(vhds.baothanhhoa.vn) - Được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX, mang lối kiến trúc độc đáo, nhiều ngôi nhà cổ ở phố Đầm, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân hiện nay vẫn được người dân gìn giữ. Tuy nhiên trải qua sự biến thiên của thời gian, nhiều ngôi nhà cổ cũng đang trong tình trạng bị xuống cấp...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chạnh lòng những ngôi nhà cổ phố Đầm

Được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX, mang lối kiến trúc độc đáo, nhiều ngôi nhà cổ ở phố Đầm, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân hiện nay vẫn được người dân gìn giữ. Tuy nhiên trải qua sự biến thiên của thời gian, nhiều ngôi nhà cổ cũng đang trong tình trạng bị xuống cấp...

Trong kí ức của nhiều người dân nơi đây, với lợi thế “nhất cận lộ, nhị cận giang”, Xuân Thiên trước kia là một điểm buôn bán sầm uất “trên bến, dưới thuyền” có bến đò Đầm ở thế kỷ XIX - nơi đây là vùng trù phú lái buôn bốn phương và các hộ đến họp nhiều. Chợ Đầm nổi tiếng trong vùng với những mặt hàng thủ công tinh xảo, những lâm, thủy sản ở miền ngược và miền xuôi tập trung về. Ở đây các nghề thủ công rất phát triển, như: nề, nhuộm, đan lát, may mặc, kim hoàn, sành gốm, nồi đất, gạch ngói. Các nghề buôn bán dịch vụ, chuyên chở đường bộ, đường sông ngày càng phát triển. Cảnh người mua, người bán tấp nập, từ bến sông lên đến phố Đầm, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền rất sôi động thời bấy giờ. Chính vì điều kiện thuận lợi, làm ăn phát đạt nên nhiều người dân ở khắp mọi nơi đều tìm đến phố Đầm để là nơi an cư lập nghiệp. Cũng chính lẽ đó mà nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp đã được chủ nhân tạo dựng nên.

Gia đình bà Cao Thị Đức (89 tuổi) - một trong những gia đình vẫn giữ nguyên vẹn ngôi nhà cổ - bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa. Bà tâm sự: Ngôi nhà tôi đang ở hiện nay có tuổi đời hơn 100 năm tuổi, được xây dựng từ thời cha ông để lại. Trước đây cả gia đình thường quây quần với nhau trong căn nhà ấm cúng này. Sau này ngôi nhà còn được nhiều người dân buôn bán đến thuê để ở.

Đến nay gia đình bà là thế hệ thứ 5 ở trong ngôi nhà này. Ngôi nhà được xây dựng với kiến trúc hai tầng mái đỏ. Trần nhà được làm bằng lim trải qua những biến thiên của thời gian nhưng đến nay vẫn không hề bị thay đổi, mối mọt. Ngay cả cầu thang đi lên tầng nhà cũng được gia đình cẩn thận làm bằng lim chắc chắn. Ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát, tọa lạc trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông, khiến người mọi thành viên trong gia đình đều cảm giác thư thái, thoải mái. Những ngôi nhà này mát vào mùa hè, ấm áp mùa đông, khiến ai cũng rất thích.

Trải qua nhiều năm sử dụng nhiều ngôi nhà cổ đang dần xuống cấp.

Dẫn chúng tôi đi quanh khu vực phố Đầm - nơi còn nhiều ngôi nhà cổ - bà Trần Thị Thực - công chức văn hóa xã Xuân Thiên cho biết: Phố Đầm gồm hai thôn, gồm các thôn Quảng Ích 1 và Quảng Ích 2 nhưng gọi chung là làng Quảng Ích. Trước những năm 70, xã Xuân Thiên có khoảng 100 ngôi nhà cổ, tập trung phổ biến ở phố Đầm, nhưng hiện nay chỉ còn 30 ngôi nhà giữ được dáng cũ. Những ngôi nhà cổ xưa đều mang nét kiến trúc hai tầng mái đỏ. Nhà được xây bằng tường gạch nung và vôi, mái ngói đất sét nung. Nhiều ngôi nhà vẫn mang dáng dấp cũ, nhưng do biến thiên của thời gian bị xuống cấp nên nhiều gia đình đã sửa chữa để phù hợp với sinh hoạt hàng ngày.

Bà Tạ Thị Minh (92 tuổi) ở làng Quảng Ích cho biết vợ chồng bà từ nơi khác đến đây lập nghiệp. Chỉ tay về phía những ngôi nhà xung quanh, bà tự hào cho biết: Trước đây những ngôi nhà này đều gắn liền với những cửa hàng nổi tiếng, như phòng khám răng của gia đình nhà bà, bên cạnh là hiệu thuốc bắc nổi tiếng Quảng Phát, Nam Ích Long, rồi những tiệm bán vàng, bạc... Thế nhưng đến nay, mặc dù không còn làm những nghề gia truyền của ông cha để lại, nhưng những ngôi nhà này vẫn còn giữ tên biển như để nhớ lại thời hoàng kim của ông cha. Thời gian trôi qua, ngôi nhà cổ đã xuống cấp và được gia đình sửa chữa lại, thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Thanh, thế hệ thứ 4 sống trong gia đình tiệm thuốc bắc nổi tiếng của ông Quảng Phát tự hào nói: Với trách nhiệm của những thế hệ đi sau, chúng tôi vẫn cố gắng gìn giữ lại những ngôi nhà cổ mà cha ông đã để lại. Trong gia đình của tôi, từ dáng dấp ngôi nhà, đến một số vật dụng trong nhà đều được giữ gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, do trải qua nhiều năm sử dụng, hiện tại nhiều ngôi nhà cổ gần như xuống cấp. Để đảm bảo cho cuộc sống sinh hoạt, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình đã sửa chữa nhưng nếp nhà cổ vẫn được người dân gìn giữ.

Ông Nguyễn Duy Đào - Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên cho biết: Qua nhiều thế hệ, người dân phố Đầm luôn tự hào và có ý thức về giá trị cũng như trách nhiệm gìn giữ nếp nhà xưa. Trong những năm qua cũng đã có nhiều đoàn về tham quan, nghiên cứu về những ngôi nhà cổ này. Hiện nay xã cũng mới chỉ làm công tác tuyên truyền để người dân giữ gìn những ngôi nhà cổ này. Thiết nghĩ, về lâu dài, cần có cơ chế chính sách để giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị nét kiến trúc nhà cổ phố Đầm.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]