(vhds.baothanhhoa.vn) - “Được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao đợt 1 năm 2021 với tôi là niềm vui, nhưng để “Miến gạo Phúc Thịnh” thật sự là đặc sản Quý Lộc thì hành trình trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm”. Đó là chia sẻ của anh Trịnh Đình Nhạc, người làm nên thương hiệu Miến gạo Phúc Thịnh.

Chàng trai 9x làm miến gạo OCOP

“Được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao đợt 1 năm 2021 với tôi là niềm vui, nhưng để “Miến gạo Phúc Thịnh” thật sự là đặc sản Quý Lộc thì hành trình trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm”. Đó là chia sẻ của anh Trịnh Đình Nhạc, người làm nên thương hiệu Miến gạo Phúc Thịnh.

Chàng trai 9x làm miến gạo OCOPAnh Trịnh Đình Nhạc và sản phẩm “Miến gạo Phúc Thịnh”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trịnh Đình Nhạc (sinh năm 1990, ở thôn 6, thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định) tiếp tục sang Israel một năm làm thực tập sinh nông nghiệp theo chương trình hợp tác nông nghiệp giữa hai nước dành cho sinh viên dưới 25 tuổi. Gần 1 năm ở Israel đã giúp Nhạc thêm hiểu những giá trị của ngành nông nghiệp.

Về quê nhà, như rất nhiều sinh viên khác, Trịnh Đình Nhạc loay hoay đi học rồi trồng nấm hơn 1 năm. “Tôi thấy chưa ổn vì làm nấm chỉ có 6 đến 8 tháng đầu tắt mặt tối, những tháng còn lại chơi dài. Còn bố mẹ thì thúc ép làm miến vì trong làng nhiều nhà nhờ có nghề này mà đủ ăn, cuộc sống không quá vất vả”, anh Nhạc kể.

Thế rồi, trong một lần đến nhà ông bác chơi, thấy cách làm miến thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Nhạc đã tìm được cho mình hướng đi. Anh kể: “Lúc ấy tôi nghĩ, nhà nào làm miến thủ công không đảm bảo vệ sinh thì sợ thật. Khuất mắt trông coi chứ chứng kiến, chắc gì còn muốn ăn. Và ngay lúc ấy trong tôi nảy ra quyết định sẽ làm miến và làm theo hình thức mới, an toàn và hợp vệ sinh”.

Nghe rất đơn giản nhưng bắt đầu bao giờ cũng khó khăn. Anh tìm thông tin trên internet, đi Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên mua máy móc, nhưng cơ bản nhất vẫn là học từ thực tế và kinh nghiệm. Anh chia sẻ: “Mới làm, cả nhà vui lắm. Một hai mẻ đầu, làm tù mù mà sản phẩm miến lại rất ngon, ai ăn cũng khen. Vài tháng tiếp theo, hỏng nhiều đến mức chán nản, miến làm ra dễ gãy vì chưa đạt độ chín, mình chưa có kinh nghiệm chỉnh máy”. Rút kinh nghiệm sau vài tháng, sợi miến dai hơn, ăn vào ngọt thanh hơn.

Anh Nhạc nhớ lại: “Khi miến Phúc Thịnh bắt đầu ổn định về chất lượng, tôi may mắn được tham gia hội chợ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, để giới thiệu sản phẩm. Miến lúc đó được đóng bằng bao bóng trắng bên trong có miếng giấy nhỏ in thông tin hộ sản xuất. Thiếu tính chuyên nghiệp như thế, nên vài ngày đầu tham gia hội chợ, không ai hỏi đến sản phẩm của chúng tôi. Tôi quyết định phải thiết kế và in ấn bao bì ngay để khách hàng dễ nhận diện. Nhờ sự thay đổi đó, những ngày tiếp theo tham gia hội chợ, nhiều khách hàng đã biết đến, họ mua về sử dụng, giới thiệu cho bạn bè, người thân... ở các địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước... Như vậy, ngoài chất lượng sản phẩm ra, yếu tố thị trường và thị hiếu người tiêu dùng rất quan trọng”.

Xác định phải xây dựng thương hiệu để tạo nên sự khác biệt của sản phẩm Miến gạo Phúc Thịnh so với các sản phẩm cùng loại trong xã, Trịnh Đình Nhạc đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP. Khi tôi hỏi: Miến gạo Phúc Thịnh ngon hơn các loại miến gạo ở điểm nào? Nhạc chỉ cười: “Hơn nhau chút thôi, chủ yếu là hiện đại quy trình sản xuất, đáp ứng thị hiếu sử dụng hàng có thương hiệu”.

Quy trình làm miến đơn giản qua các khâu như: vo gạo, ngâm, xay thành bột nước, vắt khô, ủ, rửa để làm tơi sợi miến, rồi phơi và đóng gói. Nhưng kết quả lại cho ra những sản phẩm khác nhau. Riêng ở cơ sở sản xuất của Trịnh Đình Nhạc, hiện chỉ có công đoạn phơi và đóng gói còn làm thủ công, tất cả các khâu sản xuất khác đều sử dụng máy móc hiện đại. “Tôi rất chú trọng việc đảm bảo tránh bụi bẩn bằng cách phơi miến ở những dàn cao dễ hấp thụ ánh nắng mặt trời”. Đầu tư hơn 300 triệu đồng, nhưng Nhạc thẳng thắn: “Máy móc của tôi còn khá thô sơ. Chắc chắn trong thời gian tới phải đầu tư thêm nữa”.

Theo chia sẻ của Nhạc: “Khó khăn nhất chính là giá cả thay đổi thường xuyên. Giá đầu mùa chỉ 7 - 7,5 triệu đồng/tấn lúa, cuối mùa có thể lên tới 8,5 - 9 triệu đồng/tấn. Giá đầu vào thất thường, khiến giá miến cũng thường xuyên thay đổi. “Hiện chúng tôi đang có 2 sản phẩm miến không đóng bao, bán chủ yếu trên địa bàn xã và miến đóng bao bán ở các thị trường ngoài. Thú thực nhiều lúc tôi cũng muốn vươn xa hơn, nhưng lại không dám vì sản phẩm chưa cung ứng đủ”.

Sợ giá lúa gạo biến động, anh Nhạc đã nghĩ cách khắc phục. Anh kể: “Năm ngoái, nghe giới thiệu, tôi trực tiếp đi mua 3 tấn lúa mới, thay thế cho giống Q5 cũ, hạt to hơn và chất lượng tốt hơn. Về sử dụng, tất cả các mẻ miến đều hỏng, bỏ đi hết. Một số ít đã bán ra thị trường thì khách hàng phản hồi kêu ca, thậm chí trả lại”.

Thế mới biết việc xây dựng thương hiệu đã khó, duy trì và khẳng định lại càng khó hơn. Câu chuyện Nhạc kể cũng chỉ là một trong rất nhiều “cản trở” trên con đường chinh phục khách hàng của anh. Tuy vậy, anh khẳng định: “Nếu không chuyên nghiệp sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Để chuyên môn hóa thì phải có vùng nguyên liệu riêng, hoặc phải liên kết để có nguyên liệu chuẩn. Các cụ nói chẳng sai: “Không ai nắm tay từ sáng đến tối”, nếu quá tin tưởng người khác hoặc mình thiếu kiến thức, thương hiệu có cũng có thể đánh mất trong thời gian ngắn".

Từ khi được xếp hạng sản phẩm OCOP, nhiều người quan tâm hơn tới “Miến gạo Phúc Thịnh”. May mắn hơn nhiều so với các sản phẩm khác là dù dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống, nhưng miến thuộc danh mục hàng thiết yếu nên sản phẩm của anh không bị ảnh hưởng nhiều. Như thời điểm này, các đơn đặt hàng để ủng hộ đồng bào ở những vùng có dịch, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh rất lớn, anh phải huy động thêm nhiều người làm.

Số lượng các cơ sở sản phẩm miến trong toàn tỉnh rất nhiều, đặc biệt ở Thọ Xuân, Nông Cống..., riêng thị trấn Quý Lộc có khoảng 10/30 cơ sở miến gạo của huyện Yên Định. Chính vì thế, Trịnh Đình Nhạc tiết lộ: "Tôi đã tích tụ đất và xin mở rộng xưởng từ vài năm trước, đến nay vẫn chờ cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Khi cơ sở có quy mô hơn, tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm từ gạo như làm bún, phở, bánh đa, hay đưa rau củ vào trong miến”.

Miến gạo Phúc Thịnh hiện đang cho doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Đây là niềm vui nhưng cũng là thách thức với chàng thanh niên trẻ Trịnh Đình Nhạc. Bởi anh quan niệm: “Nghề này khá vất vả, đa phần là việc tay chân. Tôi làm được thì nhiều người sẽ làm được. Quan trọng hơn nhau là ở cách làm, cách tạo dựng thương hiệu”.

Tạo dựng thương hiệu trong thời đại 4.0 này, không chỉ có chất lượng mà còn phải xây dựng thị trường. Nếu không có sự kết nối thị trường, dù sản phẩm có chất lượng tốt, hữu cơ và an toàn thì cũng sẽ khó được người tiêu dùng quan tâm và lựa chọn sử dụng. Sản phẩm thiết yếu là lợi thế, nhưng để đi được vào bếp ăn của các hộ gia đình, được các nhà hàng khách sạn quan tâm, đó mới là sự thành công và an toàn trên hành trình kinh doanh của anh.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]