(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện tôn chỉ, mục đích, các cơ quan báo chí ở Thanh Hóa đã và đang đóng góp tích cực xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, công bằng, văn minh. Nhiều cơ quan báo chí, phóng viên, người làm báo còn tích cực trong công tác từ thiện xã hội, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Báo chí đồng hành với cộng đồng, xã hội

Thực hiện tôn chỉ, mục đích, các cơ quan báo chí ở Thanh Hóa đã và đang đóng góp tích cực xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, công bằng, văn minh. Nhiều cơ quan báo chí, phóng viên, người làm báo còn tích cực trong công tác từ thiện xã hội, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Tấm lòng nhà báo

Trong thời gian qua, nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã trao tận tay người nghèo, hoàn cảnh khó khăn những món quà ý nghĩa; hoặc giúp những mảnh đời bất hạnh tìm thấy “tấm lòng vàng”.

Kết nối những tấm lòng

Song hành với thực hiện tốt công tác chuyên môn, nhiều năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn Thanh Hóa còn thực hiện nghĩa cử cao đẹp, đó là đồng hành với người nghèo, thực hiện tốt các chương trình xã hội từ thiện, giúp hàng trăm, hàng nghìn những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Các chương trình, chuyên mục, như “Nhịp cầu nhân ái” của Báo Văn hóa & Đời sống; “Vì người nghèo”, “Nâng cánh ước mơ” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; “Quỹ tấm lòng vàng” của Báo Thanh Hóa... đã tìm và thắp sáng những mảnh đời bất hạnh; gieo niềm tin, nghị lực cho học sinh nghèo; hỗ trợ kịp thời cho người bệnh tiền thuốc chữa trị; xây hàng trăm ngôi nhà cho người nghèo, gia đình chính sách; mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến người yếu thế trong xã hội.

Lãnh đạo huyện Thường Xuân và đại diện Báo Văn hóa & Đời sống cùng nhà tài trợ trao quà cho các em học sinh nghèo vượt khó năm học 2017 - 2018.

Ông Phạm Văn Báu - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa cho biết: “Qua 5 năm phát sóng chương trình “Vì người nghèo” đã vận động được hàng chục tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 300 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách được xây mới, tu sửa nhà cửa, sắm thêm đồ dùng thiết yếu, nâng cao đời sống vật chất cho các hộ dân. Còn chương trình “Nâng cánh ước mơ”, hàng năm đều hỗ trợ học bổng cho 150 - 200 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học đại học, nhiều em sau khi ra trường tìm được việc làm thu nhập cao”.

Được biết, tới đây Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa sẽ đổi mới Format chương trình “Vì người nghèo” thành “Cần lắm những tấm lòng”, tiếp tục thông tin đến khán giả, nhà hảo tâm những cảnh đời cần được giúp đỡ, sẻ chia.

Ông Ngô Văn Tự - Phó Tổng biên tập Báo Thanh Hóa, chia sẻ: “Thấu hiểu cuộc sống của người dân còn nghèo khó, báo chí xây nên chiếc cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến với người nghèo, mang niềm vui, động lực đến cho họ và hạnh phúc khi được sẻ chia. Với phương châm đó, Quỹ tấm lòng vàng của Báo Thanh Hóa qua hơn 15 năm hoạt động, phối hợp cùng các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã hỗ trợ xây mới nhà cửa, tiền viện phí, trao học bổng, trang thiết bị học tập... cho hàng trăm hộ gia đình nghèo, học sinh nghèo vượt khó, với trị giá hàng tỷ đồng”.

Nhìn chồng thư cảm ơn của hộ gia đình, phụ huynh gửi đến Phòng Bạn đọc - Báo Thanh Hóa, hiểu rằng báo chí đã và đang tham gia rất tốt công tác từ thiện xã hội.

Nhà báo, nhà từ thiện thầm lặng

Vụ bé Vũ Quốc Linh (SN 2008), quê xã Tế Tân, huyện Nông Cống bị bố đẻ tẩm xăng đốt khiến nhiều người đau đớn, xót xa. Ngay khi sự việc xảy ra, phóng viên, người làm báo ở Thanh Hóa đã nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ, cùng các nhà hảo tâm chạy chữa cho bé Linh. Số tiền cùng với tấm lòng của mọi người đã giúp bé và gia đình vượt qua hàng chục cuộc phẫu thuật, trong đó có 4 lần bé được tài trợ sang Hàn Quốc phẫu thuật kéo da, tạo ngón tay và cấy tế bào gốc vào mặt. Hiện, Linh đã là học sinh lớp 4, học rất giỏi và hòa đồng cùng bạn bè. Dù nỗi đau vẫn còn đó, nhưng nhờ những tấm lòng vàng mà nụ cười vẫn nở trên môi em và tương lai của em vẫn sáng ngời phía trước.

Cứ thế, cùng với nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày, những người làm báo ở Thanh Hóa đã âm thầm bền bỉ, trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện và cộng đồng. Với “cái đầu sáng và trái tim ấm”, họ đã khiến xã hội thêm trân trọng nghề nghiệp của mình.

Đặc biệt là hoạt động của Đoàn thanh niên tại các cơ quan báo chí, với nhiệt tâm tuổi trẻ, cứ đến mỗi năm học mới đã đứng ra kêu gọi, kết nối các tổ chức nhằm giúp đỡ các em học sinh nghèo, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số. Như Đoàn Thanh niên Báo Văn hóa & Đời sống đã trao quà và 60 suất học bổng, trị giá 50 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó ở huyện miền núi Thường Xuân, TP Thanh Hóa; Đoàn Thanh niên Báo Thanh Hóa tặng quà, học bổng trị giá gần 40 triệu đồng cho học sinh xã Sơn Điện, Quan Sơn...

Bên cạnh đó còn có không ít cán bộ, phóng viên, biên tập viên, họa sĩ trình bày... vẫn thường xuyên trực tiếp đóng góp giúp những hoàn cảnh khó khăn đăng trên các chuyên mục. Có người tự đứng ra quyên góp quần áo, sách vở... gửi lên cho học sinh vùng cao. Có người nhẫn nại trình bày hoàn cảnh của một bệnh nhi hiểm nghèo, thuyết phục sự chung tay của các tổ chức từ thiện, tự mình tìm bác sỹ chuyên khoa để mang bé đi khám và điều trị...

Còn nhiều, rất nhiều những tấm lòng như thế. Đó không chỉ là san sẻ tình thương với những mảnh đời khó khăn mà còn là lẽ sống của những người làm báo.

Vân Anh

Phóng viên thường trú Báo Dân trí tại Thanh Hóa từ năm 2009 đến nay đã kêu gọi giúp đỡ được 239 trường hợp, với tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng. Mới đây nhất phóng viên Nguyễn Thị Thùy đã kêu gọi thành công cho em Lê Trung Tuấn (thị trấn Bến Sung, Như Thanh) bị u loạn sản sinh xương với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, và em được tài trợ đi nước ngoài phẫu thuật thành công. Thông qua Văn phòng thường trú tại Thanh Hóa, trong năm 2017 Báo Thanh niên đã hỗ trợ 85 triệu đồng cho gia đình có người chết do mưa lũ năm 2017; hỗ trợ 20 triệu đồng cho gia đình sinh viên Hoàng Đức Hải (Tĩnh Gia); kêu gọi cộng đồng giúp đỡ trên 60 triệu đồng cho cô giáo Tào Thị Thảo; đầu năm 2018, bàn giao 40 ngôi nhà trị giá 4 tỷ đồng cho 40 hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lũ năm 2017. Văn phòng thường trú Báo Công Lý tại Thanh Hóa trong năm 2017 đã hỗ trợ 14 hộ dân xã Yên Khương, Lang Chánh bị ảnh hưởng do bão lụt, tổng số tiền 28 triệu đồng; hỗ trợ 30 triệu đồng cho chương trình Đông ấm xứ Thanh, số tiền từ việc bán đấu giá chiếc áo thủ môn Bùi Tiến Dũng. (P.V)

Đồng hành trong công tác đảm bảo TTATGT

Nhiều năm liền, Thanh Hóa đều đạt được mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông từ 5 - 10%. Góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu trên không thể không nói tới vai trò của báo chí xứ Thanh.

Khi nói tới vai trò của báo chí Thanh Hóa trong công tác tuyên truyền đảm bảo TTATGT, ông Vũ Hoàng Linh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã thể hiện tốt vai trò trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông. Ngoài truyền tải thông tin, báo chí còn cung cấp cho bạn đọc những quy định của pháp luật, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Những thông tin mang tính chất cảnh báo, răn đe về sự nguy hiểm khi người tham gia giao thông hay những thông tin về kỹ năng, những tấm gương tốt được báo chí chuyển tải kịp thời có ý nghĩa rất lớn. Cùng với đó, vai trò của báo chí còn thể hiện ở khía cạnh khác là tiếp nhận phản hồi của người dân về những quy định của pháp luật còn bất cập, công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ công chức, người thực thi nhiệm vụ chưa đúng. Báo chí cũng là kênh tiếp nhận, biểu dương, cổ vũ kịp thời những gương người tốt việc tốt, những hành động đẹp, hy sinh vì cộng đồng khi tham gia giao thông.

CSGT kiểm tra xe chở khách.

Thông qua nguồn tin của các cơ quan báo chí phản ánh đã giúp Ban ATGT có nhận xét đánh giá về chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt đối với các ngành, lực lượng: công an, giao thông và các địa phương trong tỉnh đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không. Trong quá trình thực hiện, có sự tương tác phối hợp thông tin kịp thời để các cơ quan truyền thông nắm bắt được tình hình cụ thể từ các nguồn tin từ Ban ATGT cung cấp để định hướng dư luận. Vận động nhân dân nghiêm túc chấp hành luật khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên trong thực tiễn, ý thức người dân chưa cao, công tác quản lý, người thực thi công vụ ở một số địa phương, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm của mình. Vì vậy, đảm bảo TTATGT, giảm thiểu TNGT từ 5 - 10%, như mục tiêu của tỉnh đặt ra, trong thời gian tới các cơ quan truyền thông, nhất là cơ quan báo chí trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời tình hình TTATGT; đi sâu đi sát để phát hiện những vụ việc, các vấn đề giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng không phản ánh, đưa lên các phương tiện truyền thông để mọi người dân được biết. Qua đó, người dân sẽ nắm bắt được và có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo TTATGT. Đặc biệt, cần quan tâm coi trọng tuyên truyền ATGT khu vực nông thôn. Bởi, thực tế hiện nay, ở khu vực nông thôn phương tiện gia tăng, nhu cầu đi lại rất cao trong khi đó, ý thức chấp hành luật của đại bộ phận người dân ở khu vực này còn rất hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao.

Minh Lý

Trên “mặt trận” xây dựng NTM

Cùng với quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh KT-XH, diện mạo nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa đã có bước phát triển khá toàn diện. Đạt được kết quả đó, có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí và những người làm báo.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, triển khai thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM, đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, việc tuyên truyền nêu gương điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất làm đường giao thông đã phát huy hiệu quả khi ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. Báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân thông qua việc phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng của người dân về những bất cập, những vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM.

Ông Trịnh Xuân Quý - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Định, cho rằng: Thời gian qua, các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình... đã đồng hành cùng huyện trong suốt cả quá trình xây dựng NTM. Câu chuyện xây dựng NTM không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực không ngừng. Nhờ công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, đã tạo được sự đồng thuận từ trong nhân dân đến tập thể cán bộ đảng viên trên địa bàn huyện để có kết quả được như ngày hôm nay.

Thời gian qua, để có thể nắm bắt thông tin, kịp thời phản ánh, đưa tin, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức một cách bài bản, có hệ thống, kịp thời tuyên truyền xây dựng NTM; kịp thời cập nhật, chuyển tải những thông tin về tiến độ thực hiện quy hoạch, đề án phát triển sản xuất, hiến đất, kinh nghiệm huy động các nguồn lực, chuyển đổi cơ cấu giống... Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống, Tạp chí Xứ Thanh đã cử phóng viên chuyên trách, bám sát cơ sở, tích cực phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Nhiều phóng viên đã thực sự lăn lộn, quên ngày nghỉ cuối tuần để hàng tháng có những bài viết trong lĩnh vực xây dựng NTM phản ánh kịp thời, đầy đủ các mặt, từ công tác chỉ đạo, điều hành, đến việc tổ chức thực hiện tại các địa phương. Nhiều bài viết có chiều sâu, không chỉ phản ánh mà còn phân tích, chỉ ra được nguyên nhân của thành công, nêu gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương, đơn vị bạn. Nhiều tin, bài, ảnh khi lên mặt báo còn “nóng hổi” tính thời sự. Nhiều bài báo đã đi sâu phân tích, mổ xẻ được những nguyên nhân thành công từ chủ trương, chính sách đúng, sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, tạo được sự đồng thuận trước một chính sách đáp ứng được nguyện vọng của người dân...

Ông Trần Đức Năng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa, cho biết: Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phản ánh được không khí chung tay xây dựng NTM, cung cấp cho độc giả toàn cảnh, sinh động trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương; phản ánh được không khí phấn khởi, vào cuộc với những bài viết sâu sắc, có ý nghĩa và sức lan tỏa tích cực, rộng rãi, thể hiện được quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện một chương trình của Quốc gia, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức, khơi dậy tiềm năng, nỗ lực vượt qua khó khăn; cổ vũ mạnh mẽ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội chung sức, đồng lòng trong công tác xây dựng NTM. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 244 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 42,6% số xã trong tỉnh; 524 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 15,1 tiêu chí/ xã.

Bảo Ngọc

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]