(vhds.baothanhhoa.vn) - “Cất” đi hình ảnh của một kiến trúc sư, anh Lê Văn Ngọc, SN 1981 ở thôn Ngọc Diêm 1, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương đã thành công trên con đường đưa nông sản sạch chất lượng cao ra thị trường.

Chàng kiến trúc sư làm nông nghiệp sạch

“Cất” đi hình ảnh của một kiến trúc sư, anh Lê Văn Ngọc, SN 1981 ở thôn Ngọc Diêm 1, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương đã thành công trên con đường đưa nông sản sạch chất lượng cao ra thị trường.

Chàng kiến trúc sư làm nông nghiệp sạch

Ngã rẽ nghề nghiệp

Dẫn chúng tôi thăm khu nhà màng xanh mướt, nghe chia sẻ về những kinh nghiệm trong trồng trọt, giới thiệu về những loại rau, củ một cách rành rọt, không ai nghĩ anh từng là một kiến trúc sư chính hiệu.

Năm 2007 tốt nghiệp đại học với chuyên ngành kiến trúc, chàng trai trẻ Lê Văn Ngọc bắt tay với công việc kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng. Bằng những kiến thức sẵn có, anh đã có một công việc cho thu nhập tương đối ổn định. Công việc đang yên ổn, năm 2018 bất ngờ nhường lại việc quản lý cửa hàng cho vợ và quay sang làm nông dân khiến anh em, bạn bè biết về anh đặt nhiều dấu chấm hỏi. Rồi anh chọn nơi mình sinh ra và lớn lên để bắt đầu công việc nhà nông.

Chàng kiến trúc sư làm nông nghiệp sạch

Anh chọn công việc mới chỉ với suy nghĩ sẽ làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu người dùng giữa cơn bão thực phẩm không an toàn. Chính vì vậy, anh không chọn cách làm nông nghiệp truyền thống mà anh vay mượn để đầu tư nhà màng, nhà kính với đầy đủ hệ thống máy tưới tự động...

Bắt tay vào khởi nghiệp, hơn 1 năm đầu, công việc mới này đã làm khó anh Ngọc không biết bao nhiêu lần. Vụ dưa vàng đầu tiên, anh Ngọc lỗ nặng do sản lượng thấp, chất lượng quả không cao. Vụ rau thứ hai, thứ ba cũng tương tự. Bao công sức, tiền bạc ra đi trong chốc lát.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Lê Văn Ngọc tâm sự: “Với những người trẻ tuổi khi khởi nghiệp thiếu rất nhiều thứ, đó là: thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu mối quan hệ, thiếu thị trường đầu ra… Vì vậy, tôi cũng đã thất bại rất nhiều. Sau những lần ấy, ngoài việc học hỏi từ bạn bè, sách báo, Internet tôi lại lặn lội tìm đến học hỏi những người đã thành công trên con đường này ở trong và ngoài tỉnh. Rồi mò mẫm tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.”, anh Ngọc nói.

Đúc rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, anh Ngọc tiếp tục làm việc và niềm đam mê ấy cứ càng ngày càng lớn dần với những quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường nông nghiệp sạch. Diện tích trang trại anh cứ lớn dần lên, từ 7.000m2 đến hàng chục nghìn m2 đất.

Đưa sản phẩm sạch ra thị trường

Trời đã không phụ công người, giờ đây, toàn bộ diện tích cây trồng của anh Ngọc lúc nào cũng xanh tốt và cho thu hoạch quanh năm. Bên cạnh cây dưa kim hoàng hậu, dưa chuột, các loại rau xanh quả..., anh Ngọc còn tập trung trồng măng tây và cây sung Mỹ. Sản phẩm được khách hàng đánh giá cao vì không sử dụng các loại thuốc kích thích và thuốc bảo vệ thực vật.

Chàng kiến trúc sư làm nông nghiệp sạch

Chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình, anh Ngọc cho biết: “Nghề nông thực sự rất vất vả. Với con đường làm nông nghiệp sạch lại càng phải đầu tư nhiều công sức và tâm huyết hơn. Đặc biệt, phải nắm rõ mọi kỹ thuật chăm sóc cây trồng sao cho sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao lại không sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Hiện sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giờ tôi không còn phải lo lắng cho thị trường đầu ra nữa. Có lẽ, điều trăn trở nhất của tôi là thị trường đầu ra cho cây sung Mỹ, một loại quả có hàm lượng dinh dưỡng cao, có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người”, anh Ngọc bộc bạch.

Với 3 khu nhà màng trồng cây dưa kim hoàng hậu, dưa chuột, sung Mỹ, măng tây... anh Ngọc còn dành 2,5ha đất để trồng đào cảnh. Ngoài ra, anh còn tập trung nuôi gà, ngan, vịt với số lượng lớn để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm anh cung cấp khoảng hơn 20 tấn các loại nông sản sạch ra thị trường.

Những ngày này, anh cùng 9 nhân công đang tập trung cho việc tuốt lá, sén rễ, chăm sóc vườn đào để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Chàng kiến trúc sư làm nông nghiệp sạch

Tay thoăn thoắt tuốt lá cho đào, anh Ngọc bảo: “Người Quảng Chính chúng tôi rất tự hào vì có lẽ trên cả nước, chỉ duy nhất ở đây có giống đào phai hoa kép cổ đặc trưng. Thay vì có 5 cánh hoa như những loại đào phai khác, đào Quảng Chính có nhiều tầng hoa với trung bình từ 23 đến 30 cánh hoa. Cá biệt, có những bông hoa lên gần 40 cánh, được ví kích thước như miệng chén uống rượu loại nhỏ. Khi nở, hoa lâu tàn, nhiều gia đình chơi đào qua tết vẫn còn đẹp lộng lẫy. Không chỉ gia đình tôi mà với những nông dân ở đây, đào chính là tài sản, là cơm gạo, là cuộc sống mưu sinh. Vì vậy, tôi muốn làm một điều gì đó góp phần đưa sản phẩm đào tết Quảng Chính ra thị trường trong và ngoài tỉnh cho bạn bè cùng biết”.

Những quả dưa lúc lỉu giữa chòm lá xanh mướt, những luống rau tăm tắp trải dài và cả cánh đồng đào tết đang chuẩn bị nứt kẽ trổ nụ, là tất cả công sức và niềm đam mê của chàng nông dân vốn là kiến trúc sư chính hiệu.

Chàng kiến trúc sư làm nông nghiệp sạch

Không dừng lại ở đó, anh Lê Văn Ngọc còn ấp ủ nhiều hơn nữa những dự định sẽ đưa sản phẩm sạch của mình tới tay của nhiều người tiêu dùng trên mọi miền Tổ quốc.

Thu Hà - Hoài Thu


Thu Hà - Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]