(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi gọi Nguyễn Văn Sinh là “gã giám đốc liều” là bởi, 2 chức giám đốc anh có cũng từ sự dấn thân đến mạo hiểm. Kể cả những lúc khó khăn, cái tóc treo cái nợ nhưng chưa bao giờ anh chịu khuất phục. Anh nói: “Vì nghèo nên liều thôi”.

Chuyện “gã giám đốc liều” trên lòng hồ Cửa Đạt

Tôi gọi Nguyễn Văn Sinh là “gã giám đốc liều” là bởi, 2 chức giám đốc anh có cũng từ sự dấn thân đến mạo hiểm. Kể cả những lúc khó khăn, cái tóc treo cái nợ nhưng chưa bao giờ anh chịu khuất phục. Anh nói: “Vì nghèo nên liều thôi”.

Chuyện “gã giám đốc liều” trên lòng hồ Cửa ĐạtNgoài kinh doanh dịch vụ du lịch, Nguyễn Văn Sinh còn là Giám đốc HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt.

1.Sắp 5 năm, kể từ lần tôi được cái duyên đồng hành với Nguyễn Văn Sinh thả lưới, quăng chài trên hồ Cửa Đạt trong lần cùng bạn đồng nghiệp ngược ngàn lên huyện Thường Xuân mục sở thị cái nghề mới nổi trên vùng lòng hồ. Một ngày ròng chung chiêng trên con thuyền nhỏ, tận nếm vị mặn chát mồ hôi túa ra dưới trời nắng tháng 6 và cảm giác được đón những mẻ trắm, mẻ lăng nặng đến cả yến là trải nghiệm không phải ai cũng may mắn có được.

Đêm buông xuống lòng hồ tĩnh lặng, trong túp lều rách toác thấy cả sao trời trên cái bè tròng trành theo sóng nước, tôi hỏi Sinh: Tuổi còn trẻ, vài cheo lưới với cái chài thì đến lúc nào mới giàu được? Sinh suy tư để lộ những nếp nhăn trên khuôn mặt gầy guộc, thườn thượt tiếng thở dài, rồi kể tôi nghe về những tháng ngày qua bươn chải nơi xứ người.

Sinh năm 1987, là anh cả trong gia đình thuần nông ở thôn Hòa Lâm, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), từ nhỏ Nguyễn Văn Sinh đã phải làm lụng đủ thứ việc phụ giúp bố mẹ nuôi 2 người em ăn học. Mới chỉ học hết lớp 9, Sinh đã phải theo chân người lớn trong làng vào Bình Dương mưu sinh. Làm lao động tự do được vài tháng, cậu nhận ra cần phải có tay nghề thì mới có công việc, thu nhập ổn định. Thế rồi Sinh vừa học nghề sửa chữa máy may công nghiệp vừa học bổ túc văn hóa. Thành thạo một nghề khá hót ở vùng đất với nhiều nhà máy may của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chả mấy chốc mà anh có của ăn của để, rồi tiền cưới vợ. Nghĩ rằng sẽ không thể mãi đi ở trọ, làm thuê nơi đất khách, nên năm 2010, anh quyết vợ chồng con cái bìu díu trở về với dự định làm chủ.

Sinh vay mượn thêm, mua một chiếc xe trọng tải 9 tấn để buôn bán hoa quả. Ban đầu thu mua dứa gai ở vùng Nông trường Thống Nhất chở ra Hà Nội tiêu thụ, sau là ngược lên Tuyên Quang, Sơn La mua hoa quả bán sang Trung Quốc. Lúc làm ăn được vợ chồng anh mua thêm một chiếc xe tải, rồi thuê người làm. Nhưng rồi, trong một lần chốt giá đơn trước mấy chục vườn quả của người dân với cả nghìn tấn hàng, khi quả chín, giá bán trên thị trường tụt xuống chỉ còn chưa đầy một nửa so với giá cam kết thu mua với người dân. “Thế là toang. Vốn ngắn không đủ nuôi nghề, em bán hết xe tải mà vẫn còn nợ gần tỷ bạc nên quay về quê nhà vùi mình giữa lòng hồ này để kiếm cơm qua ngày. Số em đen”, Sinh thở dài.

Tôi hỏi: Tới đây chú sẽ đi đâu. Sinh quả quyết: “Em đi mãi rồi, cũng chả khá lên được. Tỉnh Thanh Hóa mình đang phát triển, chắc chắn cơ hội sẽ đến với em ở ngay tại quê hương”.

2.Sáng nay, hồ Cửa Đạt ào ạt gió thổi, lúc cùng mấy người bạn lênh đênh trên lòng hồ đưa mắt về phía đại ngàn bao la hùng vĩ, tôi đã nhận ra Sinh vận chiếc áo phao cứu hộ màu vàng ệch, nụ cười tươi, tay cầm vô lăng lái thuyền. Nguyễn Văn Sinh vẫn đen đúa, chai sạm nhưng giờ đã vạm vỡ hơn và có tới 2 chức giám đốc, một của Công ty TNHH du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt và một của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt.

Tôi tròn mắt, còn Sinh cười: "Chuyện dài lắm anh! Công ty TNHH du lịch Xuân Liên làm ăn thua lỗ, trên đà phá sản. Dù còn nợ ngân hàng, nhưng cuối năm 2018 em vẫn rủ thêm anh em bạn bè góp vốn mua lại với hơn 300 triệu đồng. Trụ sở công ty khi ấy chỉ là một cái nhà bè dập dềnh trên lòng hồ và 3 con thuyền cũ chuẩn bị bán sắt vụn. Nhưng em nghĩ du lịch lòng hồ sẽ khởi sắc thôi”.

Tôi hỏi: Liều thế. Vợ chồng con cái vẫn ở nhờ nhà ông bà nội, nếu thua lỗ tiếp thì chú lấy gì nuôi con. Sinh nói: “Em nghèo nên liều thôi anh".

Từ ngày Sinh làm du lịch, hoạt động du thuyền trên lòng hồ đã trở nên chuyên nghiệp hơn từ thái độ, cung cách phục vụ đến chất lượng dịch vụ. Công tác quảng bá cũng được anh đầu tư bằng nhiều hình thức, cả trên báo chí và mạng xã hội. Du khách đến ngày càng nhiều, năm đầu tiên anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Nhận thấy vẫn còn nhiều thời gian rảnh, nhất là vào những tháng lòng hồ không có khách (hồ Cửa Đạt thường có khách từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm), cuối năm 2019, anh đầu tư 15 lồng nuôi cá với hơn 300 triệu đồng. Cùng lúc, anh vận động các hộ nuôi cá trên hồ đoàn kết lại để làm ăn. HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt được thành lập vào đầu năm 2020, tập hợp 26 hộ với gần 200 lồng cá, do Nguyễn Văn Sinh làm giám đốc.

Cũng từ đây, Sinh cùng với các thành viên trong ban giám đốc lại rong ruổi đến nhiều tỉnh, thành phố tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, tìm nguồn giống và thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng cho HTX. Thu nhập của các hộ thành viên nhờ đó mà được nâng cao hơn, Sinh chiếm được niềm tin của bà con nuôi cá lồng.

Chuyện “gã giám đốc liều” trên lòng hồ Cửa ĐạtVới Nguyễn Văn Sinh, phục vụ du khách tham quan lòng hồ Cửa Đạt trước hết phải an toàn.

Những tưởng với 2 chức giám đốc đã là cơ đồ chắc chắn ăn nên làm ra, nhưng đại dịch COVID-19 ập đến đúng lúc anh vừa đóng mới 2 con tàu trị giá cả tỷ đồng. Thế rồi con cá lồng mất giá, 2 con tàu mới cũng đành phải ghếch mũi vào bờ dầm dề trong nắng gió. “COVID-19 nó ghê gớm lắm anh ạ. 2 năm trời em chạy đôn chạy đáo xoay tiền trả lãi. Nhiều người chê bai em. Có người còn bảo, mật đấy vào mà húp. Nhưng kệ, khó khăn rồi sẽ qua, ngày mai trời lại sáng thôi", Sinh bộc bạch.

Từ ngày du lịch mở cửa trở lại (15-3), 2 con thuyền phăng phăng rẽ nước đưa du khách lướt trên hồ. Ngày nào nhiều, công ty của anh phục vụ tới 4 đoàn khách với trên trăm người. Thực phẩm chủ yếu là các loại rau rừng, cá hồ, lợn rừng, gạo nếp... phục vụ du khách được công ty hợp đồng với các hộ dân bản địa. Đến như con thuyền phục vụ du khách của Sinh cũng to và mới hơn hẳn những con thuyền khác... nhưng giá dịch vụ không khác.

Giám đốc Sinh bộc bạch: “Làm du lịch không thể chộp giật được. Không thể có suy nghĩ giờ phải lấy đắt dịch vụ để bù đắp cho 2 năm vắng khách do dịch. Mình làm dịch vụ phải cố gắng để du khách hài lòng, có được trải nghiệm tương xứng với số tiền họ đã bỏ ra”.

3.Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nói với tôi: “Sinh là người trẻ nhưng giàu ý chí và nghị lực. Kể cả trong lúc khó khăn nhất, nhưng cậu ấy cũng không từ bỏ ý chí và khát vọng làm giàu. Giờ đây, Sinh đang là hạt nhân, cùng với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và các cấp chính quyền phát triển du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt”.

Trong câu chuyện với ông Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tôi hiểu thêm những khó khăn mà Sinh và những hộ dân làm du lịch vùng lòng hồ đang gặp phải, đó là hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch chưa được đầu tư, cơ sở lưu trú còn chưa có, công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng chưa được thực hiện thường xuyên...

Đi lên từ những nợ nần để gây dựng nên một công ty, một HTX với thu nhập dự kiến khoảng 500 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục lao động địa phương với Nguyễn Văn Sinh là một hành trình không mệt mỏi, với cả ý chí, nghị lực lớn lao và cả sự mạo hiểm. Và Sinh cũng là một câu chuyện thật nhất giúp thay đổi tư duy về cách phát triển kinh tế nhờ vào du lịch với người dân trong vùng. Anh làm một tấm gương sáng, dám chấp nhận đi đến tận cùng những khó khăn để nếm trải, tìm tòi, rồi nỗ lực vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương.

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]