Nghe núi sông kể chuyện
Mấy ngày nay chẳng hiểu sao lòng cứ xốn xang “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"... tựa hồ như câu thơ mà nhà thơ Quang Dũng đã viết trong thi phẩm Tây Tiến. Ở nơi ấy có đủ núi cao, sông sâu và những câu chuyện dựng làng, dựng bản nhuốm màu sử thi của đồng bào các dân tộc anh em.
Cổng trời Trung Lý.
Khúc độc hành sông Mã
Chuyến đi cuối tuần chẳng liên hệ được ai, cũng không cụ thể là đi đâu, chỉ biết là phải đi và nơi đến là biên giới. Từ TP Thanh Hóa đi khoảng 120km lên thị trấn Cành Nàng (Bá Thước), chúng tôi rẽ trái nhắm hướng Quan Sơn - “thủ phủ” của cây tre, cây vầu, cây luồng. Quốc lộ 217 rộng, phẳng phiu, những cánh rừng, ruộng lúa, nương ngô trải dài từ sườn đồi nọ đến sườn đồi kia, dập dềnh trong nắng.
Bắt đầu từ Lang Chánh đi sâu vào đất Quan Sơn cơ man là tre, luồng, vầu, lớp này chồng lớp khác, cảm giác như đang đi trong phim trường kiếm hiệp. Đặc biệt, vùng giáp biên, chúng mọc san sát như thành lũy, cây nhỏ, cây to, măng lớn, măng bé vươn lên, giăng mắc như trận địa mai phục. Và cũng thật tình cờ, đất Quan Sơn có một dòng sông tên Luồng. Đây là nhánh đầu nguồn của sông Mã, bắt đầu từ Cửa khẩu Na Mèo, dài trên 106km. Trong đó, 46km sông chảy qua 4 xã của huyện Quan Sơn và gần 60km sông chảy qua 3 xã của huyện Quan Hóa. Sông Luồng hợp lưu với sông Mã tại thị trấn Hồi Xuân, thuộc huyện Quan Hóa.
Thông thường, biên giới có sông chảy qua sẽ có cửa khẩu bộ hoặc thủy. Bởi những dòng sông xưa nay đều là đường giao thông thủy, những chiếc bè chở nông lâm sản theo suối về sông, theo sông nhỏ về sông lớn, đến những bến bờ có giao thông đường bộ thuận tiện để tiếp tục về xuôi tỏa đi muôn ngả. Song song với dòng chảy thường là đường bộ giao thương giữa các nước.
Theo dấu những rừng luồng sang huyện Quan Hóa, sông Mã hung dữ trong truyền thuyết trở nên hiền hòa, trong xanh phẳng lặng quấn quanh núi đồi. Sông bắt nguồn từ dãy núi Bon Kho thuộc huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), các huyện Mường Ết, Xiềng Khọ, Sốp Bâu (tỉnh Hủa Phăn, Lào), rồi đổ vào Thanh Hóa từ Cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát). Sông Mã được xem là sông mẹ khi có nhiều chi lưu như sông Chu, sông Âm, sông Luồng, sông Lò...
Qua hàng nghìn năm, sông Mã gắn liền với từng bước đi thăng trầm của quê hương xứ Thanh suốt dòng chảy thời gian. Mỗi khúc sông, bến nước đều chứa đựng câu chuyện của một làng quê.
Sông Mã ôm ấp những bản làng của cộng đồng người Việt, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú tạo nên những quần thể di sản vật thể và phi vật thể trên đôi bờ phù sa. Và giờ đây, dòng sông ấy còn gánh trên lưng 7 dự án thủy điện: Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước I, Bá Thước II, Cẩm Thủy I, Cẩm Thủy II...
Cổng trời hoan ca
Đường lên Mường Lát thật sự là một thử thách với những dốc núi dựng ngược, những đoạn cua tay áo gấp khúc, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, đúng như Quang Dũng viết trong bài Tây Tiến: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”...
Càng gần cổng trời (bản Khằm 1, xã Trung Lý), gió thổi lồng lộng khiến tai ù nhức. Ngoái đầu nhìn lại, Quốc lộ 15C bé xíu như một sợi dây vắt vẻo lưng chừng núi. Cổng trời đón khách bằng cái nắng vàng tháng 7, trời xanh như rút ruột mà xanh, cây biếc như vặn mình mà biếc. Đất trời nơi biên cương mới đẹp và kỳ vĩ làm sao! Gió thổi tà áo bay phấp phới, tôi cứ để bản thân mình lặng lẽ ngắm nhìn và ghi nhớ cảnh tượng này: bầu trời này, mặt đất này, dòng sông xanh dưới kia và đóa khổng tú quỳnh rung rinh trong gió. Tôi nhẩm theo giai điệu bài hát Chiều biên giới đã từng nghe nhiều lần và nhận ra phải đứng trong khung cảnh này mới cảm nhận hết ý nghĩa và giai điệu tự hào: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương”...
Hiện nay, các điểm du lịch đang từng ngày hình thành trên các tuyến biên giới, góp phần thay đổi cuộc sống cho đồng bào vùng biên. Cái thú của loại hình du lịch này đó là, không chỉ là tham quan danh lam, thắng cảnh mà còn để chạm vào cảm giác thiêng liêng Tổ quốc bên mình. Cổng trời Trung Lý cũng được UBND huyện Mường Lát, UBND xã Trung Lý xây dựng là điểm du lịch cùng với bản Sài Khao, bia tưởng niệm Tây Tiến, cột mốc 281, đền thờ Tư Mã Hai Đào, thiền Viện Đại Hóa... Trên dải đất biên cương đầy nắng và gió, nơi đây đang rộn tiếng cười. Chạm tay vào cột mốc như chạm vào trái tim của chính mình. Xa mà không xa, một dải biên cương đã theo những vị khách trong mỗi câu chuyện kể của mình, mỗi tấm ảnh lưu niệm và từng món quà mang về.
Bờ cõi Tổ quốc ở đó và mỗi chúng ta hãy góp một phần nhỏ để tô điểm thêm nét kỳ vĩ cho non sông đất nước tươi đẹp. Chúng ta lấy du lịch để thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng biên, góp phần thay đổi cuộc sống cho đồng bào vùng biên và đó cũng là cách bảo vệ biên cương mà bao đời nay cha ông ta gìn giữ.
Hẹn với vùng cao ngày gần nhất, để tiếp tục nghe núi sông kể chuyện Tổ quốc mình!
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-07-13 08:10:00
Khi doanh nghiệp muốn “xanh”
Bản tin Tài chính ngày 13/7: Vàng tiếp đà tăng mạnh
Đẩy mạnh phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”
Vạt nắng sau mưa
Giá như bớt ồn áo
Bản tin Tài chính ngày 12/7: Giá vàng thế giới “phi mã”, trong nước vẫn ổn định
Tiết kiệm năng lượng – hình thành lối sống xanh: Câu chuyện tiết kiệm
Cẩn trọng khi mua thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng “online”
Tháng 7, đến mảnh đất anh hùng Quảng Trị để trải nghiệm và tri ân
[REVIEW OCOP] Gạo nếp hạt cau Mường Đủ - Hạt ngọc của vùng quê Thạch Thành