(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhiều doanh nghiệp đã vội vã “lùa dân” vào ở tại mặt bằng quy hoạch với những lời hứa hẹn ngọt ngào như chiếc “bánh vẽ”. Để rồi, câu chuyện khi dụ được dân thì lại “chây ì” không chịu đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu như quy định. Sự thiếu trách nhiệm đó đã đẩy cuộc sống người dân lâm cảnh “khát điện, khát nước, khát sổ đỏ...”. Đó là thực trạng không đâu xa, mà ngay tại các mặt bằng quy hoạch ở TP Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập tại hàng loạt mặt bằng TP Thanh Hóa (Bài 2): Hàng loạt chủ đầu tư “chây ì” hoàn thiện hạ tầng

Khi hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhiều doanh nghiệp đã vội vã “lùa dân” vào ở tại mặt bằng quy hoạch với những lời hứa hẹn ngọt ngào như chiếc “bánh vẽ”. Để rồi, câu chuyện khi dụ được dân thì lại “chây ì” không chịu đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu như quy định. Sự thiếu trách nhiệm đó đã đẩy cuộc sống người dân lâm cảnh “khát điện, khát nước, khát sổ đỏ...”. Đó là thực trạng không đâu xa, mà ngay tại các mặt bằng quy hoạch ở TP Thanh Hóa.

Sống khổ trong mặt bằng “5 không”

Trời nắng gắt, trước mắt tôi là mặt bằng quy hoạch Đồng Chộp (thuộc xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) không như tưởng tượng. Là mặt bằng để các cư dân phố thị sinh sống nhưng nhìn thoáng qua thôi cũng thấy rõ những bất cập hiện hữu. Đường sá chưa được thảm nhựa mà rải đá mạt, xe cộ đi lại bụi mù mịt. Cây xanh ít ỏi, dây điện, dây mạng internet, viễn thông thì đấu mắc chằng chịt. Bên cạnh những ngôi nhà đã xây dựng khang trang, là những khu đất bỏ không cỏ cây um tùm, mọc hoang dại...

Tìm đến hộ gia đình chị Đặng Thị T. hỏi thực hư. Chị T. bức xúc: “Tôi mua đất từ năm 2015, khi đó chủ đầu tư là Công ty Bắc Nam hứa hẹn lên xuống rằng, nếu gia đình vào xây dựng để ở chỉ trong 6 tháng, gia đình sẽ có điện lưới Nhà nước, có nước sạch, có “sổ đỏ” và tất cả các thụ hưởng khác. Tuy nhiên, đến nay đã 4 năm trời, những lời hứa đó đang bị doanh nghiệp bỏ quên”.

Cũng theo chị T. khi doanh nghiệp hứa hẹn, gia đình chị đã nhon góp, vay mượn để xây dựng được móng nhà, những tưởng sẽ sớm có “sổ đỏ” để vay mượn ngân hàng làm nhà, nhưng xây móng xong chờ mãi cũng không thấy chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ. Dù làm móng từ năm 2015 nhưng mãi tới năm 2017 gia đình mới vay mượn, nhon góp xây dựng vào ở.

Cuộc sống 2 năm qua ở mặt bằng này như thế nào - tôi hỏi chị. Chị T. trả lời thẳng thắn: “Tận cùng khổ chú ạ!”. Theo chị T, hiện tại mặt bằng này đến nay vẫn chưa có điện, chưa có nước sạch. Đó là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu nhưng nó đã thiếu. Hiện gia đình chị, cũng như nhiều hộ gia đình khác phải “chạy loạn” đi xin xỏ, đấu mắc nhờ điện lưới từ xóm bên (cách nơi ở hàng trăm mét). Việc phải đầu tư đường dây dài, sử dụng mức điện từ 3.000 đến 3.500 đồng gây khó khăn về kinh tế đã đành, lo ngại nhất theo chị là việc mỗi hộ dân một đường điện, dây điện không đảm bảo, cột điện là những cây luồng chống đỡ tạm dẫn tới nguy cơ chập, cháy, nhiễm điện khi mưa bão rất cao.

Quan sát hệ thống cột điện cao áp, dù đã được đầu tư chôn dựng đồng bộ nhưng các hộ dân nơi đây lắc đầu thở dài bảo “hệ thống điện cao áp chỉ để phơi mưa nắng. Tối đến, các anh đến xem, điện đường không có, khu phố vắng tanh do không ai dám cho con cái ra đường, lo ngại bọn nghiện hút, trộm cắp hay tụ tập vì an ninh cũng không được đảm bảo”. Nước sạch thì sao? Chị T. dẫn tôi lại bên giếng khoan bảo: “Nước giếng khoan thôi chú! Mình bơm lên lắng lọc nhắm mắt mà dùng, biết sao được khi chưa có nước sạch”.

Người dân mặt bằng quy hoạch Đồng Chộp (xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa) bức xúc khi hạ tầng cơ sở chưa được chủ đầu tư hoàn thiện.

Không chỉ thiếu thốn về hạ tầng, các hộ dân nơi đây cũng thiếu đi những quyền lợi chính đáng khác như: Không có số nhà; không có tổ chức đoàn thể, chính quyền quản lý; không có chi bộ Đảng để sinh hoạt; an ninh không được đảm bảo; các cuộc vận động ủng hộ người nghèo, bão lũ không được tham gia đóng góp...

Thực trạng chung?

Như kỳ trước Báo Văn hóa và Đời sống đã phản ánh thực trạng thu tiền điện giá cao tại mặt bằng 8018. Ngoài việc người dân phải đóng tiền điện giá cao dưới hình thức “cào bằng” thì hiện trạng phản ánh từ người dân, mặt bằng này cũng chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, các hộ dân vẫn chưa được cấp “sổ đỏ” đang là những rào cản không nhỏ tác động trực tiếp lên đời sống của họ. Song, không chỉ mặt bằng 8018, mặt bằng đồng Chộp... mà đó là thực trạng chung tại không ít mặt bằng quy hoạch ở TP Thanh Hóa.

Tại Mặt bằng quy hoạch 1876, phường Đông Hương, sau hơn 4 năm kể từ khi trúng thầu, hạ tầng điện lưới, đường giao thông của khu dân cư vẫn chưa hoàn thiện. Theo những người dân mặt bằng 1876 này cho biết, năm 2016 các hộ đã phải tự bỏ tiền túi ra (30 triệu đồng) để dựng cột điện, kéo đường dây đấu mắc nhờ. Một nghịch lý mà người dân phải làm thay chủ đầu tư mặt bằng?! Dù nhiều lần người dân kiến nghị lên các cấp ngành TP Thanh Hóa nhưng những gì tồn tại vẫn tồn tại một cách khó hiểu, thiếu trách nhiệm từ đơn vị quản lý Nhà nước.

Đó cũng là những gì tồn tại thuộc mặt bằng quy hoạch 08, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, sau khi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Hà (địa chỉ Hà Nội) tiến hành bán đất nền cho các hộ dân. Mặc dù, các hộ dân đã thanh toán đầy đủ số tiền trong hợp đồng mua bán đất và đã được Công ty Bắc Hà bàn giao đất nhưng điều lạ là đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ?Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị việc cấp sổ đỏ lên Công ty Bắc Hà nhưng vẫn không được giải quyết? Tìm hiểu được biết, hiện Công ty Bắc Hà vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ về tài chính đối với mặt bằng quy hoạch 08 nên UBND TP Thanh Hóa chưa thể cấp trích lục tổng cho công ty để làm trích lục riêng cho từng hộ gia đình, cá nhân.

Theo khoản b, c, mục 1, điều 41, Nghị định số 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã nêu rõ điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm: Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).

Với việc các chủ đầu tư “chây ì” trong việc hoàn thiện hạ tầng tại các mặt bằng dự án đã và đang đẩy cuộc sống của người dân vào thế “kêu trời không thấu”. Câu hỏi trách nhiệm trước cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại các mặt bằng thành phố thuộc về ai, xin dành lại cho các cấp, ngành chức năng của thành phố và của tỉnh Thanh Hóa.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]