(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn ba mươi năm ra đời và phát triển, Báo Văn hóa và Đời sống đã làm tốt đẹp lên, nhân lên, thăng hoa lên biết bao giá trị về lịch sử, văn hóa, tinh thần và vẻ đẹp thẩm mỹ, nuôi lớn bao tâm hồn, nghị lực, sức mạnh phi vật thể, góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa xứ Thanh nói riêng, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung. Từ đó, Báo Văn hóa và Đời sống nuôi dưỡng, bồi bổ thêm cho cốt cách, tính nhân văn, nhân hậu, nhân ái của người Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Báo Văn hóa - Đời sống mãi còn trong ký ức tốt đẹp của tôi

Hơn ba mươi năm ra đời và phát triển, Báo Văn hóa và Đời sống đã làm tốt đẹp lên, nhân lên, thăng hoa lên biết bao giá trị về lịch sử, văn hóa, tinh thần và vẻ đẹp thẩm mỹ, nuôi lớn bao tâm hồn, nghị lực, sức mạnh phi vật thể, góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa xứ Thanh nói riêng, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung. Từ đó, Báo Văn hóa và Đời sống nuôi dưỡng, bồi bổ thêm cho cốt cách, tính nhân văn, nhân hậu, nhân ái của người Thanh Hóa.

Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm.

Mấy năm gần đây, cứ vào dịp cuối tháng 12 dương lịch, tôi thường nhận cuộc gọi từ Ban Biên tập Báo Văn hóa & Đời sống đặt viết bài cho báo số Xuân, số Tết. Đó là những cuộc gọi thật ấm áp, gần gũi, thân thiết, quý mến, chan chứa tình cảm giữa báo và cộng tác viên. Những bài ký: “Ngã Ba Bông - Không gian mở một vùng văn hóa”; “Đền Đồng Cổ”; "Hổ Bái - Một làng cổ gần 5.000 năm tuổi”... được xuất hiện trên Báo Văn hóa & Đời sống trong các dịp tết chính là kết quả từ những cuộc điện thoại như thế. Thông lệ ấy trở thành thói quen, cứ nghe điện vào dịp này là nghĩ ngay đến việc mình được đặt viết bài cho báo và chỉ có Báo Văn hóa & Đời sống mới dành cho tôi sự ưu ái quý mến đó.

Hôm nay tôi nghe tin, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kết luận sáp nhập Báo Văn hóa & Đời sống vào Báo Thanh Hóa. Có thể khẳng định, đây là tin vui đặc biệt đối với tất cả những người làm Báo Văn hóa & Đời sống. Đây là số báo cuối cùng của Báo Văn hóa & Đời sống mà bạn đọc yêu quý được đón nhận. Hai tiếng cuối cùng sao mà da diết, nhiều nỗi niềm, nhiều tâm trạng, nhiều ký ức đến với tôi đến thế.

Cách đây chưa lâu, Báo Văn hóa và Đời sống kỷ niệm 30 năm thành lập. Bao nhiêu tiếng vỗ tay, bao nhiêu tình cảm quý mến của bạn đọc trao gửi. Tất cả các gương mặt ưu tú nhất của văn chương Xứ Thanh đều có mặt: Nhà thơ Văn Đắc, nhà thơ Vương Anh, nhà thơ Huy Trụ, nhà thơ Lê Đình Bằng, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà văn Hoàng Tuấn Phổ, nhà văn Hà Cẩm Anh, nhà văn Nguyễn Văn Đệ, nhà văn Đào Hữu Phương, nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Thị Liên và rất nhiều các cây bút khác như Lâm Bằng, Thy Lan, Ngân Hằng, Đinh Ngọc Diệp... Tôi đã gặp họ, đọc tác phẩm của họ, học hỏi họ trên từng trang viết. Và bây giờ, tôi lại may mắn được tay bắt mặt mừng trong buổi Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Báo. Ba mươi năm ấy, Báo Văn hóa & Đời sống qua nhiều đời Tổng Biên tập. Thời Tổng Biên tập nào tôi cũng có những kỷ niệm đáng nhớ. Một số bài phóng sự của tôi in trên báo đã được tổ chức họp báo, gây tiếng vang lớn. Nhiều bài thơ của tôi in trên Báo Văn hóa - Thông tin, được nhận Giấy chứng nhận tác phẩm hay trong năm, sau này đã được đưa vào chương trình Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 7, lớp 8 do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2020. Đặc biệt, dưới thời nhà báo Lê Nam làm Tổng Biên tập, tôi liên tục được mời cộng tác cho các chuyên mục mới. Ngay những ngày đầu nhận chức Tổng Biên tập, nhà báo Lê Nam đã mời tôi họp cộng tác viên, mời tôi tham gia chuyên mục mới. Lúc nào nhà báo Lê Nam cũng chân tình, thật thà, hiền lành, dung dị “Anh cộng tác với chúng em nhé!”. Chỉ thế thôi mà đằm thắm. Chỉ thế thôi mà gắn bó. Chỉ thế thôi mà hết lòng vì nhau.

Tuổi tác có khác nhau, chuyên ngành có khác nhau, nhưng tất cả các Tổng Biên tập, Ban biên tập, Thư ký Tòa soạn Báo Văn hóa & Đời sống đều có một điểm chung, chăm lo cho chất lượng tờ báo, quý mến, trân trọng cộng tác viên. Bằng uy tín của mình, bằng mối quan hệ tình cảm vô tư, trong sáng, đẹp đẽ, cởi mở và bằng bản lĩnh của mình, các Tổng Biên tập, đội ngũ biên tập viên, Thư ký tòa soạn Báo Văn hóa và Đời sống đã tập hợp, thu hút được một lực lượng cộng tác viên hùng hậu. Chính vì vậy, những bài viết về các vấn đề thời sự, chính sách, xã hội thì sắc sảo; những bài thuộc chuyên mục văn nghệ thì tinh tế, giàu tính nhân văn, đậm bản sắc văn hóa. Đó là bí quyết, là cốt lõi tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn của Báo Văn hóa và Đời sống đối với bạn đọc xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung.

Tôi cộng tác với hơn 50 Báo, Tạp chí từ Trung ương đến địa phương. Mỗi năm tôi được các bản báo và tạp chí giới thiệu, in hàng trăm bài, ít nhất cũng sáu, bảy chục bài. Nhưng nơi mà tôi được xuất hiện nhiều nhất, tần suất dày nhất là Báo Văn hóa và Đời sống. Tôi cộng tác nhiều chuyên mục với báo. Thơ có. Ký có. Tản văn có. Phân tích, giới thiệu thơ có. Tin có. Những nhân vật tiêu biểu của xứ Thanh có. Từ lúc mới chập chững làm văn, làm báo cho đến lúc trưởng thành, tên tuổi tôi luôn gắn liền với Báo Văn hóa và Đời sống. Sự tỏa sáng Báo Văn hóa và Đời sống làm cho tôi lớn lên, trưởng thành lên, chững chạc lên, vững chãi lên, đến gần hơn với bạn đọc.

Điều sâu xa hơn, quyết định hơn làm tôi yêu Báo Văn hóa và Đời sống vì tờ báo có một lượng bạn đọc đông đảo, yêu thích báo, luôn theo dõi báo. Sức lan tỏa của báo tới các vùng quê rất lớn. Khi những bài thơ, bài ký, bài viết về gương người tốt việc tốt, những bài viết về danh nhân văn hóa, các nhân vật nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa in trên Báo Văn hóa và Đời sống, tôi nhận được rất nhiều niềm vui. Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung, Trịnh Văn Hùng bảo “Anh Khiêm ơi, tôi đã đọc bài “Cổng làng” của anh. Sâu lắm. Ý nghĩa lắm. Nhất định tôi phải làm cho Thọ Tiến của tôi một cái cổng làng”. Nhà thơ Lê Văn Sự điện: “Anh Khiêm ơi, tôi cảm ơn anh đã viết về Giáo sư Hà Minh Đức người Vĩnh Lộc quê tôi. Hay lắm, tự hào lắm. Đó là nhà văn hóa lớn của cả đất nước này. Tôi thật sự cảm ơn anh”. Đặc biệt nhất là được nghe ông Phan Toàn, một cựu chiến binh, thầy thuốc Đông Y lâu năm ở ngã tư Giắt, Triệu Sơn điện cho tôi: “Có người yêu thơ anh, tôn sùng thơ anh đến mức, sau khi đọc được bài thơ “Say trầu” của Nguyễn Minh Khiêm in trên Báo Văn hóa và Đời sống, họ đã phóng to bài thơ treo vừa một gian nhà. Gian nhà ấy, anh ta chỉ treo mình bài thơ “Say trầu” thôi”. Và nhiều cuộc điện thoại của những người tôi chưa từng quen biết. Nhiều người tìm đến tận nhà tôi để chia sẻ những điều họ cảm nhận được. Tôi hỏi sao bác lại có bài ấy? Sao bác lại biết tôi? Tất cả đều chung câu trả lời, tôi đọc bài của anh trên Báo Văn hóa và Đời sống, biết anh qua Báo Văn hóa và Đời sống.

Đó là sức lan tỏa của Báo Văn hóa và Đời sống. Đó là niềm vui to lớn, bất ngờ của tôi. Nếu không có Báo Văn hóa và Đời sống, tôi làm sao có được niềm vui, niềm vinh hạnh ấy? Đó là những kỷ niệm sáng choang trong ký ức của tôi. Chắc chắn còn nhiều người khác cũng có những kỷ niệm, những niềm vui như thế, có khi còn hơn thế chứ không phải mình tôi.

Hơn ba mươi năm ra đời và phát triển, Báo Văn hóa và Đời sống đã làm tốt đẹp lên, nhân lên, thăng hoa lên biết bao giá trị về lịch sử, văn hóa, tinh thần và vẻ đẹp thẩm mỹ, nuôi lớn bao tâm hồn, nghị lực, sức mạnh phi vật thể, góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa xứ Thanh nói riêng, bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung. Từ đó, Báo Văn hóa và Đời sống nuôi dưỡng, bồi bổ thêm cho cốt cách, tính nhân văn, nhân hậu, nhân ái của người Thanh Hóa.

Thật tiếc, tới đây Báo Văn hóa và Đời sống không còn nữa. Cánh cửa ngôi nhà hơn ba mươi năm rộng mở, kết nối, chắp cánh cho bao nhiêu cây bút như tôi đã khép lại. Một sự chia tay. Một lần gặp chót! Nhưng cho dù thế nào đi nữa, Báo Văn hóa và Đời sống còn trong ký ức tốt đẹp của tôi.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]