(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những người lính trở về từ chiến trường với bệnh tật hành hạ, những đứa trẻ được sinh ra với bao khiếm khuyết, dị tật, ngu ngơ do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học điôxin trong chiến tranh. Nỗi đau da cam vẫn từng ngày bủa vây, ám ảnh những con người bất hạnh. Với họ, ước mơ đơn giản đến nao lòng cũng là chuyện quá đỗi xa xôi!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ám ảnh những nỗi đau da cam

(VH&ĐS) Những người lính trở về từ chiến trường với bệnh tật hành hạ, những đứa trẻ được sinh ra với bao khiếm khuyết, dị tật, ngu ngơ do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học điôxin trong chiến tranh. Nỗi đau da cam vẫn từng ngày bủa vây, ám ảnh những con người bất hạnh. Với họ, ước mơ đơn giản đến nao lòng cũng là chuyện quá đỗi xa xôi!

Chúng tôi tìm đến thôn Ngọc Trà 1, xã Quảng Trung (Quảng Xương) và chẳng mấy khó khăn để hỏi về gia đình bác Lê Đình Dễnh - một hộ đặc biệt. Căn nhà ngói mới được tu sửa khá sạch sẽ với mảnh vườn rộng trồng các loại rau xanh mướt mắt. Những tưởng cuộc sống nơi thôn quê như vậy cũng tạm gọi là ổn định. Nhưng ở căn nhà này, suốt 34 năm qua, mọi thứ chưa bao giờ là dễ dàng.

Bốn cô con gái của gia đình bác Dễnh lần lượt xuất hiện khi thấy có người lạ đến nhà. Dù đã được người bạn đi cùng nói trước về hoàn cảnh của các em nhưng tôi vẫn không thể giấu được cảm giác sốc để rồi lén nén tiếng thở dài thương cảm. Cả bốn chị em Thơm, Thu, Thêm, Gái với cùng tạng người gầy yếu, xanh xao, mang gương mặt hao hao tương đồng mà người bình thường nhìn vào có thể nhận thấy ngay sự bất thường. Quả là vậy, bác sĩ nói rằng, bốn người con gái của gia đình bác Dễnh đều bị nhiễm chất độc da cam từ bố mình.

Ở tuổi ngoài 60 với bệnh hen khó thở hành hạ mỗi ngày, cựu binh Lê Đình Dễnh kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống bất hạnh của mình. Năm 1972 bác vào chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, rồi biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trở về sau 11 năm quân ngũ, đối mặt với khói lửa đạn bom, niềm vui như vỡ òa khi người vợ thân yêu hạ sinh đứa con gái đầu lòng Lê Thị Thơm. Trong lòng người cựu binh lúc đó dấy lên hình ảnh cuộc sống yên bình, vợ chồng cùng chăm chỉ làm việc để nuôi dạy con cái thật tốt, sống cuộc đời bình dị. Nhưng khi niềm vui vỡ òa cũng lại chính là lúc đau thương ập đến. Vợ chồng bác nhanh chóng nhận ra sự khác biệt theo chiều hướng xấu của đứa trẻ qua mỗi ngày chăm sóc. Đứa trẻ lên 5 tuổi mới chập chững với những bước đi chưa vững cùng gương mặt không mấy ưa nhìn. Rồi sau đó, ba người em của Thơm lại lần lượt ra đời với biết bao hy vọng. Nhưng nỗi đau da cam cứ nối tiếp nhau phủ bóng lên gia đình nhỏ.

Cả bốn người con gái của gia đình bác Lê Đình Dễnh đều chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Bác Dễnh tâm sự: “Cứ nghĩ con gái đầu bị dị tật bẩm sinh, trường hợp này có thấy ở một số nơi nên nghĩ đẻ đứa sau sẽ bình thường. Khi đó đâu có biết chất độc da cam là gì. Ai lại ngờ con bị như vậy là... tại mình”. Câu nói chua chát buông rơi đầy bất lực trên khóe môi người cha khiến người nghe không khỏi nhói lòng.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. “Cuộc chiến” nuôi con nhiễm chất độc da cam của vợ chồng bác Dễnh mấy người có thể thấu hết. Các con dù có lớn nhưng lại chẳng thể khôn, mọi cư xử, hành động, ý thức vẫn mãi chỉ như đứa trẻ lên ba: Ngu ngơ, ngờ nghệch. Đến chuyện vệ sinh cá nhân hàng ngày các em cũng không thể tự chủ.

Đau đớn hơn, mắt của cả bốn chị em gần như bất lực khi trời xẩm tối. Bởi vậy, ở gia đình bác suốt hơn 30 năm qua bữa cơm chiều luôn phải kết thúc trước 5 giờ khi trời còn sáng. Sau khoảng thời gian đó, đôi mắt các em như bất lực trước bóng tối, ngay cả khi có thắp đèn. Và cũng hơn 30 năm qua, chưa đêm nào hai vợ chồng bác được ngủ một giấc trọn vẹn khi luôn phải thay phiên nhau trở dậy thăm nom, trông chừng các con đề phòng chuyện chẳng may.

Bác Dễnh chia sẻ: “Ở tuổi này người ta có con dâu, con rể, cháu chắt vui vầy cuộc sống về già, còn con mình lúc nào cũng như đứa trẻ. Mình còn khỏe ngày nào thì mình nuôi con nhưng khi mình ốm đau, bệnh tật biết lấy ai... chăm con. Chỉ ước có phép màu nhiệm, để chị em nó biết nhận thức, biết tự chăm sóc bản thân... nhưng hơn 30 năm rồi, phép màu vẫn không xuất hiện”. Thì ra có những điều ước tưởng giản đơn mà lại xa vời vợi, khó khăn đến vậy!

Giữa lòng TP Thanh Hóa sầm uất nhưng căn nhà nhỏ của gia đình bác Ngô Hữu Tính (phố Tôn Thất Tùng, phường Đông Thọ) gần 30 năm nay vẫn luôn lặng lẽ, trầm buồn bởi ảnh hưởng của chất độc da cam. Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam phường Đông Thọ cho biết: Chẳng biết có phải ảnh hưởng của chất độc da cam không nhưng mấy năm nay bác Tính không còn minh mẫn nữa, nhất là từ khi bác gái mất thì bệnh của bác lại càng nặng. Nhưng đáng thương nhất là người con gái đầu của nhà bác, chị Ngô Thị Tình, do ảnh hưởng chất độc da cam từ cha mình nên gần 30 năm nay chị bị liệt, phải ngồi một chỗ và người lần đầu gặp thật khó có thể đoán rằng chị đã ngoài 40 tuổi.

Chị Tình cho biết: Từ nhỏ mình đã yếu hơn bạn bè cùng trang lứa, đi lại, di chuyển khó khăn. Học xong cấp ba thì bị liệt phải ngồi một chỗ. Cùng với đó là vô số những u cục quái ác cứ ngày một lớn lên trong cơ thể chị không rõ nguyên nhân. Vừa nói chị vừa cho chúng tôi xem một khối u dưới cánh tay.

Chị chua chát: Bác sĩ có nói khi nào những u cục đó bị vỡ ra thì điều tồi tệ sẽ xảy đến! Căn nhà nhỏ càng vắng tiếng cười hơn khi mẹ chị mất. Cuộc sống sinh hoạt của người cha già và cô con gái nhiễm chất độc da cam phải nhờ vào sự giúp đỡ của người giúp việc. Trong cuộc trò chuyện, ánh mắt chị luôn hướng về khoảng không gian ánh sáng phía trước cửa nhà. Hình như, đã lâu rồi chị không ra ngoài đó!

Chia tay gia đình bác Dễnh, chị Tình, tôi lại nghĩ nhiều về ước mơ của những con người bất hạnh khi phải gián tiếp gánh chịu hậu quả tàn ác của chiến tranh. Những nỗi đau, chẳng biết khi nào mới dứt!

Thu Trang

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 14.216 người hưởng chế độ chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Trong đó có 8.432 nạn nhân trực tiếp, 5.784 nạn nhân gián tiếp và 1.622 nạn nhân ở thế hệ thứ ba chịu ảnh hưởng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]