề này từ những năm đầu của thập niên 90, đến nay phát triển và trở thành nguồn cung ứng lớn nhất cho thị trường vàng mã trong tỉnh. Những ngày lễ, liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, các hộ dân nơi đây hối hả, gấp rút tạo ra các sản phẩm đa sắc màu, để phục vụ những “thượng khách” của mình. Gần như không có mâm cỗ thờ cúng nào mà thiếu bộ vàng mã.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ, cho biết: “Từ những năm 90 đến nay nghề hoa giấy ở đây đã phát triển nhanh chóng tuy nhiên mãi đến năm 2016, nhà nước mới công nhận là làng nghề. Hiện nay, làng nghề hoa giấy Mật Sơn đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình phố Mật Sơn. Nhiều gia đình làm hoa giấy, đồ mã có kinh tế khá giả, có hộ gia đình thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Nghề làm vàng mã nhìn thì nhàn, muốn làm khi nào thì làm nhưng phải ngồi một chỗ, lại tỉ mỉ trong từng món vàng mã, kể cả từng cái cúc áo nên cũng kén người làm. Khó nhất là đục hình rồng trên áo giấy, phải tinh xảo, cầu kỳ và không được để rách. Thêm vào đó, phải am hiểu về lễ nghi thì mới biết sắp từng bộ vàng mã sao cho đúng, đủ, hợp với từng lễ cúng và người âm bên kia thì mới bán được. Vì thế cho nên người già, người trung niên làm nghề này nhiều hơn chứ người trẻ thì phải thật yêu nghề, ham học và có thiện tâm mới làm được.

Cơ sở sản xuất vàng mã của gia đình bà Châu Thị Thanh (phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ) đa dạng các mẫu vàng mã đẹp mắt, thu hút các thương lái trong tỉnh. Với nhà xưởng có diện tích hơn 350m², bà Thanh đã phải đầu tư máy móc trị giá hơn 400 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động, chưa kể những người đến nhận hàng về làm tại nhà.

“Làm ra một sản phẩm vàng mã cần rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải tính toán tỉ mỉ, luôn phải tạo ra các mẫu mã mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để kịp đủ số lượng vào những ngày này, chúng tôi phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ ngay sau tết và huy động thêm số lao động. Cũng như những năm trước, những đồ điện máy, điện tử hiện đại vẫn đắt khách. Riêng năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường và tâm lý người mua, khiến những mặt hàng như khẩu trang, kính chống bắn giọt nước bằng giấy được khách tìm mua nhiều" - bà Thanh chia sẻ.

Bà Duyên, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề làm vàng mã cho biết, từ trung tuần tháng 6 âm lịch, cơ sở này đã bắt đầu làm hàng mã chủ yếu là thuyền và nón giấy. Đến đầu tháng 7 âm lịch, từ lái buôn đến người mua tiêu dùng đến đây rất đông. Vì thế, gia đình bà đã phải huy động hết mọi thành viên trong nhà để làm cho kịp tiến độ chuyển đến các đại lý ở khắp nơi. Trước kia cơ sở sản xuất của bà chỉ có 8-9 người làm, nhưng dịp này, công nhân phải tăng gấp đôi để kịp tiến độ. Mỗi ngày gia đình bà cũng nhận được đến cả trăm đơn hàng.

Cũng giống như các ngành nghề khác, sản phẩm hàng mã mỗi năm lại có những thay đổi về hình thức để bắt mắt và thu hút hơn. Nếu trước đây, ông bà ta có thể chỉ dùng những miếng giấy màu để thờ cúng rồi đốt với quan niệm, xuống dưới âm phủ, ông bà tự đặt may cho đúng ý. Ngày nay, người ta đã làm ra những chiếc áo sơ mi nam, chiếc áo dài bằng giấy có hộp bên ngoài, rất đẹp và đính tên nhà sản xuất. Phía mặt sau của hộp áo sơ mi, áo dài, váy là bao gồm cả điện thoại, nhẫn kim cương, nhẫn vàng...

Từ tập tục chia của đến sự hình thành và ra đời một nghề, đáp ứng với đời sống nhân dân. Và cũng chính để nhu cầu ngày càng mạnh, mà những năm gần đây, khi đời sống vật chất của người dân phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa thì nghề này càng sôi động hơn. Tuy nhiên, trước quan điểm của Đại đức Thích Thanh Chính - Trụ trì chùa Đồng Lễ: "Đối với nhà chùa chúng tôi, tục đốt vàng mã, xưa nay có thực hiện cũng chỉ là tùy duyên. Dù chưa được bỏ hẳn, nhưng việc sử dụng chỉ rất ít để phù hợp với tín ngưỡng và mong muốn của người dân. Xét về góc độ nghiên cứu, tục đốt vàng mã không phải của Phật giáo mà chỉ là ảnh hưởng ngoại lai, cụ thể là có từ thời Hán ở Trung Quốc. Theo tôi, quan điểm, cứ đến tháng 7 hay lễ, tết, người dương đốt tiền vàng cho người âm có cái tiêu dùng thì thật lệch lạc. Với đạo Phật điều tốt cho các linh hồn chính là cầu siêu, phạ độ, bố thí. Mình bố thí bằng cái tâm nhưng qua cái thực chính là hương, hoa, đăng, trà, quả, thực - 6 thứ đó được cúng cho cả chư phật và các hàng thánh, thần, gia tiên. Dù cúng bằng hình thức thật nhưng người chết đi rồi chỉ có hưởng cái tâm, ý, niệm và thức của mình, hay nói dễ hiểu là hưởng cái hương hoa. Còn tất cả những cái hủ tục đốt vàng mã chỉ là tập tục cổ hủ ăn sâu vào tư tưởng người dân. Đặc biệt những năm gần đây nó lại càng bị biến tướng. Người ta có cái gì thì cũng sẽ làm đồ mã như thế, đặc biệt in tiền hình danh nhân, ô tô, điện thoại iphone, TV hàng HD, trong khi các cụ xưa chỉ đi ngựa, ngồi chiếu, buộc rơm đi bộ thì sao có thể biết dùng ô tô. Đạo Phật là con đường đi lên của trí tuệ giác ngộ giải thoát, không có bóng dáng mê tín trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo lấy từ bi làm lẽ sống, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Quan điểm của đạo Phật luôn bác bỏ những tục lệ mê tín có phương hại đến thuần phong mỹ tục".

Rõ ràng để vứt bỏ một tập tục thật chẳng dễ, bởi đó là niềm tin vào một thế giới vô hình và cũng là sự tri ân ông bà tiên tổ. Tuy nhiên, thay vì chạy theo rất nhiều xu hướng, hay muốn nhà mình phải đốt nhiều để người âm phù hộ may mắn, bổng lộc, mỗi người khi đi lễ chùa, chỉ cần thắp hương khấn vái với tấm lòng thành tâm, hướng thiện, sẽ khiến không khí của chùa vốn đã thâm u lại càng tĩnh hơn vào những dịp lễ.

Chi Anh


Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]