(vhds.baothanhhoa.vn) - CHÂN TRỜI ở đây là Lịch sử Thế giới Cận đại, còn NGƯỜI BAY là PGS. NGND Nguyễn Văn Hồng, sinh ngày 15/7/1934 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa - một nhà giáo, nhà khoa học uyên bác, tài hoa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chân trời vắng người bay

CHÂN TRỜI ở đây là Lịch sử Thế giới Cận đại, còn NGƯỜI BAY là PGS. NGND Nguyễn Văn Hồng, sinh ngày 15/7/1934 tại Thọ Xuân, Thanh Hóa - một nhà giáo, nhà khoa học uyên bác, tài hoa.

Nói về sự uyên bác, tài hoa của ông, chúng tôi xin kể 2 câu chuyện nhỏ: Sinh thời, PGS Đỗ Văn Ninh (1931 - 2011), một tên tuổi lớn của làng Sử nước nhà, người có nhân cách và bản lĩnh - tác giả của những công trình sáng giá như: Thành cổ Việt Nam, Tiền cổ Việt Nam, Văn bia Văn miếu Quốc Tử Giám, Từ điển chức quan Việt Nam... có lần hỏi người viết bài này rằng: "Cậu có biết ông Nguyễn Văn Hồng không, ông ấy ít tuổi hơn tôi nhưng là bạn học và đáng đàn anh, bậc thầy tôi về chữ Hán".

Chân dung PGS.NGND Nguyễn Văn Hồng (1934 - 2019).

GS Sử học - NGND Đinh Xuân Lâm (1925 - 2017) thì hơn một lần chia sẻ: "Có đồng nghiệp cuối đời mới chịu thừa nhận năng lực của PGS. NGND Nguyễn Văn Hồng. Mình phải nói ngay là bây giờ ông mới chịu thừa nhận chứ thực ra ông Hồng rất giỏi từ thời học Collège Đào Duy Từ cơ. Mình dạy ông Hồng nên mình biết"...

Vẫn theo GS Đinh Xuân Lâm, ông cụ thân sinh ra PGS. NGND Nguyễn Văn Hồng làm lao công cho một trường tiểu học. Vì nhà nghèo, không được tới trường như chúng bạn nên cậu bé con ông lao công dẫu có tư chất thông minh vẫn phải thập thò bên ngoài cánh cửa phòng học nghe các thầy cô giảng bài. Một ngày nọ, vị hiệu trưởng của trường là nhà nho Lê Văn Uông đã nhận cậu vào lớp. Ơn nghĩa ấy, Nguyễn Văn Hồng không bao giờ quên, trở thành nguồn cảm hứng để ông viết nên bài thơ chữ Hán TÂM LINH đầy cảm động: "Nhất tự khai tâm minh lý kinh/ Thị sư thị phụ thị tiên sinh/ Mã giang thiên trượng Đông hải khứ/ Sư đệ nhân gian vạn thế tình” (Một chữ thầy cho sáng nghĩa kinh/ Là thầy, cha đó chốn tâm linh/ Mã giang nghìn trượng xuôi biển cả/ Sao sánh công ơn, lớn nghĩa tình).

Cũng như GS. NGND Đinh Xuân Lâm, sự nghiệp của PGS. NGND được bồi đắp bởi hai dòng chảy lớn: Sử học và Văn chương. Tập thơ DÃ THẢO (Cỏ dại, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004) của ông có lẽ là thi tập chữ Hán cuối cùng của người Việt Nam, được chính người Trung Quốc đánh giá là hay, dồi dào thi tứ, thi hứng với triết lý sâu thẳm: Lúc sống, các người cứ mặc sức giẫm đạp lên cỏ đi. Một mai khi các ngươi mất đi thì cỏ xanh ta sẽ phủ kín nấm mồ các ngươi...

Đọc thơ ông xong, quả không muốn đọc thơ của rất nhiều người. Đừng quên là có những nhà giáo - nhà khoa học chuyên dạy thơ, giảng thơ, thậm chí bàn cả về "Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại", rồi "Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại", "Thực tiễn cách mạng và sáng tạo thi ca" hẳn hoi mà khi sáng tác, cho ra quá nhiều bài thơ "làng nhàng", nhàn nhạt.

Nói đôi điều về thơ Nguyễn Văn Hồng như thế để độc giả biết thêm về sự uyên bác, tài hoa của một người thầy. Đương nhiên CHÂN TRỜI chính mà ông đã BAY trong hơn nửa thế kỷ qua vẫn là SỬ HỌC. Ở CHÂN TRỜI này, ông đã khẳng định được vị trí, tên tuổi, danh phận của mình cùng sự yêu kính của nhiều thế hệ học trò.

Là một học sinh thông minh, chăm chỉ, đạt nhiều thành tích xuất sắc, lại tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể nên hết bậc phổ thông, vừa buổi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Nguyễn Văn Hồng được Nhà nước ta lựa chọn cử đi đào tạo chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Bắc Đại (Bắc Kinh), một ngôi trường danh tiếng của Trung Quốc và châu Á.

Tốt nghiệp đại học năm 1961, Nguyễn Văn Hồng về nhận công tác tại khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội và gắn bó với nghiệp làm thầy, hơn nửa thế kỷ BAY trong CHÂN TRỜI của Lịch sử Thế giới Cận đại. Từ cái nền chung là Lịch sử Thế giới Cận đại, ông soi chiếu và làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử Việt Nam (về Trần Thủ Độ, Lê Lợi, Tuệ Trung Thượng sĩ, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh); lịch sử Đông Nam Á (Đông Nam Á 1945 con đường đấu tranh vì độc lập tự do), trở thành nhà Trung Quốc học lớn. Ở đâu và lúc nào, nhà giáo Nguyễn Văn Hồng cũng cho thấy niềm đam mê, sức sáng tạo của bản thân; sự tận tụy, tâm huyết với các lớp học trò. Ông là người THẮP LỬA và GIỮ LỬA, TRUYỀN LỬA, "cháy lên để tỏa sáng". Ngòi bút - ngọn đèn ông đã soi rọi đến tận ngóc ngách nhiều trào lưu cách mạng ở châu Á thời cận đại, nhất là ở Trung Hoa (phong trào Duy tân Mậu Tuất 1898, Tôn Trung Sơn với chủ nghĩa Tam Dân nhìn từ dòng chảy lịch sử), Nhật Bản (từ học thuyết Chônin Gaku thử tìm một lời giải ảo về Nhật Bản Duy tân,Giáo dục Minh Trị - Duy tân), Indonesia (Indonesia đấu tranh vì độc lập tự do 1942 - 1950, Đặc trưng của một chặng đường cách mạng dân tộc Indonesia)...; chỉ rõ nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm, đặc trưng của từng cuộc cách mạng, từng sự kiện lịch sử.

Có cựu sinh viên từng cảm khái về ông rằng, trong thời gian anh làm luận văn tốt nghiệp đại học với thầy Hồng (1977), hầu như trưa nào thầy cũng đến Thư viện Quốc gia để kèm cặp và dẫn anh đi ăn trưa ở giai đoạn "Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ", vậy mà mấy mươi năm sau, anh vẫn chưa mời thầy dù chỉ 1 bữa. PGS. NGND Nguyễn Văn Hồng là thế! Ông cũng không thể không trăn trở trước thực trạng xã hội, học sinh - sinh viên ngày càng chán, quay lưng lại với môn Sử trong nhà trường. Chính vì vậy, cách đây 8 năm, ở tuổi gần tám mươi, ông vẫn đầy trách nhiệm với học giới, với đồng nghiệp, với học sinh - sinh viên qua bài viết: "Cần đổi mới nhận thức và biên soạn giáo trình lịch sử thế giới cận đại" (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 11/2011). Trong bài viết này, ông đã nêu lên sự cần thiết đổi mới tư duy và nhận thức lịch sử, đồng thời "nhìn lại một số nội dung lịch sử chúng ta cần đổi mới nhận thức" gồm: Phong trào đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập và sự lựa chọn con đường phát triển của các dân tộc; sứ mạng lịch sử của chủ nghĩa thực dân đối với châu Á lạc hậu; việc xem xét, đánh giá giai cấp phong kiến và triều đại phong kiến; vấn đề trí thức và vai trò của trí thức trong phong trào dân tộc, đấu tranh giành độc lập; vấn đề đánh giá sự thành công của phong trào giải phóng dân tộc; cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Các ý tứ, luận điểm thật khách quan, toàn diện, nhất là những dòng dưới đây: "Cả triều sóng cách mạng dâng lên một cách mạnh mẽ sau năm 1945, cũng như các cuộc đấu tranh giành được độc lập của các quốc gia ở các châu lục với muôn màu muôn vẻ diễn ra trong mấy thập kỷ vừa qua; tất cả đã cho phép chúng ta có cái nhìn đa chiều về các con đường khác nhau đi đến độc lập".

Cuộc đời PGS.NGND Nguyễn Văn Hồng không phải không có lúc gặp những truân chuyên, sóng gió nhưng ông thản nhiên đón nhận và vẫn miệt mài cống hiến vì thấm nhuần triết lý phương Đông: "Bất thức ba đào tráng/ An tri chí hải bằng" (Không cảm thức được cái dữ dội của sóng lớn thì sao biết được cái chí của chim Hải bằng cao tới đâu); ngấm đến tận gan ruột câu thơ của Lý Thương Ẩn (một thi nhân đời Đường) "Xuân tàm đáo tử ty phương tận/ Lạp cự thành hôi lệ thủy can" mà ông từng giảng nghĩa là: Cuộc đời của kẻ sĩ cũng giống như con tằm mùa xuân, phải lao động cật lực đến khi chết mới thôi. Nghiên cứu hay viết lách, phải rút ruột mình ra mà nhả thành những sợi tơ biếc có ý nghĩa. Ngọn nến cứ cháy và những giọt "nước mắt" của con tằm cứ rơi, chảy dọc theo thân nến. Cho đến lúc cả ngọn nến tan thành tro bụi thì mới không còn nước mắt nữa...

Nếu ở thời điểm hiện tại, không phải không có những điều tiếng phàn nàn của dư luận xã hội về một bộ phận GS, PGS kém ngoại ngữ (nghiên cứu sử cổ trung đại không biết chữ Hán, nghiên cứu sử cận đại không biết tiếng Pháp, nghiên cứu sử hiện đại không biết tiếng Anh), sự nghiệp khoa học "siêu mỏng, siêu nhẹ" thì PGS. NGND Nguyễn Văn Hồng là một hình ảnh đối lập: Ông giỏi chữ Hán (cả cổ văn lẫn kim văn); có thể giảng dạy, trao đổi, đối thoại bằng tiếng Anh. Ông cũng có đủ giáo trình, sách chuyên khảo về Lịch sử thế giới cận đại, Indonesia đấu tranh vì độc lập tự do 1942 - 1950, Giáo dục Minh Trị - Duy tân, Xu hướng đổi mới trong lịch sử Việt Nam, Mấy vấn đề lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam - một cách nhìn, Đông Nam Á tháng 8 năm 1945, Trung Quốc cải cách mở cửa những bài học kinh nghiệm...; hàng trăm bài tạp chí trong và ngoài nước cùng nhiều thế hệ học trò tiếp bước, trong đó có gương mặt triển vọng như cô học sinh từng đoạt giải Nhất môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 1995 (nay đã là TS) Hồ Thị Thành. Ông được mời làm GS thỉnh giảng ở Đại học Humboldt Berlin, Đại học Amsterdam, một số trường đại học khác ở Trung Quốc, Nhật Bản... trước khi trong nước phong cho chức danh PGS mà nói theo cách của cố GS. Trần Quốc Vượng (1934 - 2005) là "bất xứng kỳ tài, kỳ đức".

Ngày 16/10/2019 vừa qua, đôi cánh của NGƯỜI BAY ấy đã ngừng vẫy! Từ CHÂN TRỜI này, ông bước sang thế giới bên kia trước khi hóa áng mây trắng "bay ngang trời hoài niệm". Xin cúi đầu vĩnh biệt ông: PGS. NGND Nguyễn Văn Hồng, một người THANH HÓA BAY khả kính!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]