(vhds.baothanhhoa.vn) - Một lần ghé thăm thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa chúng tôi được người dân giới thiệu về trang trại nuôi chim đà điểu của gia đình bà Phùng Thị Ngọ, giáo viên về hưu, cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm. Tận mắt chứng kiến đàn đà điểu với hàng trăm con lớn nhỏ, cùng hệ thống chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, ít ai biết rằng để có được ngày hôm nay bà Ngọ cùng chồng đã vất vả bôn ba khắp nơi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi, chăm sóc giống "chim khổng lồ” này.

Bà giáo về hưu làm giàu từ mô hình nuôi “chim khổng lồ”

Một lần ghé thăm thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa chúng tôi được người dân giới thiệu về trang trại nuôi chim đà điểu của gia đình bà Phùng Thị Ngọ, giáo viên về hưu, cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm. Tận mắt chứng kiến đàn đà điểu với hàng trăm con lớn nhỏ, cùng hệ thống chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, ít ai biết rằng để có được ngày hôm nay bà Ngọ cùng chồng đã vất vả bôn ba khắp nơi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi, chăm sóc giống "chim khổng lồ” này.

Bà giáo về hưu làm giàu từ mô hình nuôi “chim khổng lồ”Bà Phùng Thị Ngọ, chủ trang trại chăn nuôi đà điểu.

Trang trại nuôi chim đà điểu của gia đình bà Ngọ (tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa) trước đây là khu đất đồng chiêm trũng. Vừa trộn thức ăn cho chim, bà Ngọ vừa kể về câu chuyện làm giàu từ mô hình nuôi chim đà điểu. Bà cho biết, năm 2015 tình cờ xem thông tin trên truyền hình người dân một số tỉnh nuôi đà điểu rất nhiều, rồi qua sách báo thấy nuôi loài chim này cũng dễ, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế lại cao, bà khăn gói ra tận Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Ba Vì, Hà Nội) học kỹ thuật chăm sóc loài chim này. Sau đó bà mua 36 con đà điểu giống châu Phi với giá 1,5 triệu đồng/con về nuôi. Đến nay, trang trại có quy mô 2 khu, với tổng diện tích hơn 6 ha, cùng 3 lò ấp trứng đà điểu.

Chia sẻ về cách chăm sóc chim đà điểu, bà Ngọ cho hay: Đây là loài chim phát triển tốt trong môi trường tự nhiên có thói quen sống trên sa mạc, thường xuyên tắm cát để loại bỏ ký sinh trùng trên da và cơ thể. Vì vậy, tôi phải thiết kế khu vực chuồng trại rộng rãi, thoáng đãng, giúp chim chạy nhảy thoải mái, đồng thời phải lót đệm cát.Thức ăn chủ yếu của đà điểu là bèo tây, cỏ, các phế phẩm nông nghiệp khác, trộn cùng cám gạo, ngô. Đà điểu càng lớn thì càng giảm lượng thức ăn tinh như cám, thay vào đó sẽ tăng thêm rau cỏ. Cách phòng dịch cho đà điểu cũng giống phòng dịch cho gà, khi phát triển đến 10kg thì không cần tiêm phòng dịch.

Bà giáo về hưu làm giàu từ mô hình nuôi “chim khổng lồ”Đà điểu đạt từ 80 - 90kg có thể xuất bán.

Theo bà Ngọ, thời kỳ đẻ trứng của đà điểu từ tháng 12 năm trước kéo dài đến tháng 9 năm sau, mỗi con có thể đẻ 30 – 40 quả/năm. Thông thường, khi đà điểu đạt trọng lượng trên 80kg có thể bán, giá dao động trong khoảng 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm trang trại xuất bán 20 – 30 tấn thịt. Ngoài thịt thương phẩm, bà Ngọ còn bán giống, mỗi con 7 ngày tuổi giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Trứng đà điểu có giá 200.000 đồng/quả. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 lao động. Thịt đà điểu có hàm lượng dinh dưỡng cao, tuy nhiên do là loài vật nuôi mới, nên nhiều người dân chưa biết sử dụng, chế biến món ăn hàng ngày.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa Hoàng Bình Thủy cho biết: Thành công từ trang trại chăn nuôi đà điểu của vợ chồng bà Phùng Thị Ngọ minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Đây là mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thu nhập cao, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]