(vhds.baothanhhoa.vn) - Sông Lấp nối giữa sông Yên và sông Hoàng là hệ thống tưới, tiêu chính của người dân xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương) và xã Tế Nông (huyện Nông Cống). Thế nhưng, từ năm 2005, chính quyền 2 xã Quảng Phúc và Tế Nông đã tự ý cho cá nhân thuê thầu gần 5km lòng sông để nuôi thủy sản bất chấp quy định của pháp luật và những ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất của người dân trong vùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chính quyền xã cho thuê sông, người nông dân điêu đứng

Sông Lấp nối giữa sông Yên và sông Hoàng là hệ thống tưới, tiêu chính của người dân xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương) và xã Tế Nông (huyện Nông Cống). Thế nhưng, từ năm 2005, chính quyền 2 xã Quảng Phúc và Tế Nông đã tự ý cho cá nhân thuê thầu gần 5km lòng sông để nuôi thủy sản bất chấp quy định của pháp luật và những ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất của người dân trong vùng.

Từ khi sông bị cho thuê, cả 2 cửa cống (cửa trên thuộc xã Quảng Phúc, cửa dưới thuộc xã Tế Nông) để nước ra vào đã bị chủ thầu quản lý, nên cánh đồng cói của người dân dọc sông lúc thì thừa nước, lúc lại thiếu nước. Nước chỉ được điều tiết tùy theo nhu cầu đóng mở cống của chủ thầu, khiến cho nhiều năm qua, hơn 20ha cói ở xã Quảng Phúclúc thì bị chết khô vì không có nước, khi lại ngập úng.

Bà Trần Thị Duyên, thôn Ngọc Đới I, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương cho biết: Từ khi sông bị cho thuê, sản lượng cói giảm hẳn, trước đây mỗi vụ thu được từ 6 - 7 tạ cói/sào, giờ chỉ còn 4 tạ thôi, cây chậm phát triển vì bị phụ thuộc nước tưới tiêu - yếu tố quan trọng quyết định đến sản lượng của cây cói.

Tình trạng người nông dân không thể chủ động nước tưới tiêu bắt đầu từ năm 2005, khi chính quyền 2 xã Quảng Phúc và Tế Nông tự ý ký hợp đồng cho phép 1 người dân sử dụng gần 5 km lòng sông Lấp để khai thác thủy sản. Đến năm 2013 khi kết thúc hợp đồng cũ, chính quyền 2 xã lại tiếp tục cho ông Lê Thanh Vân ở xã Quảng Phúc thầu nuôi trồng thủy sản với thời hạn đến tháng 5/2031, giá thuê là 20 triệu đồng/năm và số tiền này được chia đều cho cả 2 xã. Thuê lòng sông, cá nhân này nghiễm nhiên quản lý cả 2 cửa cống tiêu thoát nước. Và cũng từ đó, cánh đồng trồng cói của người dân luôn trong tình trạng mùa mưa thì úng, mùa nắng thì hạn, sản lượng cói bị sụt giảm nghiêm trọng.

Quá bức xúc, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương. Thế nhưng sự việc chỉ dừng lại khi thanh tra huyện Quảng Xương phát hiện và vào cuộc.

Cửa trên của sông Lấp thuộc địa bàn xã Quảng Phúc.

Ông Hoàng Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương cho biết: Việc chính quyền địa phương 2 xã cho thuê 5 km sông Lấp là có thật, chúng tôi đã làm việc với nhà thầu để thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên phía nhà thầu đòi bồi thường và xin kéo dài thêm đến tháng 12/2019 để thu hoạch thủy sản mới thả và thu dọn.

UBND xã Quảng Phúc đã có thông báo đến hộ gia đình ông Lê Thanh Vân về việc thanh lý hợp đồng cho thuê sông đã ký, yêu cầu hộ gia đình ông Vân phải bàn giao lại 5km lòng sông và 2 cửa cống.

Về phía UBND xã Tế Nông, ông Phạm Trọng Hưởng - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Cống dưới thuộc xã Tế Nông do đã xuống cấp lại có khẩu độ cống rất nhỏ nên lượng lưu thông không đảm bảo cho dòng chảy. Khi có mưa lớn, nước đổ dồn về không tiêu nước kịp đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Hiện, phía nhà thầu đã bàn giao lại tay quay cống cho Ban lãnh đạo thôn để điều chỉnh nước sông cho phù hợp. Vấn đề này lãnh đạo UBND huyện Nông Cống đã trực tiếp xuống kiểm tra hệ thống cống và đã báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh để xin mở rộng cống.

Rõ ràng, đằng sau sai phạm kéo dài nhiều năm của chính quyền hai xã Quảng Phúc và Tế Nông là sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền hai huyện Quảng Xương và Nông Cống. Chính sự buông lỏng này đã khiến cho người nông dân hai xã điêu đứng trong sản xuất.

Anh Hương


Anh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]