(vhds.baothanhhoa.vn) - Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới với tên gọi Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa là mô hình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Chính phủ Việt Nam. Năm 2021, Thanh Hóa là địa phương thứ 2 của cả nước (sau Quảng Ninh) được tổ chức UNFPA và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) lựa chọn để xây dựng hoạt động thí điểm mô hình. Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 22/1/2022 do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa (Sở LĐTB&XH Thanh Hóa) quản lý và vận hành.

Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa: Địa chỉ tin cậy cho người bị bạo lực trên cơ sở giới

Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới với tên gọi Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa là mô hình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Chính phủ Việt Nam. Năm 2021, Thanh Hóa là địa phương thứ 2 của cả nước (sau Quảng Ninh) được tổ chức UNFPA và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) lựa chọn để xây dựng hoạt động thí điểm mô hình. Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 22/1/2022 do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa (Sở LĐTB&XH Thanh Hóa) quản lý và vận hành.

Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa: Địa chỉ tin cậy cho người bị bạo lực trên cơ sở giới

Nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa tư vấn cho người bị bạo hành trên cơ sở giới. Ảnh: T.N

Nơi gửi gắm “bình yên”

Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa là địa chỉ tạm lánh an toàn cho người bị bạo lực trên cơ sở giới (được bảo mật về địa chỉ). Ở đây người bị bạo lực được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm hỗ trợ các hoạt động như tư vấn, tham vấn, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng...

Anh Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Phòng Tư vấn và Chăm sóc đối tượng, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa là điều phối viên Ngôi nhà Ánh Dương cho biết: Sau 2 năm hoạt động, Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa đã tiếp nhận hỗ trợ tạm lánh an toàn, kết nối các dịch vụ như y tế, tư pháp, công an cho 33 người bị bạo lực trên cơ sở giới (trong đó có 12 trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực đi theo mẹ). Tổng đài tư vấn miễn phí 24/7 với đầu số 18001744 đã tiếp nhận 2.059 cuộc gọi trong đó có 588 cuộc gọi liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Hỗ trợ can thiệp khẩn cấp qua tổng đài và can thiệp tại cộng đồng cho 142 trường hợp.

Trong 2 năm (2022-2023), Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa đã phối hợp với Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH, UNFPA tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức 21 lớp tập huấn cho 635 cán bộ là cộng tác viên công tác xã hội, tư pháp, y tế tại 11 huyện trên địa bàn tỉnh về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp nhận từ UNFPA tại Việt Nam các ấn phẩm truyền thông với 20.000 tờ rơi, 700 mũ bảo hiểm, 900 chữ nổi Braile cho người khiếm thị giới thiệu về Tổng đài 18001744 và Ngôi nhà Ánh Dương...

Chia sẻ về những hoạt động và kỷ niệm khó quên khi là những người trực tiếp tham gia hoạt động mô hình Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa, anh Nguyễn Văn Phúc nói: Mỗi trường hợp gọi điện đến Tổng đài 18001744 và tìm kiếm sự hỗ trợ, kết nối từ Ngôi nhà Ánh Dương có hoàn cảnh, nghề nghiệp khác nhau. Họ bị người thân, chồng bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, có trường hợp bạo hành về tình dục. Trong số những trường hợp gọi điện đến tổng đài và để tìm kiếm sự trợ giúp khẩn cấp, tôi nhớ nhất trường hợp chị L.T.L. quê ở Triệu Sơn. Sau khi được hỗ trợ tạm lánh an toàn, kết nối các dịch vụ về y tế, tư pháp... chị L. đã vượt qua được những mặc cảm, vươn lên và giải quyết được những vấn đề của mình, hòa nhập cộng đồng và là cộng tác viên công tác xã hội hỗ trợ, kết nối các dịch vụ của Ngôi nhà Ánh Dương và Tổng đài 18001744 cho những người bị bạo hành như chị.

Chị L. cũng đã viết một bức thư xúc động, kể về hành trình mình bị bạo hành và biết đến Ngôi nhà Ánh Dương, đồng thời cảm ơn UNFPA về mô hình ý nghĩa cho những người bị bạo hành. Trong lá thư gửi và cảm ơn UNFPA có đoạn chị viết: “Tôi là một giáo viên đã về hưu, đã từng sống trong bóng tối của bạo lực gia đình. Trước khi đến với Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa, cuộc sống của tôi là chuỗi ngày dài sợ hãi và thường xuyên bị bạo lực, kể từ năm 1994 (sau 2 năm kết hôn). Chồng tôi thường xuyên uống rượu, cờ bạc, ngoại tình và đánh đập tôi ngay cả khi tôi mang thai. Tôi phải nhẫn nhịn và chịu đựng để gia đình yên ấm và nuôi dạy hai con trai. Đỉnh điểm là vào tháng 3/2022, khi chồng tôi chửi bới, đánh đập, phá đồ, đốt nhà và đòi giết tôi, tôi đã tìm đến Ngôi nhà Ánh Dương qua đường dây nóng 18001744 để được hỗ trợ. Tại đây, tôi được cung cấp chỗ ở an toàn, hỗ trợ tâm lý, pháp lý và các buổi tư vấn để giúp tôi vượt qua những tổn thương tinh thần và thể chất. Sau đó, tôi đã nộp đơn ly hôn. Hiện tại, tôi đang có cuộc sống hạnh phúc bên các con. Ngôi nhà Ánh Dương là một chương trình hết sức ý nghĩa mang lại ánh sáng, niềm tin, hy vọng mới cho những người bị bạo lực, trong đó có tôi”.

Chung tay hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới

Ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa, cho biết: Trung tâm hiện có 33 cán bộ, nhân viên, trong đó có 5 cán bộ, nhân viên phụ trách hoạt động mô hình Ngôi nhà Ánh Dương. Thời gian qua, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa luôn nhận được sự cam kết hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của UNFPA tại Việt Nam và sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ LĐTB&XH và các cơ quan, ban, ngành của địa phương, đặc biệt là Sở LĐTB&XH Thanh Hóa trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, kết nối các dịch vụ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Ngôi nhà Ánh Dương (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội) có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong công tác tư vấn, chăm sóc, trợ giúp đối tượng và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tính chủ động sáng tạo trong công tác hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới đến tạm lánh tại trung tâm và tại cộng đồng một cách kịp thời, hiệu quả nhất.

Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa được thành lập là địa chỉ tin cậy cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, phụ nữ và trẻ em gái bị mua bán trở về, không chỉ những người trên địa bàn của tỉnh Thanh Hóa mà có cả các tỉnh lân cận (đã tiếp nhận và hỗ trợ 2 người bị bạo lực trên cơ sở giới tại tỉnh Hà Tĩnh và Ninh Bình). Hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa đã được UNFPA tại Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, các sở, ban, ngành, địa phương ghi nhận về tính hiệu quả, tích cực và sự lan truyền. Đồng thời, thông qua hoạt động của mô hình đã huy động sự vào cuộc, sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc chung tay hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại tỉnh nhà. Những người bị bạo lực trên cơ sở giới sau khi đến tiếp cận các dịch vụ của Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa khi trở về cộng đồng đã trở thành một cộng tác viên công tác xã hội, một kênh thông tin hỗ trợ, kết nối cho người bị bạo lực biết đến Ngôi nhà Ánh Dương, Tổng đài 18001744.

Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa: Địa chỉ tin cậy cho người bị bạo lực trên cơ sở giới

Trung tâm Công tác xã hội Thanh Hóa phối hợp với UNFPA tại Việt Nam và Trung tâm CSAGA tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ y tế tại cộng đồng tại Thanh Hóa.

Tháng 3/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa có buổi làm việc với đại diện UNFPA tại Việt Nam về hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương, về những thuận lợi, khó khăn, đồng thời đề nghị UNFPA xem xét, hỗ trợ thêm kinh phí cho Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa, tổ chức các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức khác như: Tập huấn nâng cao năng lực, truyền hình, báo, đài, tờ rơi, các hội thi... cho đội ngũ cộng tác viên công tá xã hội và người dân tại cộng đồng biết được các hoạt động hỗ trợ của Ngôi nhà Ánh Dương; có cơ chế, chính sách, phân bổ kinh phí kịp thời để trung tâm tiếp tục duy trì các hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương khi dự án kết thúc giai đoạn hỗ trợ. Đồng thời tích hợp thêm các dịch vụ trợ giúp và mở rộng đối tượng phục vụ, thụ hưởng của mô hình trong đó có trẻ em, người cao tuổi yếu thế để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các sở, ban, ngành như y tế, tư pháp, công an... tăng cường phối hợp trong công tác kết nối các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, người bị mua bán trở về một cách kịp thời, hiệu quả nhất.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]