(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn từng ngày, mặc dù đến nay Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng chưa ghi nhận thiệt hại về người, thế nhưng tác động của dịch bệnh với nền kinh tế, xã hội thì vô cùng to lớn. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh lao đao, nhiều ngành nghề ngưng trệ... Xót xa hơn khi những phận người là lao động tự do, người có thu nhập thấp mất việc, mất nguồn thu đang phải “gồng mình” từng ngày để vượt qua “bão dịch”. Để ổn định xã hội, tương trợ những người nghèo, người có thu nhập thấp thì gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ đang nhận được những đánh giá cao, tích cực và đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ấm lòng người nghèo giữa đại dịch Covid-19

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn từng ngày, mặc dù đến nay Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng chưa ghi nhận thiệt hại về người, thế nhưng tác động của dịch bệnh với nền kinh tế, xã hội thì vô cùng to lớn. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh lao đao, nhiều ngành nghề ngưng trệ... Xót xa hơn khi những phận người là lao động tự do, người có thu nhập thấp mất việc, mất nguồn thu đang phải “gồng mình” từng ngày để vượt qua “bão dịch”. Để ổn định xã hội, tương trợ những người nghèo, người có thu nhập thấp thì gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ đang nhận được những đánh giá cao, tích cực và đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Gồng mình qua cơn “bão dịch”

Ngày 23/4, sau Công điện số 11 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép mở rộng một số hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhịp sống trở lại với nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ như cà phê, gội đầu, cắt tóc, hàng ăn uống... Nhiều phận người là những lao động tự do, những người có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã nhanh chóng bắt nhịp trở lại. Tuy nhiên, những tác động, ảnh hưởng từ dịch bệnh đã, đang khiến cho cuộc sống, ngành nghề kinh doanh của người dân gặp vô vàn khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - bán bánh mì trên con hẻm nhỏ đường Hạc Thành (phường Tân Sơn) hãy còn chưa hết lo lắng sau những ngày phải đóng cửa không có nguồn thu nhập. Nhà có 5 nhân khẩu, 2 vợ chồng chị là lao động chính. Chị bán bánh mì ăn sáng nơi hẻm phố, chồng chạy xe ôm tằn tịu nuôi 3 con đang tuổi ăn học. Dịch bệnh khiến hai vợ chồng thất nghiệp. Không có nguồn thu nhập, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Kể từ khi có Công điện số 11 của Chủ tịch UBND tỉnh cho phép mở rộng một số hoạt động trên địa bàn tỉnh, vợ chồng chị Hạnh đã đi làm trở lại. Tuy nhiên, những ngày mưu sinh khi dịch dã vẫn chưa dứt gần như không cho vợ chồng anh chị thu nhập.

Trong khi đó, trường hợp gia đình anh Đỗ Xuân Chiến, xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân) cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Anh Chiến là lao động tự do, lại là lao động chính trong gia đình nên nghỉ việc đồng nghĩa với việc mất nguồn thu. “Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, công việc của anh cũng trở nên khó khăn hơn, thu nhập sụt giảm. Sau lệnh cách ly, gia đình gần như không còn khoản thu nào khác. Giờ đây được đi làm trở lại nhưng làm cũng không đủ ăn, do dịch bệnh vẫn hoành hành” - anh Chiến lo lắng.

Đồng cảnh ngộ, gia đình thương binh Lê Thiên Lộc (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) có tới 3 lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh là vợ anh là bà Bùi Thị Cúc và 2 người con là Lê Thị Thoa và Lê Thiên Thọ đang làm tự do tại Hà Nội. Cháu Thoa cho biết, kể từ khi dịch xuất hiện 2 chị em phải nghỉ làm ở Hà Nội để về nhà phòng tránh dịch. Nghỉ làm về quê đồng nghĩa với việc không lương. Về quê, mẹ già cũng phải nghỉ hàng quán ngoài chợ, bố thương binh bệnh tật không làm được gì, gánh nặng cơm áo lại dồn lên đôi vai bố mẹ vốn đã khó khăn.

Bà Bùi Thị Cúc vợ thương binh Lê Thiên Lộc (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) phải nghỉ làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Còn đó nhiều cảnh đời, nhiều số phận là các lao động tự do, người có thu nhập thấp gặp khó khăn. Mặc dù, nhiều tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm, sinh viên các trường đại học đã có nhiều hình thức quyên góp hỗ trợ về tiền mặt, cấp phát gạo... Tuy nhiên, cũng không thể giải quyết hết được sự ảnh hưởng toàn diện của dịch bệnh. Có lẽ, tâm tư, nguyện vọng và mong mỏi lớn nhất của vợ chồng chị Hạnh, anh Trường, anh Chiến cũng như gia đình thương binh Lê Thiên Lộc lúc này chính là gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 42/NQ-CP.

Thương binh Lê Thiên Lộc bộc bạch: “Dù mỗi đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh được thụ hưởng không thể bù đắp hết được những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng phần nào, qua gói hỗ trợ từ Chính phủ đã giúp cho những người lao động tự do, người có thu nhập thấp có thêm động lực để vực dậy, tin yêu hơn khi song hành với khó khăn vất vả của người dân còn có Đảng, Chính phủ”.

Để gói hỗ trợ sớm đến với người dân

Theo tìm hiểu được biết, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, các địa phương nỗ lực ra quân tiến hành rà soát, lập danh sách. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, việc xác định các đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội của Chính phủ bên cạnh những thuận lợi như: Đối với đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, đối tượng người bảo trợ xã hội là thuận lợi trong việc rà soát. Bởi các địa phương đã có danh sách quản lý, chỉ phải rà soát các biến động hoặc chia tách một đối tượng cùng lúc thụ hưởng nhiều chính sách. Riêng việc rà soát, xác định người lao động theo chế độ hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương, người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do không có giao kết hợp đồng, hộ kinh doanh, cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh... gặp rất nhiều khó khăn nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Nhiều người nghèo, người lao động thu nhập thấp mong mỏi chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Tìm về xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân) chính quyền địa phương sau khi nhận được sự chỉ đạo của cấp, ngành chức năng đã thành lập 2 đoàn công tác phối hợp với các thôn để rà soát các hộ kinh doanh cá thể và những lao động mất việc do tác động của dịch Covid-19 để lập danh sách. Tuy nhiên, dù nỗ lực để sớm có danh sách đầy đủ, chính xác nhất, song với đối tượng là lao động tự do quá trình rà soát gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương cho rằng, huyện đang gặp khó trong việc rà soát, thẩm định về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với số lao động tự do. Trường hợp các đối tượng về nhà thì địa phương đã theo dõi, rà soát nhưng hiện nay vẫn còn một số đối tượng đang làm ăn xa chưa về, chưa nắm bắt được thông tin mất việc hay đang có việc làm...

Ông Trịnh Ngọc Dũng - Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang hướng dẫn các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp chính sách của Nhà nước quy định. Đối với các đối tượng ngành đang quản lý, hưởng chính sách chi trả trợ cấp xã hội hiện nay như hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công đã dự kiến gói hỗ trợ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là các đối tượng lao động tự do, lao động tạm mất việc làm, các hộ kinh doanh thu nhập thấp. Rất kịp thời khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây sẽ là cơ sở cho việc rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP một cách nhanh chóng, kịp thời”.

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng sẽ có khoảng 20 triệu người yếu thế được thụ hưởng bao gồm: người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]