(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau thời gian nghiên cứu thị trường, anh Phạm Văn Lĩnh, sinh năm 1991 ở thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đã lựa chọn sản xuất rau, củ, quả an toàn làm sinh kế và hướng phát triển kinh tế gia đình.

Chàng trai 9x đánh thức vùng đất Hạc Sơn

Sau thời gian nghiên cứu thị trường, anh Phạm Văn Lĩnh, sinh năm 1991 ở thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đã lựa chọn sản xuất rau, củ, quả an toàn làm sinh kế và hướng phát triển kinh tế gia đình.

Chàng trai 9x đánh thức vùng đất Hạc Sơn

Anh Phạm Văn Lĩnh ở thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) kiểm tra rau màu trước khi xuất bán.

Với sự tâm huyết, đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, vùng đất bãi ven sông Mã thuộc thôn Hạc Sơn như được truyền sức sống mới, quanh năm xanh mướt, trở thành vùng sản xuất quy mô lớn đầu tiên của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo lời giới thiệu của UBND xã Cẩm Bình, chúng tôi tìm đến khu sản xuất rộng hơn 6 ha tại thôn Hạc Sơn của gia đình anh Phạm Văn Lĩnh.

Trời đã về trưa nhưng anh vẫn mải miết kiểm tra lại vườn rau chuẩn bị xuất bán. Được biết, diện tích vùng đất bãi ven sông Mã trước đây được người dân sản xuất mía, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, gia đình anh Phạm Văn Lĩnh đã tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn rau màu làm sản phẩm phát triển.

Với diện tích khoảng 2 ha, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống dẫn nước để thuận tiện cho việc chăm sóc cây trồng và mua giống chất lượng cao. Tuy nhiên, đợt lũ lụt cuối năm 2018, cánh đồng thôn Hạc Sơn bị vùi lấp, toàn bộ diện tích đã đầu tư của gia đình anh bị mất trắng.

Những hi vọng đầu tiên về sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại của thanh niên Phạm Văn Lĩnh đã thất bại. Anh Lĩnh cho biết: Vốn xuất thân từ nông nghiệp nên tôi mong muốn phát triển kinh tế từ đồng đất quê hương. Sau nhiều năm lao động tôi đã tích cóp được số vốn ít ỏi để phát triển sản xuất. Để xây dựng được vùng rau hơn 2 ha, ngoài diện tích đất ruộng của gia đình, còn thuê, thầu của những hộ dân xung quanh. Sau khi bị thiên tai, toàn bộ diện tích sản xuất, vốn liếng mất trắng, gia đình đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm lớn, tôi đã tiếp tục huy động vốn từ người thân, quỹ tín dụng xã để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Chàng trai 9x đánh thức vùng đất Hạc Sơn

Gia đình anh Lĩnh đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước.

Với nỗ lực không nghỉ và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, đầu năm 2019 sau khi “cải hóa” vùng đất lũ, anh Phạm Văn Lĩnh và gia đình tiếp tục đầu tư hơn 300 triệu đồng để mở rộng diện tích đất sản xuất cây rau màu.

Anh đã tập trung đầu tư cải tạo đất, mua giống chất lượng cao và lắp đặt hệ thống tưới, giàn leo để chuyên canh sản xuất rau, củ, quả theo hướng VietGAP. Anh tiếp tục thuê diện tích canh tác của người dân trong vùng để mở rộng vùng sản xuất lên 6 ha sản xuất bí xanh, cà chua, rau theo mùa vụ để cung ứng cho thị trường.

Anh Lĩnh cho biết: mấu chốt của sản xuất quy mô lớn, chính là kết nối được thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm. Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu hướng sản xuất, chăm sóc cho cây trồng tôi đã liên kết, tìm kiếm một số đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại các chợ lớn thuộc các huyện miền núi của tỉnh, chợ đầu mối rau, củ quả Đông Hương (TP Thanh Hóa), chợ đầu mối thuộc tỉnh Hải Dương, Ninh Bình và 2 bếp ăn tập thể của 2 nhà máy may trên địa bàn huyện.

Sản lượng trung bình của vùng sản xuất có thể đạt 3-5 tạ/ngày, bình quân doanh thu đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/năm.

Chàng trai 9x đánh thức vùng đất Hạc Sơn

Giàn leo tại vùng sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Không những ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, khu sản xuất của gia đình anh Phạm Văn Lĩnh còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Ngoài việc sản xuất quy mô lớn theo hướng VietGAP, gia đình anh còn cung cấp giống rau màu chất lượng cao và đầu tư xe tải để thu mua sản phẩm rau củ quả cho người dân trên địa bàn huyện. Nhờ đó, cơ sở của anh đã liên kết thu mua sản phẩm với người trồng bí xanh xã Cẩm Quý, vùng rau an toàn thị trấn Phong Sơn, Cẩm Ngọc … để cung ứng cho thị trường.

Chàng trai 9x đánh thức vùng đất Hạc Sơn

Mô hình sản xuất rau an toàn của hộ gia đình anh Phạm Văn Lĩnh được xem là mô hình điểm của địa phương.

Đánh giá về mô hình sản xuất của hộ anh Phạm Văn Lĩnh, ông Đỗ Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ anh Lĩnh được đánh giá là một trong những mô hình phát triển sản xuất hiệu quả nhất tại địa phương. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn phát huy hiệu quả của đồng đất vùng bãi ven sông, góp phần lan tỏa, nhân rộng mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn tại địa phương.

Để hỗ trợ chủ thể phát triển sản xuất, UBND xã đã và đang rà soát một số cơ chế, chính sách để đề xuất UBND huyện xét, hỗ trợ mô hình mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bình Nguyên


Bình Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Hữu Ngôn - 05:57 03/04/22

 Trả lời

Một mô hình tốt. Bài viết khá tường tận và thuyết phuc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]