(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 1999, UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới. Nhắc đến Hội An, ta nhớ đến một di sản đô thị phố cổ phát triển rực rỡ vào thời Chúa Nguyễn “mang gươm đi mở cõi” ở Đàng Trong. Để đến hôm nay, ở Hội An xứ Quảng còn đó hệ thống di sản với những công trình văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, lịch sử, làng nghề... được bảo tồn khá nguyên vẹn và vô cùng độc đáo. Hội An không chỉ nổi bật bởi sự kết hợp của các nền văn hóa qua các thời kỳ mà nó còn là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống. Dễ hiểu vì sao Hội An hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến vậy. Ngay giữa lòng TP Thanh Hóa, cũng có một “không gian” Hội An để người dân xứ Thanh khi nhớ về người anh em kết nghĩa Quảng Nam có thể ghé thăm, chiêm ngưỡng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có một Hội An giữa lòng xứ Thanh

Năm 1999, UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới. Nhắc đến Hội An, ta nhớ đến một di sản đô thị phố cổ phát triển rực rỡ vào thời Chúa Nguyễn “mang gươm đi mở cõi” ở Đàng Trong. Để đến hôm nay, ở Hội An xứ Quảng còn đó hệ thống di sản với những công trình văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, lịch sử, làng nghề... được bảo tồn khá nguyên vẹn và vô cùng độc đáo. Hội An không chỉ nổi bật bởi sự kết hợp của các nền văn hóa qua các thời kỳ mà nó còn là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống. Dễ hiểu vì sao Hội An hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến vậy. Ngay giữa lòng TP Thanh Hóa, cũng có một “không gian” Hội An để người dân xứ Thanh khi nhớ về người anh em kết nghĩa Quảng Nam có thể ghé thăm, chiêm ngưỡng.

Trụ gốm nghệ thuật và phiên bản Chùa Cầu với nét đẹp văn hóa của vùng đất xứ Quảng tại công viên Hội An.

Nhắc đến xứ Quảng, ta nhớ đến một đô thị cổ Hội An, những phố cổ đan xen các công trình kiến trúc nhà truyền thống của người Việt, người Pháp và thương nhân Hoa Kiều xưa kia, các làng nghề truyền thống hay những công trình kiến trúc tâm linh đình, chùa, miếu... Trong đó, Chùa Cầu độc đáo không chỉ như một biểu tượng tâm linh mà còn là điểm đến không thể bỏ qua với bất cứ du khách nào khi đến với Hội An.

Sở dĩ Chùa Cầu độc đáo bởi nó còn là cây cầu cổ trong đô thị cổ Hội An được thương nhân Nhật Bản khi đến đây giao thương buôn bán góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Đầu thế kỷ 18, Chúa Nguyễn Phúc Chu khi ghé thăm Hội An đã đặt tên cho điểm đến này là Lai Viễn Kiều với ý nghĩa là “cầu đón khách phương xa”. Vào thời Nguyễn, Chùa Cầu từng bước được thay đổi để phù hợp với kiến trúc văn hóa của người Việt.

Và di sản Chùa Cầu dĩ nhiên cũng mang trong mình những “yếu tố” tâm linh của người dân xứ Phù Tang (Nhật Bản). Theo đó, ở Hội An xưa kia, người Việt, người Nhật hay người Hoa đều có chung truyền thuyết về nguyên nhân gây động đất. Họ cho rằng ngoài đại dương có một loài thủy quái khổng lồ. Đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ và lưng thì vắt qua khe ở Hội An mà Chùa Cầu bắc qua. Mỗi khi con thủy quái quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An cũng không được yên ổn để người dân làm ăn. Để các thương nhân làm ăn thuận lợi, người Nhật khi định cư tại Hội An đã tìm thầy phong thủy giỏi để xây một chiếc cầu hình dáng như thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật khiến nó không thể gây họa. Đó chính là Chùa Cầu. Cũng “theo con mắt phong thủy, Chùa Cầu như một thanh kiếm trấn yểm sông Hoài, ngăn không cho thủy quái gây lụt lội. Hai đôi linh vật khỉ, chó cũng chính là hai vị thần bảo hộ trong quan niệm của người Nhật...”

Để sẻ chia niềm tự hào về văn hóa truyền thống đậm nét của Hội An với người dân xứ Thanh, năm 2016, kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An, thành phố Hội An đã xây một phiên bản Chùa Cầu ngay trong công viên mang tên thành phố xứ Quảng dành tặng nhân dân xứ Thanh. Phiên bản Chùa Cầu được xây dựng tại công viên Hội An đã mô phỏng chi tiết, tỉ mỉ theo nguyên bản, với tỉ lệ 75% so với nguyên bản di sản Chùa Cầu trong Hội An”.

Ghé thăm Chùa Cầu trong công viên Hội An xứ Thanh, mỗi người dân Thanh Hóa sẽ cảm nhận được đâu đó một phần văn hóa xứ Quảng. Dẫu không thể nguyên cảm xúc như khi ta đứng trước di sản Chùa Cầu, vậy nhưng từng ấy cũng đủ để gợi nhắc mỗi người dân về tâm huyết, mối tình kết nghĩa thủy chung của hai vùng đất. Không chỉ vậy, bên cạnh phiên bản Chùa Cầu thì điểm nhấn văn hóa trong công viên Hội An xứ Thanh còn có hai trụ gốm nghệ thuật ngay cổng chính ra được đắp nổi. Công trình do chính tay các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà nức tiếng xứ Quảng thi công. Quan sát trên mỗi trụ gốm nghệ thuật, ta thấy đó là những hình ảnh thân thương của đất và người hai vùng đất Thanh Hóa - Quảng Nam. Là hình ảnh người anh hùng dân tộc Lê Lợi trong khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược 600 năm về trước, những người con xứ Thanh theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường vào xứ Quảng chiến đấu, các mẹ các chị nơi hậu phương vẫn cần mẫn lao động sản xuất; cùng với đó còn có những biểu tượng văn hóa của hai vùng đất cùng đan xen... tất cả thật hài hòa, gợi nhiều ý nghĩa. Đi qua thời gian, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, tin rằng mối tình kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam sẽ ngày càng bền chặt. Với xứ Thanh, luôn có một phần nghĩa tình dành cho xứ Quảng thương mến.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]