(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn (trong tổng số gần 300.000 dân công của cả nước); đóng góp hơn 11.000 xe đạp thồ (chiếm hơn nửa số xe đạp thồ phục vụ chiến dịch), 1.300 chiếc thuyền nan, 31 ô tô, 47 con ngựa...; vận chuyển lên mặt trận hơn 10.000 tấn lương thực, hàng nghìn tấn xăng dầu, vũ khí đạn dược, thực phẩm, thuốc men... Ngay sau chiến thắng vĩ đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng nhân dân Thanh Hóa: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện của chính trị viên xe đạp thồ mặt trận Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn (trong tổng số gần 300.000 dân công của cả nước); đóng góp hơn 11.000 xe đạp thồ (chiếm hơn nửa số xe đạp thồ phục vụ chiến dịch), 1.300 chiếc thuyền nan, 31 ô tô, 47 con ngựa...; vận chuyển lên mặt trận hơn 10.000 tấn lương thực, hàng nghìn tấn xăng dầu, vũ khí đạn dược, thực phẩm, thuốc men... Ngay sau chiến thắng vĩ đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng nhân dân Thanh Hóa: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Đóng góp của lực lượng dân công Thanh Hóa trong chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ vô cùng to lớn, trong đó có dân công xe đạp thồ đã ghi những thành tích nổi bật.

Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn được gặp và hỏi chuyện một chính trị viên đại đội dân công xe đạp thồ ở TP Thanh Hóa đã phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ từ 24/3 đến 3/5/1954.

Cụ tên là Trần Khôi, cũng có tên nữa là Trần Đức Khôi. Cụ Khôi năm nay 93 tuổi. Trước khi nghỉ hưu, cụ Khôi đã có một nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thị ủy Thanh Hóa (nay là Thành ủy) và bốn nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa).

Nhà cụ ở số 10 phố Ngô Văn Sở, một phố nhỏ cách phố Lê Hoàn, TP Thanh Hóa không xa. Căn phòng khách nhỏ được bài trí hài hòa có 2 bức ảnh được treo trang trọng giữa những tấm huân huy chương, bằng khen giấy khen của cụ.

Chính trị viên Trần Khôi và các cán bộ chủ chốt xe đạp thồ thị trấn đặc biệt Thanh Hóa ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Để việc hồi cố của mình thêm thuận lợi và cũng muốn giúp chúng tôi được mục sở thị những vật chứng thiêng liêng của một thời hào hùng cách đây 60 năm, cụ Trần Khôi cẩn trọng lấy ra những giấy tờ sổ sách ghi danh tính các chỉ huy, đội viên, các quyết định điều động, các con số nhận giao lương thực, thực phẩm, thuốc men... thậm chí có cả các con số ghi lại số săm lốp xe đạp, áo che mưa được cấp, giải thích vắn tắt nhưng đầy đủ thông tin từng vật chứng rồi cụ rủ rỉ kể: Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Thanh Hóa là vùng tự do, thị xã Thanh Hóa được gọi là thị trấn đặc biệt Thanh Hóa. Để tránh máy bay Pháp oanh tạc các cơ quan chủ chốt của tỉnh và thị trấn đặc biệt đều sơ tán lên mạn Rừng Thông (khi ấy còn trực thuộc huyện Đông Sơn), Bôn (Thiệu Hóa), Xuân Tín (Thọ Xuân). Song nhiều cơ quan vẫn có bộ phận tiền phương bám trụ tại thị trấn đặc biệt Thanh Hóa. Các hoạt động dân sinh được chuyển về đêm. Cứ tối đến là đường phố thị xã và chợ búa lại đông vui nhóm họp. Cả một vùng rộng lớn xung quanh thị xã được nhiều người gọi là thủ đô của vùng tự do khu Bốn. Đặc biệt trong những năm thiếu tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh, khu trưởng, giới trẻ trong thị xã rất thích phong cách và trang phục của ông. Nhiều người xin đi Vệ Quốc đoàn để mong làm lính của khu trưởng, tư lệnh Nguyễn Sơn.

Được tin quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và huênh hoang tuyên bố: Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm mạnh nhất Đông Dương. Lúc đó, bác Khôi đang là cán bộ tổ chức của thị ủy thị trấn đặc biệt Thanh Hóa thì được điều đi làm chính trị viên một trong những đại đội chọn lọc của binh đoàn ngựa sắt. Đại đội có trên 100 người, tập trung lấy hàng ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân vào ngày 24/3/1954. Trước đó, Bộ Tổng tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh trong 2 ngày 3 đêm sang đánh chắc tiến chắc, có thắng mới đánh.

“Chúng tôi cũng được biết hôm 6/3/1954 chỉ huy trưởng bộ chỉ huy Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ Đờ Cát gửi thư thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nghe tin ngài đưa nhiều sư đoàn lên đây giao chiến và định đem quân vào ăn tết ở Điện Biên Phủ, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài”. Cầu được, ước thấy. Ngày 17/3/1954 quân ta đã nổ súng mở màn đợt 1 chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ phân khu phía Bắc của tập đoàn cứ điểm gồm các đồi Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo.

Tin vui làm nức lòng anh em dân công xe đạp thồ chúng tôi. Mọi người chỉ mong sao sớm nhận được gạo để kịp chở lên phục vụ mặt trận. Đọc báo thấy đăng lời của tên đại tướng Na-Va nói rằng: “Việt Minh đưa lên đây 21 cân gạo thì ăn hết 20 cân”. Có anh dân công đã vận thơ: “Đồ mày mũi lõ, tóc hung/ Biết đâu được mẹo các ông mà lần/ Đồ mày mũi lõ tóc quăn/ Việt Minh diệu kế như thần, chờ xem”. Chúng không hiểu được rằng, người dân công trên đường lên Điện Biên đã tự lo đủ số lương thực nuôi mình, và luôn được nhân dân nơi họ đi qua giúp đỡ, được rừng che chở và rừng nuôi bằng các sản vật. Chưa kể trên đường vận chuyển với tinh thần Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để giải phóng Điện Biên Phủ, người dân công còn nghĩ ra nhiều phương kế kỳ diệu để tăng năng suất vận chuyển, đi nhiều chuyến, bảo quản gạo, thực phẩm, vũ khí, thuốc men... an toàn nhất. Vì vậy đến khi thua trận rồi thì chính Na-Va cũng phải thừa nhận: “Chúng ta thua ở Điện Biên Phủ vì chiếc xe đạp thồ Pơ-giô, Xanh Tê-chiên của người Pháp”.

“Đại đội xe đạp thồ của chúng tôi có quân số ổn định tròn 100 người. Lúc đầu nhận hàng, mỗi người đóng hai bì gạo, mỗi bì 50 kg, xuất phát từ kho hàng Xuân Lập, huyện Thọ Xuân ngược hướng Tây, tiến lên Ngọc Lặc, từ đó sẽ đi qua Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa rồi sang đất Hòa Bình để hành quân lên Điện Biên. Nếu đi theo đường 15 rồi sang đường 41 thì khoảng cách hơn 300 km. Nhưng để tránh bị máy bay Pháp oanh tạc và các bến đò phà sông lớn, chúng tôi đi theo đường dã chiến mới mở. Theo hành trình này, khoảng cách sẽ là 500 km. Chở nặng, đường xấu, xe đạp bắt đầu bị nổ săm, xé lốp, gãy càng trước. Hai công binh vá chữa hết công suất vẫn không thể khắc phục được. Nhiều sáng kiến được đưa ra: xé áo may ô, viền chăn chiên ra quấn quanh săm trước khi cho vào lốp bơm hơi. Hoặc những chiếc lốp cũ được cắt hai bên tanh để độn vào hai bên lốp chính, như vậy lốp xe đạp sẽ có bốn lớp ôm vào vành xe gồm: Săm, lớp vải quấn, lốp độn và lốp chính. Đây là sáng kiến phát huy tác dụng nhất, từ đó trở đi, mỗi khi lên đường cho một hành trình mới, dân công xe đạp thồ chúng tôi không còn lo lắng chuyện nổ săm, xé lốp nữa.

Cụ Khôi nói và kể tiếp về cuộc hành quân của đơn vị dân công xe đạp thồ thị trấn đặc biệt Thanh Hóa mà cụ là chính trị viên: Chúng tôi vượt qua địa phận Suối Rút, hết địa phận trung tuyến, để sang vùng hỏa tuyến. Quân số vẫn đảm bảo đầy đủ, gạo đã nâng lên theo bình quân đầu người. Tin tức thắng trận ở Điện Biên Phủ cuối tháng 4 đầu tháng 5/1954 dội đến từng ngày. Ai cũng mau chóng để đến được gần mặt trận hơn. Ngày 3/5/1954, nghĩa là còn ít ngày nữa mới kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ thì đại đội xe đạp thồ chúng tôi được Tổng cục Cung cấp tuyên dương là đơn vị khá nhất. Anh em vô cùng phấn khởi trong cái phấn khởi chung từ các chiến công của bộ đội đang đánh những trận cuối cùng ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Chúng tôi chưa đến được Điện Biên Phủ thì mặt trận kết thúc thắng lợi giòn giã. Theo lệnh trên, chúng tôi được phép trở về địa phương gấp. Thế là 100 chàng trai của thị trấn đặc biệt Thanh Hóa đạp xe trở về quê hương trong không khí mừng công như hội của các làng bản, phố xá dọc đường.

Cụ Trần Khôi tìm tư liệu, đưa cho tôi xem các bài báo, các bức ảnh về các hạt nhân tiêu biểu; các bằng khen, giấy khen của Tổng cục Cung cấp, của tỉnh Thanh Hóa ghi nhận thành tích của cả đại đội.

Sau đó, cụ kể tiếp: Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước lực lượng dân công xe đạp thồ Điện Biên lại được huy động để phục vụ hỏa tuyến Khu 4. Hồi đó đang là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Thanh Hóa, cụ được điều đi làm chính trị viên một đơn vị dân công hỏa tuyến của thị xã Thanh Hóa, cũng là dân công xe đạp thồ. Cụ Trần Khôi nhớ lại, Thanh Hóa ngày ấy chi viện cho hỏa tuyến lớn lắm. Đoàn công tác chi viện do chính Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Hiều làm trưởng ban, hoạt động từ Nam Nghệ An đến giới tuyến sông Bến Hải. Đoàn này được gọi là đoàn Điện Biên.

Đơn vị dân công xe đạp thồ hỏa tuyến thị xã Thanh Hóa do cụ Trần Khôi làm chính trị viên được cắm chốt chở hàng ở vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Con đường đi lại của đơn vị là hơn 10 km đường rừng có mấy chốt trọng điểm. Trong đơn vị ngoài chính trị viên Trần Khôi còn có một số cựu dân công xe đạp thồ Điện Biên. Tinh thần Điện Biên lại một lần nữa thắp sáng trong ý chí quyết thắng của dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa. Các kỷ lục 15 tấn/ngày/người được nâng lên 17,5 tấn rồi 21 tấn/ngày. Các kiện tướng Dũng, Phúc, Đen, Khánh, Bình, Nhi, Dương, Quỳnh, Ngọc... đã chở đến 4 tạ/chuyến. Thậm chí ông Dũng có chuyến chở đến 680kg. Kỳ tích này đã được ghi nhận bằng văn bản của Ủy ban hành chính huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mà cụ Trần Khôi còn giữ được. Tên các kiện tướng vừa nêu trên là tôi ghi từ văn bản đó ra. Rất tiếc người ký văn bản đã không cho đánh máy đầy đủ họ tên, năm sinh, địa chỉ cụ thể của họ. Theo cụ Trần Khôi, đơn vị có được thành tích vượt bậc ấy là do sử dụng các kinh nghiệm hồi đi chiến dịch Điện Biên Phủ, là ý chí và niềm tự hào được mang tên đoàn Điện Biên lịch sử năm xưa.

Cụ bà Dương Thị Minh, vợ cụ Trần Khôi ngồi nghe cụ ông kể chuyện rất chăm chú. Khi cụ ông kết thúc câu chuyện liền quay sang vợ nói:

- Bà nhà tôi cũng có tinh thần Điện Biên Phủ lắm đấy. Hồi có phong trào đóng góp xe đạp cho mặt trận Điện Biên, bà ấy đã góp một nửa chiếc xe đạp Xanh Tê-chiên và ở nhà trông các cụ hai bên nội ngoại, nuôi các con ngoan, khỏe để tôi yên tâm ngoài mặt trận”. Cụ bà vui vẻ góp lời: “Trai thời loạn, các ông mới làm nên trò chứ chị em phụ nữ chúng tôi đóng góp được tí chút nào có đáng gì”.

Lúc hai cụ tiễn tôi, cụ Trần Khôi lại nhắc về ba cụ lập kỷ lục của binh chủng ngựa sắt là cụ Bùi Tín, cụ Đào Đức Tỵ và cụ Nguyễn Văn Ngọc. Cụ Khôi cứ tiếc, giá các cụ ấy còn sống thì sẽ kể được nhiều chuyện hay hơn. Rồi cụ nói thêm, ở Thanh Hóa vẫn còn một số “cựu” dân công xe đạp thồ Điện Biên Phủ, nếu tôi có điều kiện thì nên gặp hỏi thêm chuyện của họ. Tôi vâng lời và hứa sẽ coi đó như một điều đáng nhớ, phải nhớ.

Lê Ngọc Minh


Lê Ngọc Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]