Nghĩa tình chợ phiên nơi biên giới
Trên hành trình dọc dài nơi vùng biên xứ Thanh, chúng tôi có dịp được ghé thăm những phiên chợ vùng biên, không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán của bà con trong vùng mà còn gắn kết giao lưu, mua bán, giao thương của bà con các bản giáp biên với nước bạn Lào.
Bà con các bản giáp biên nước bạn Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo - Nậm Sôi để đi chợ phiên Na Mèo.
Gắn kết tình biên giới Việt - Lào
Thanh Hóa có hơn 213,6km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), với 3 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) - Nậm Sôi (Viêng Xay), Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn (Mường Lát) - Sổm Vẳng (Sốp Bâu), Cửa khẩu phụ Khẹo (Thường Xuân) - Thà Láu (Sầm Tớ) và nhiều đường mòn, lối mở. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho bà con các bản giáp biên thuộc huyện Viêng Xay, Sốp Bâu, Sầm Tớ (Hủa Phăn, Lào)... có cơ hội giao thương, đi lại với các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân (Thanh Hóa). Do thuận lợi về vị trí địa lý, có những nét văn hóa, phong tục gần nhau nên bà con các bản giáp biên của nước bạn Lào đến các phiên chợ vùng biên của các xã Na Mèo, Sơn Thủy, Tam Thanh (Quan Sơn), chợ Nhi Sơn, chợ Tén Tằn, thị trấn Mường Lát (Mường Lát) để giao lưu, buôn bán qua đó gắn kết tình biên giới hai nước Việt Nam - Lào.
Chợ Tén Tằn (thị trấn Mường Lát) cách Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn - Sổm Vẳng chưa đầy 1km, vì vậy bà con các bản giáp biên thuộc huyện Sốp Bâu thường sang chợ để mua bán. Gần cửa khẩu là bản Sổm Vẳng, cụm Sốp Hào, huyện Sốp Bâu (Hủa Phăn, Lào) vì vậy bà con trong bản sang chợ Tén Tằn mua bán nhiều hơn so với đi chợ huyện Sốp Bâu. Ông Thạo Xôm Bun, Bí thư kiêm trưởng bản Sổm Vẳng chia sẻ: Bản Sổm Vẳng có 36 hộ, 191 nhân khẩu. Từ bao đời nay, bà con bản Sổm Vẳng giao lưu, đi lại, thăm thân với bà con bản Tén Tằn (nay là khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát). Do gần cửa khẩu, gần chợ Tén Tằn nên bà con đem nông sản do mình làm ra để trao đổi, buôn bán với bà con Mường Lát.
Hai chị em Nàng Hặc, Nàng Phén, bản Sổm Vẳng, cụm Sốp Hào (Sốp Bâu) bán hàng tại chợ Tén Tằn, huyện Mường Lát.
Ghé thăm chợ Tén Tằn (thị trấn Mường Lát), chúng tôi tham quan những gian hàng bày bán sản phẩm, hàng hóa khu chợ. Chợ đa dạng người bán, dưới xuôi lên, người bản địa và bà con người Lào sang. Theo những người dân ở chợ, chính quyền thị trấn cũng sắp xếp khu bán hàng riêng cho bà con bên Lào, vì vậy người dân đến chợ sẽ dễ dàng phân biệt được các sản phẩm, hàng hóa của người Lào, người Việt. Nhờ sự phiên dịch của em Thiệp, người xã Quang Chiểu (Mường Lát) đến mua hàng ở chợ Tén Tằn, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà Nàng Xôm Bun, Nàng Viêng Phằn và hai chị em Nàng Hặc, Nàng Phén người Lào. Là người buôn bán ở chợ Tén Tằn lâu năm, bà Nàng Xôm Bun, bản Sổm Vẳng, cho biết: Bản Sổm Vẳng có khoảng 15 người chuyên buôn bán ở chợ. Mặt hàng của bà con mang sang là nông sản như ớt, tỏi, rau bí, dứa, dưa chuột, dứa, măng khô, chuối Lào...
Trong số các nông sản do bà con người Lào bán, chúng tôi ấn tượng với những quả dứa, dưa chuột. Những quả dứa rất to, nhiều nước, có giá khoảng 10 - 15 kíp/quả (tương đương 15.000 đồng); những quả dưa chuột Lào trơn nhẵn, nhiều thịt, chắc quả và hạt to. Quả dưa được xem là đặc sản của bà con người Lào, nhiều đồng bào Mông ở Mường Lát cũng trồng giống dưa này ở trên núi cao và đem bán ở dọc thị trấn Mường Lát hoặc ở trên “Cổng trời” xã Trung Lý, Mường Lát.
Thiếu tá Đỗ Đình Sơn, trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Tén Tằn (Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn) cho biết: Thời gian qua, Trạm biên phòng cửa khẩu Tén Tằn phối hợp với Trạm liên hợp cửa khẩu Sổm Vẳng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, đảm bảo nhanh chóng, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Việc bà con qua lại mua bán hàng hóa, trao đổi, thăm thân, khám chữa bệnh diễn ra thuận lợi. Năm 2023, đơn vị đã làm thủ tục nhập cảnh cho 5.016 lượt người/406 phương tiện; nhập cảnh vùng biên cho 4.339 lượt người; xuất cảnh cho 5.133 lượt người/361 phương tiện; xuất cảnh vùng biên giới cho 4.246 lượt người. 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã làm thủ tục nhập cảnh cho 3.070 lượt người/258 phương tiện; nhập cảnh vùng biên giới cho 533 lượt người; xuất cảnh cho 3.163 lượt người/272 phương tiện; xuất cảnh vùng biên cho 521 lượt người.
Ở Mường Lát, ngoài khu chợ Tén Tằn, thị trấn Mường Lát thì chợ Nhi Sơn (xã Nhi Sơn) họp vào ngày 15 dương lịch hằng tháng, bà con người Lào các bản giáp biên cũng sang chợ mua bán. Gần lối mở Trạm kiểm soát biên phòng Kéo Hượn (Đồn Biên phòng Pù Nhi), thuộc địa bàn xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, phía bên là bản Khằm Nàng, cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào) vì vậy một số bà con bên bản Khằm Nàng cũng đã mang những đồ nông sản do bà con làm ra để đem bán cho bà con bản giáp biên và khách phương xa đến với Mường Lát trên Quốc lộ 15C. Những quả dưa chuột, măng rừng, rau cải... luôn được du khách thích thú dừng lại mua bán. Mặc dù mua bán giữa khách và người dân bạn Lào chỉ bằng ký hiệu nhưng việc mua bán diễn ra thuận lợi. Bà con dân bản của nước bạn Lào thân thiện, chân thành và mến khách.
Thúc đẩy thương mại vùng biên
Huyện vùng cao Quan Sơn nổi tiếng với Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Nơi đây có chợ thương mại và dịch vụ cửa khẩu quốc tế Na Mèo (bà con thường gọi với tên gần gũi là chợ Na Mèo). Chợ chỉ diễn ra duy nhất vào ngày thứ 7 hằng tuần. Không khí buổi chợ đặc biệt hơn so với các phiên chợ vùng biên đó là thông qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, bà con các bản giáp biên của nước bạn Lào đã sang chợ mua bán, trao đổi hàng hóa từ rất sớm.
Các mặt hàng nông sản ở chợ phiên Na Mèo được bà con người Lào đem sang bán.
Còn với người Việt, lên chợ phiên Na Mèo, nhiều người thích thú qua Cửa khẩu Nậm Sôi, ghé thăm quán phở Lào của đôi vợ chồng người huyện Viêng Xay. Hai món đặc biệt của quán là phở Lào và nếp Lào chấm chẻo kèm món bia Lào thơm ngon. Ghé thăm chợ phiên Na Mèo với đặc sản của bà con dân tộc Mông, Thái ở Na Mèo, những hàng hóa của bà con dưới xuôi đem lên và những món ăn, hàng hóa đặc sản của bà con người Lào như rêu, măng rừng, cá nước, cam Lào... luôn mang đến nhiều điều thú vị.
Ngoài chợ phiên Na Mèo thì ở Quan Sơn còn có chợ Tam Thanh, chợ Sơn Thủy cũng là những chợ phiên thu hút bà con người Lào các bản giáp biên sang trao đổi, mua bán. Chợ vùng biên, không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động giao thương mà ở đó người dân được giao lưu, trò chuyện, gắn kết tình cảm hữu nghị, đoàn kết của người dân các bản giáp biên của hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-07-14 14:57:00
Người nặng lòng với nghề thêu của dân tộc Dao
Sản xuất rau, quả hữu cơ ở Lũng Cao
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên cho phép ông bà được nghỉ làm để trông cháu
Cùng nhau tiết kiệm
Bản tin Tài chính ngày 14/7: Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn khoảng 3 triệuđồng/lượng
Chấn động: Tuyên bố tìm thấy vị trí chính xác của máy bay MH370
Nghe núi sông kể chuyện
Khi doanh nghiệp muốn “xanh”
Bản tin Tài chính ngày 13/7: Vàng tiếp đà tăng mạnh
Đẩy mạnh phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”