(vhds.baothanhhoa.vn) - Phạm Thị Thùy Linh sinh ra ở làng Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung. Cô gái sinh năm 1994 nhanh nhẹn, tự tin giới thiệu với chúng tôi về mẫu bao bì của sản phẩm Dầu lạc nguyên chất LP mà cô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đánh giá đạt chất lượng OCOP 3 sao năm 2019.

Cô gái 9X xây dựng thương hiệu OCOP

Phạm Thị Thùy Linh sinh ra ở làng Thượng Phú, xã Hà Đông, huyện Hà Trung. Cô gái sinh năm 1994 nhanh nhẹn, tự tin giới thiệu với chúng tôi về mẫu bao bì của sản phẩm Dầu lạc nguyên chất LP mà cô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đánh giá đạt chất lượng OCOP 3 sao năm 2019.

Cô gái 9X xây dựng thương hiệu OCOP

Phạm Thị Thùy Linh bên sản phẩm Dầu lạc LP.

Lợi thế lớn nhất của Phạm Thị Thùy Linh là gia đình chồng có nghề ép dầu lạc, vừng, đậu đã hơn 20 năm ở thôn Kim Sơn, xã Hà Đông (Hà Trung). Tuy nhiên, khi tiếp xúc với mọi công đoạn, chị nhận thấy việc sản xuất đang còn rất thô sơ, thủ công, vì thế, sản phẩm làm ra có số lượng thấp, tiêu thụ chủ yếu cho người trong làng. Trong khi đó, bạn bè cùng trang lứa của chị nhiều người biết tận dụng công nghệ vào sản xuất để sản phẩm đạt tối ưu. Chị chia sẻ: “Bạn bè tôi tự làm tinh dầu xả, dầu gội, bột sắn dây và phát triển thành thương hiệu. Tại sao sản phẩm gia đình tốt mà chẳng ai biết đến?”.

Từ suy nghĩ đó, Thùy Linh đề cập với gia đình về sự thay đổi cách sản xuất. Mọi người phản đối, nào từ “vớ vẩn, làm sao được, nghề gia đình bao nhiêu năm đang ổn định”, “đang yên đang lành, bỏ ra một đống tiền rồi liệu có hơn tí nào không”. Lúc ấy, chị không có tiền, lại thêm hàng xóm chỉ chỏ “nếu làm sao không để tên ông bà?”. Nhưng với quyết tâm của mình, chị chuẩn bị mọi hồ sơ để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cuối cùng, chị đã thuyết phục gia đình bằng lý lẽ: Bố mẹ làm nghề này hơn 20 năm rồi nhưng không ai biết đến. Vì vậy cần phải có sự thay đổi, cần phải xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm? Lo lắng “ngựa non háu đá” nhưng cuối cùng thì ông bà đành phải đồng ý đầu tư.

Chỉ sau 2 năm từ sản phẩm dầu lạc gia truyền, nhờ đầu tư hệ thống máy ép lạc tự động, nồi hơi… và hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, nhãn mác, bao bì, tem mã vạch… số tiền đầu tư lên tới hơn 400 triệu đồng, Thùy Linh đã xây dựng cho sản phẩm dầu lạc nhãn hiệu LP, được khách hàng không chỉ Thanh Hóa mà ở Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…tin dùng. “Có những thời điểm lo mất ăn mất ngủ, nhưng nghĩ bản thân còn quá trẻ, sai chỗ nào đứng dậy chỗ đó” - Thùy Linh chia sẻ.

Làm thế nào để sản phẩm Dầu lạc LP có được nguồn khách riêng? Thùy Linh cho rằng: “Cách tốt nhất tôi nghĩ mình có thể và nên làm là tập trung vào sản phẩm. Sản phẩm tốt, chắc chắn sẽ được khách hàng lựa chọn”. Về sự khác nhau giữa dầu thực vật hiện đang bán ngoài thị trường với sản phẩm của mình, Thùy Linh cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi đặc hơn, giá bán đến tay người tiêu dùng là 110.000 đồng/ lít, cao gấp đôi so với các sản phẩm ngoài thị trường. Tuy vậy, vì rất đặc nên siêu tiết kiệm. Quan trọng là Dầu lạc LP chịu được điểm khói, chịu được nhiệt độ nóng chảy lên tới hơn 600OC nên khi chiên rán không bị mùi khét, tanh và thực phẩm chiên xong để lâu vẫn giòn”.

Công đoạn để có một sản phẩm không khái mùi hay khó chịu, đòi hỏi thời gian và quá trình lọc tinh chất dầu nhiều hơn. Phương pháp thủ công trước đây là sau khi ép, lọc thì sẽ đóng chai ngay. Còn với Dầu lạc LP, ít nhất phải sau 20 ngày mới đưa vào đóng chai. Chỉ cần một tạp chất như: nước, bụi, hay không khí vào cũng dễ bị hỏng.

Tôi thắc mắc tại sao sản phẩm dầu lạc nhiều nhà làm và bán nhưng sản phẩm Dầu lạc LP lại có thể trở thành sản phẩm OCOP thì Thùy Linh cho biết: Để có được giấy chứng nhận đó, sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình khép kín và là sản phẩm tiềm năng, tiêu thụ tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Với mong muốn đưa sản phẩm của bà con địa phương có giá trị cao hơn và đưa thương hiệu của mình đi xa vươn xa, Thùy Linh không sử dụng phân phối sản phẩm nhỏ lẻ, mà tập trung vào xây dựng hệ thống mạng lưới bán hàng. Tính đến nay, chị đã kết nối, hình thành được hệ thống gần 100 đại lý trên toàn quốc, chủ yếu là phía Bắc. Chị cho biết: “Nếu không có hệ thống mà chỉ đi một mình chắc chắn sẽ lạc lõng, sẽ khó gây dựng được lượng khách hàng lớn. Rõ ràng khi không phải người địa phương thì việc tiếp thị sản phẩm sẽ khó hơn nhiều. Vì thế, tôi để khâu tiêu thụ cho đại lý hoặc các cộng tác viên. Nói như thế không có nghĩa là sản phẩm bị đẩy giá, thay vì thuê cửa hàng, thuê người đứng bán và rất nhiều chi phí khác thì việc chiết khấu cho đại lý sẽ đơn giản hơn nhiều. Chẳng hạn, để mở một cửa hàng bán ở Hà Nội là rất khó nhưng để cấy sản phẩm ở các siêu thị mini, các cửa hàng thực phẩm sạch lại không khó”.

Thùy Linh xác định còn phải học dài lâu, đặc biệt là học những “ông lớn". Vì thế, kể cả không được trực tiếp đến hầu hết các cơ sở sản xuất dầu lạc, dầu mè... thì thông qua mạng xã hội, chị vẫn có thể biết, tiếp cận những công nghệ mới. Điều đang làm đau đầu cô gái này, chính là nguồn nguyên liệu. Hiện, gia đình chị đang thu mua lạc từ các huyện: Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, thị xã Nghi Sơn...; trong đó, theo chị, nguồn lạc ở Nga Sơn và Hoằng Hóa là chất lượng nhất vì là vùng đất cát, lạc xốp củ, tươi ngon hơn. Tuy vậy, việc mua qua thương lái đã đẩy giá lạc nguyên liệu lên cao - tới 18.000 đồng/kg thay vì mua giá 15.000 đồng/kg trực tiếp của người dân. “Không chủ động được nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá sản phẩm. Tôi rất muốn liên kết để làm khép kín từ khâu nguyên liệu đến sản xuất, bảo quản và bán ra thị trường. Vấn đề hiện nay là địa phương không có quỹ đất tập trung, để làm được dự án đó là khó”, Thùy Linh chia sẻ.

Chỉ hơn 2 năm, cô gái tốt nghiệp Khoa Kinh tế - Quản trị của Đại học Hồng Đức đã có những bước tiến dài trong việc xây dựng và phát triển một sản phẩm truyền thống. Khi được hỏi: Có lúc nào chị thấy mình liều và có chút nuối tiếc không? Rất tự tin, Thùy Linh nói nhanh: “Liều quá đi chứ, nhưng tôi không tiếc, có lúc tôi còn nghĩ: Sao mình không làm sớm hơn”? Ngoài sản phẩm dầu, chị còn tận dụng các phế phẩm như bã lạc bán để làm thức ăn chăn nuôi; vỏ lạc làm phân bón.

Có được sự tự tin ấy, vì hiện nay mỗi tháng trừ tất cả mọi chi phí, Thùy Linh thu về khoảng trên 100 - 120 triệu đồng. Thời điểm này đang là mùa cao điểm thu gom lạc. Trong nhà Thùy Linh có hơn 10 người tham gia các công đoạn từ nhặt lạc, phơi lạc, bốc lạc, xuống lạc... Mỗi người một việc, nhanh thoăn thoắt để đáp ứng dây chuyền sản xuất mới, công đoạn ép dầu nhanh gấp 1,5 lần so với cách làm thủ công. Qua tính toán, Thùy Linh cho biết, mỗi tháng cơ sở ép từ 1.500-1.800 lít dầu, doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng.

Xây dựng thương hiệu đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tuy nhiên Thùy Linh vẫn phát triển hệ thống của mình. Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm dầu cho bé sẽ ra mắt trong thời gian gần, chị chia sẻ: “Mỗi chiếc vỏ chai nhựa sinh học giá 12.000 đồng chưa bao gồm thuế. Tôi muốn sản phẩm hữu cơ thì phải đạt tiêu chuẩn từ bao bì đến chất lượng. Đây là sản phẩm tôi tâm huyết, hy vọng sẽ được các bà mẹ có con nhỏ lựa chọn và ủng hộ”.

Phạm Thị Thùy Linh, 27 tuổi, nhỏ nhắn nhưng đầy sự mạnh mẽ, dám làm dám chịu. Còn nhiều dự định trước mắt, nhưng hơn hết Thùy Linh cho biết: “Làm cái gì cũng cần phải đam mê, phải quý trọng cái mình làm ra. Tôi sinh ra ở nông thôn, gắn bó với cây lạc cây vừng và nhờ sản phẩm lạc mọi người đã biết đến tôi, đến những người dân làng Thượng Phú. Tôi biết ơn vì điều đó để hoàn thiện mình hơn nữa”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]