(vhds.baothanhhoa.vn) - 30 năm làm nghệ thuật, từ diễn viên cho đến khi là biên đạo múa, với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hoàng Thanh Hải là biết bao câu chuyện của cá nhân và những trăn trở.

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Thanh Hải và chuyện giữ gìn nghệ thuật truyền thống xứ Thanh

30 năm làm nghệ thuật, từ diễn viên cho đến khi là biên đạo múa, với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hoàng Thanh Hải là biết bao câu chuyện của cá nhân và những trăn trở.

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Thanh Hải và chuyện giữ gìn nghệ thuật truyền thống xứ ThanhNSƯT Hoàng Thanh Hải trong vai trò Tổng Biên đạo chương trình Cầu truyền hình Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng.

Năm 2024 vừa đi qua là năm đáng nhớ của Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa Hoàng Thanh Hải. Sau nhiều “chờ đợi”, chị đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT.

Đối với chị danh hiệu này là niềm vui, sự động viên khích lệ lớn trong cuộc đời làm văn hóa; “Những cống hiến của tôi cho ngành văn hóa tuy chưa nhiều nhưng cũng là sự cố gắng hết sức”. Trên hành trình ấy của chị bên cạnh rất nhiều niềm vui là không ít những trăn trở, bởi nó cần rất nhiều thời gian và tâm huyết.

Văn hóa xứ Thanh vừa mang đậm bản sắc dân tộc vừa có sắc thái riêng biệt của vùng đất địa linh nhân kiệt. Thế nhưng, trước “làn gió” văn hóa hiện đại, với cả mặt tích cực lẫn không ít mặt tiêu cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ mòn dần, lãng quên, thậm chí bị hủy hoại.

Hiểu được điều đó, với đam mê và nhiệm vụ của mình, NSƯT Hoàng Thanh Hải đã phục dựng nhiều làn điệu dân ca, dân vũ và dân nhạc xứ Thanh.

Chị kể cho tôi nghe thời gian đằng đẵng gần 3 năm mới khôi phục được điệu múa trồng bông dệt vải của người Mường; những chuyến đi về nơi “3 không" - bản Ché Lầu (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) để khôi phục múa ô, múa khèn; vào bản Đoàn Kết (nay là khu phố) ở Mường Lát để tìm hiểu, phục dựng múa dựng nhà của người Khơ Mú, đi đến các bản người Thái để tìm hiểu về sáo dọc, sáo ngang, trống ràng, hát giao duyên; tìm hiểu và khôi phục múa giã cốm, bắt nhái, chậm đò ho của dân tộc Thổ...

Hành trình của chị nhiều người cho là “ôm rơm rặm bụng”, là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng “khôi phục được điệu múa, câu hát nào là tôi nhẹ lòng. Vì phía sau những điệu múa câu hát là cả một câu chuyện dài về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đơn giản như múa dựng nhà của người Khơ Mú gắn với câu chuyện trước đây khi người con trai có dự định lấy vợ thì bố mẹ chia một mảnh đất. Người con trai tự làm ra của cải vật chất để dựng nhà, dựng xong nhà thì mới được cưới vợ. Hay như khi tìm hiểu phục dựng điệu múa khèn của đồng bào Mông thì tôi mới biết rằng, người Mông ở Quan Sơn hiện nay toàn mặc trang phục Lào, nhảy theo điệu múa Lào... Ở một vùng giáp biên, sự lai căng văn hóa sẽ dẫn đến những hệ lụy mà người dân và ngay cả chúng ta cũng không thể lường trước được”, NSƯT Hoàng Thanh Hải trăn trở.

Vì thế chị cho rằng, cần khẩn cấp phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể trước khi những nghệ nhân cuối cùng ra đi; trước khi những bạn trẻ quay lưng hoàn toàn với văn hóa truyền thống. “Khi tôi chỉ cho các bạn trẻ đánh trống, đánh chiêng, hay khặp thì họ thẳng thắn nói: Không thích đâu, hát “Gọi đò ơi. Ai giúp đưa tôi kịp sang đò. Bên kia sông này, người ta đang tưng bừng đón dâu", hay hơn.

Trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, NSƯT Hoàng Thanh Hải cho rằng, cốt yếu là phải khôi phục, như cái cây phải giữ được bộ rễ tốt. “Tất nhiên khôi phục rồi nhưng không phát huy được thì có khi vài năm lại quên, vì thế bài toán giữa cái giá trị cần phục dựng thì giữ gìn cái nào, cái nào cần nguyên bản, cái nào cần phát triển lên để hợp với sân khấu, hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân”.

Các phép tính đan xen, giằng níu nhau, bởi bài toán văn hóa không phải đơn thuần chỉ là 1 + 1 = 2. Quan điểm của chị là khi khôi phục đầu tiên là phải đúng, đúng ít nhất 80 - 90%. “Chúng ta có thể phát triển trên nền tảng cái đã có, nhưng không thể đánh mất bản gốc của nó” - NSƯT Hoàng Thanh Hải chia sẻ.

Tất nhiên, để có một câu nói ấy, NSƯT Hoàng Thanh Hải đã phải mất rất nhiều thời gian. Những thành quả đến ngày hôm nay phần nào thể hiện công tác phục dựng, bảo tồn các giá trị di sản đã đi đúng hướng. Theo NSƯT Hoàng Thanh Hải là với đồng bào dân tộc thiểu số, những điệu khặp, đánh trống, dân ca... ăn sâu trong tiềm thức của họ, chỉ cần chờ chúng ta đánh thức. Có lẽ vì thế mà hiện nay ở một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ đã phát huy được giá trị văn hóa. Du khách đến với Pù Luông rất thích xem múa luống, múa trồng bông dệt vải. Vì thế, các thành viên đội văn nghệ có đêm thu nhập được 3 triệu đồng/người. Hiện tại ở Pù Luông có khoảng 7 đội văn nghệ đang hoạt động khá đều. Rồi các điểm du lịch như ở thác Mây (Thạch Thành), thác Ma Hao (Lang Chánh), mùa hè các đội văn nghệ hoạt động hết công suất. Ngoài tăng thu nhập cho bà con, quan trọng hơn hết là có thêm sản phẩm du lịch để níu chân du khách ở và quay lại với các khu, điểm này.

Được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng công việc chính của NSƯT Hoàng Thanh Hải là làm văn hóa cơ sở, văn hóa phong trào. Nói về điều này, chị cho biết: "Tưởng như đối lập nhưng lại có sự hỗ trợ rất lớn, là người được đào tạo chuyên nghiệp, tôi có sự định hướng về văn hóa, được giải phóng hình thể. Chỉ cần một vài lời mô tả của các nghệ nhân là tôi có thể hình dung ra động tác".

Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Thanh Hải và chuyện giữ gìn nghệ thuật truyền thống xứ ThanhNSƯT Hoàng Thanh Hải hướng dẫn cho đồng bào dân tộc Mông bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) tập điệu múa ô.

Cũng nhờ những năm tháng được đào tạo chuyên nghiệp mà NSƯT Hoàng Thanh Hải đã được giữ vai trò tổng biên đạo các chương trình nghệ thuật như: “45 năm Hàm Rồng chiến thắng” (2010), “Hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Giải xuất sắc do Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng trao tặng về cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh); “Sầm Sơn nơi gặp gỡ sắc màu” (2011); “Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ” (2012); “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” (2020)... và gần đây nhất là Cầu truyền hình Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng. Đồng thời, chị hiện tham gia giảng dạy bộ môn múa, môn dàn dựng tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Hành trình nghệ thuật của NSƯT Hoàng Thanh Hải còn rất dài. Và trên chặng đường chị đi qua, điều mà NSƯT Hoàng Thanh Hải luôn trăn trở là làm thế nào để nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi chỉ khi họ ý thức được giá trị và bản sắc riêng có của dân tộc mình thì việc giữ gìn mới không quá xa vời và khó khăn.

Những trăn trở ấy không chỉ với NSƯT Hoàng Thanh Hải. Qua tiếp xúc với các nghệ nhân, tôi đã nghe nhiều tiếng thở dài vì sự mai một, lãng quên các giá trị văn hóa truyền thống của người trẻ. Trách sao được, cuộc sống là sự tiếp biến, các giá trị mới du nhập ồ ạt vào khiến con người ta khát khao chiếm lĩnh, nhưng rồi, với mỗi cá nhân và tộc người, gốc rễ vẫn là căn cốt. Chỉ mong sao những dịp lễ, tết chúng ta luôn được nhìn thấy đồng bào dân tộc xúng xính trong trang phục sặc sỡ, tay cầm ô, cầm khăn múa hát những làn điệu dân ca quen thuộc, rộn vang núi rừng.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]