(vhds.baothanhhoa.vn) - 7 năm 18 chuyến vượt biển, đó là cả hành trình đầy gian nan nhưng rất đỗi vinh quanh của người cựu chiến binh Vũ Trung Tính quê ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn). Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, từ lúc nhập ngũ tháng 2-1964 đi huấn luyện tân binh ở Tiên Yên, Quảng Ninh đến khi nghỉ hưu năm 1991, có lẽ những chuyến vượt biển và giấc mơ chinh phục biển cả để đưa vũ khí vào chiến trường, khiến ông nhớ mãi khôn nguôi.

18 chuyến vượt biển

7 năm 18 chuyến vượt biển, đó là cả hành trình đầy gian nan nhưng rất đỗi vinh quanh của người cựu chiến binh Vũ Trung Tính quê ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn). Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, từ lúc nhập ngũ tháng 2-1964 đi huấn luyện tân binh ở Tiên Yên, Quảng Ninh đến khi nghỉ hưu năm 1991, có lẽ những chuyến vượt biển và giấc mơ chinh phục biển cả để đưa vũ khí vào chiến trường, khiến ông nhớ mãi khôn nguôi.

18 chuyến vượt biểnCựu chiến binh Vũ Trung Tính trân trọng, giữ gìn các Huân chương, Huy chương được tặng thưởng.

Ngay sau khi về Đoàn 125 được 2 tháng, tháng 6-1964, ông Vũ Trung Tính được đi chuyến vượt biển đầu tiên của tàu 42 đưa hàng vào mũi Cà Mau. Khi ấy ông là hàng hải số 1. Nhớ lại cảm xúc của chuyến đi đầu tiên, ông chẳng dấu lòng: “Chúng tôi lúc ấy là thanh niên miền Bắc lần đầu tiên xa nhà đi miền Nam. Dẫu biết rất có thể, ngày đi trước mắt mà không có ngày về, nhưng đó là nhiệm vụ của Tổ quốc giao phó cho thanh niên, chúng tôi hăng hái lên đường"...

Chuyến mở đường Hồ Chí Minh trên biển đầu tiên diễn ra ngày 23-10-1961 trên con tàu gỗ từ Nam ra Bắc để nhận và chuyển vũ khí về thành công. Giai đoạn 1961 - 1964 là thời kỳ vận chuyển hoàng kim với khối lượng lớn vũ khí được đưa vào chiến trường, không hề bị lộ. Nhưng tháng 2-1965, tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô, tỉnh Phú Yên, Mỹ tăng cường máy bay trinh sát của hải quân kiểm soát rada đối hải hoạt động 24/24h dọc bờ biển từ vĩ tuyến 17 đến Phú Quốc tìm cách bắt bằng được các tàu của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường vận chuyển chiến lược trên biển không còn giữ bí mật được, trước tình hình đó, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân chủng Hải quân giao Đoàn 125 nghiên cứu con đường mới- con đường ngoài hải phận Việt Nam, đi qua một số nước Đông Nam Á. Tháng 10-1965, tàu 42 được chọn đưa sang thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) để cải dạng thành một tàu đánh cá, giống như tàu đánh cá ngừ, hay một số tàu đánh cá của các nước Đông Nam Á, làm thêm các két dầu phụ, két nước phụ, lắp rada giả.

Ông Tính nhớ rất rõ: “Lúc đó hải đồ còn thiếu, chúng tôi phải dùng bản đồ báo bão khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, chúng tôi phải dùng phương pháp hàng hải thiên văn dựa vào mặt trời, mặt trăng, các vì sao để đo độ cao, giải những bài toán thiên văn xác định vị trí tàu trên cả một hải trình dài ngày. Đến những vùng biển lạ, đi công khai đòi hỏi hải đoàn phải có năng lực giỏi về hàng hải thiên văn. Nói đơn giản là mắt kém hoặc sóng lắc cũng sẽ bị sai lệch. Thời tiết xấu, không thấy được mặt trăng, mặt trời, hay vì sao, chúng tôi phải dùng phương pháp nhích dần thông qua việc điều chỉnh tốc độ, thời gian, rồi trừ đi độ dạt của gió và nước để tìm được đường đi. Nhiệm vụ chính của tàu 42 trong chuyến đi này là mở con đường mới trong giai đoạn mới sau sự kiện Vũng Rô; chở 60 tấn hàng trong đó có 4 quả thủy lôi MKb (mỗi quả nặng 1 tấn) và nắm tình hình địch trên bờ”.

Chuyến đi ấy đúng vào thời điểm gió mùa đông bắc, sóng to gió lớn, thời tiết xấu, tình huống gian nguy rất nhiều. “Tôi vẫn nhớ khi thuyền trưởng hội ý cấp ủy đưa ra 2 tình huống hoặc toàn tàu phải hy sinh, hoặc toàn tàu bị bắt sống. Tôi nảy ra một suy nghĩ: Chuyển hướng đi thẳng vào căn cứ quân sự Mỹ ở cảng Subic (Philippines) và cho một thủy thủ có mũi lõ giống Tây mặc bộ

comple kiểu công nhân nước ngoài ra mặt bong tàu ăn cam, ăn chuối, uống bia, hút thuốc lá thơm, ném lên cho thằng phi công Mỹ đang bay lượn trên nóc đài chỉ huy tàu 42 vỗ tay hoan hô, vẫy chào người bạn Mỹ. Chuyến ấy, tàu 42 phải thực hiện đi qua hải phận của 6 nước, đi vì thành công, đồng nghĩa sau 8 tháng chúng ta đã đưa được vũ khí vào chiến trường, mở những chiến dịch lớn mang theo nhiều vũ khí và tấm lòng miền Bắc, hậu phương lớn đến với tiền tuyến để cùng đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Chuyến đi tái mở đường này đã mở ra cơ hội và kế hoạch cho những con tàu tiếp theo vượt biển như tàu 68, 69, 100”..., ông Tính nhớ lại.

Bồi hồi, ông nói: “Chuyến đi ấy 19 người, đến nay chỉ 7 người còn sống. Thế hệ chúng tôi giờ hầu hết đã ngoài 80 tuổi, nhiều câu chuyện đôi khi bị lãng quên nhưng những ký ức hễ nhắc lại là không thể kìm được nước mắt. Nước mắt của những năm tháng tuổi trẻ đầy tự hào và ý nghĩa”. 18 chuyến đi (ngoài 14 chuyến cùng tàu 42, còn có 3 chuyến đi tàu 154, và 1 chuyến trinh sát 25 ngày với tàu 525). Ông nhớ lại, tháng 9-1969, cả nước chìm trong nỗi buồn vì sự ra đi của Hồ Chủ tịch. Lại thêm từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến tháng 9-1969, không một chuyến đi nào thành công vì hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và Hải quân Sài Gòn hoạt động ráo riết trên biển Đông với mục tiêu ngăn chặn sự chi viện bằng đường biển từ miền Bắc vào. Trung tuần tháng 9-1969, ông Tính nhận nhiệm vụ đi chuyến đặc biệt vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời điểm đó, đường bộ chỉ mới vận chuyển vũ khí vào được đến Quân khu 5, trong khi Quân khu 7, Quân khu 9 thiếu vũ khí trầm trọng. Chuyến đi ấy gồm nhiều thành viên nhất của tàu 154 với con số là 19 người. Đúng 19h ngày 17-9-1969, tàu được lệnh xuất phát từ cảng Vạn Hoa, Vân Đồn, Quảng Ninh để vào bến Vàm Hồ, Cà Mau. Trong 5 ngày, tàu đã đi qua hải phận của 4 nước là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia. Chuyến đi thành công hơn cả sự mong đợi, tàu 154 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chở được 60 tấn vũ khí. Tàu cập bến, mọi người sung sướng, ôm nhau trào nước mắt. Đó là chuyến đi đặc biệt trong thời khắc đặc biệt khó khăn, gian khổ luôn đối mặt với kẻ thù giữa cái sống và cái chết trong gang tấc.

Với đóng góp của ông và rất nhiều đồng đội, tàu 42 và tàu 154 được tuyên dương Anh hùng ngay đợt đầu của Đoàn 125. Đã gần 60 năm kể từ ngày ông nhập ngũ, những tháng năm hào hùng không chỉ là nhiệt huyết một thời tuổi trẻ, mà còn là niềm tự hào để ông luôn nỗ lực sống và cống hiến. Không chỉ có chiến công, Trung tá Vũ Trung Tính còn được đồng đội, anh em bạn bè nể phục về lối sống và phong cách người lính. Ông có 3 người con, 1 trai, 2 gái. Chỉ duy nhất cô con gái sống gần ông bà, công tác tại trạm y tế phường; 2 người còn lại ở xa nhưng kinh tế rất khá. Ông tâm sự: “Nhìn vợ chồng tôi lọ mọ với cửa hàng bán lưới vó và các dụng cụ đi biển, nhiều người nói tôi cả đời vất vả rồi, giờ nghỉ ngơi thôi. Nhưng quan điểm của tôi, Nhà nước khuyến khích xây dựng xã hội học tập, tôi nghĩ cần thiết phải xây dựng xã hội làm việc. Chúng tôi đã già, nhưng không thể sáng chiều chơi cờ, chơi bài, hơn hết, chúng tôi còn phải là tấm gương cho các thế hệ sau. Già cũng cần phải sống, phải ăn, phải quan tâm đến người thân và đồng đội, nên lao động là đương nhiên, là vinh quang”.

Người cựu chiến binh năm xưa, dù đôi chân đã yếu, đã mỏi nhưng về quê nhà ông đã từng làm Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh, Trưởng ban Liên lạc Truyền thống Hải quân huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Và hiện nay ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Những ngày này, cứ đến dịp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghĩ về bè bạn ông không thể không bồi hồi. Biết bao con người trực tiếp chiến đấu, chứng kiến những thời khắc lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, họ có thể đã ra đi, nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ, sự kiên trung vì Tổ quốc, vì Nhân dân, những trái tim như ngọc sáng ngời ấy sẽ mãi được nhắc đến, không bao giờ quên.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]